• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm giải pháp phù hợp để không chỉ “cứu” mà còn nâng tầm di sản của thủ đô

24/07/2018 16:57

(Cinet) - Đó là một trong những chủ đề được các đại biểu bàn thảo tại hội nghị tổng kết 5 năm về thi hành quy định “Bảo tồn và phát triển văn hóa” trong Luật Thủ đô do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 23/7.

(Cinet) - Đó là một trong những chủ đề được các đại biểu bàn thảo tại hội nghị tổng kết 5 năm về thi hành quy định “Bảo tồn và phát triển văn hóa” trong Luật Thủ đô do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 23/7.

Trong 5 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể luôn được thành phố quan tâm. Sở VH&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, và triển khai thi hành quy định về bảo tồn và phát triển văn hóa được quy định tại Luật Thủ đô. Nổi bật như Công tác bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống tiêu biểu, bảo tồn phát huy giá trị biệt thự cũ và các công trình xây dựng khác trước năm 1954. Công tác kiểm kê di tích toàn thành phố đã hoàn thành. Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích được thực hiện khoa học, đúng quy trình.  Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 14 nhóm bảo vật quốc gia với hàng trăm bảo vật quý giá đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, di tích chùa Tây Phương…

Làng cổ Đường Lâm trong cơn lốc "đô thị hóa"

Theo báo cáo, hiện nay thành phố có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.435 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.325 di tích cấp thành phố. Đây vừa là tiềm năng đồng thời là thách thức với thành phố trong công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích, di sản. Bởi bên cạnh một số di tích tiêu biểu như Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, và trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn của thủ đô, vẫn còn không ít các di tích rơi vào tình trạng xuống cấp do thiếu nguồn vốn để tu bổ tôn tạo như tại Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất…

Bên cạnh các khó khăn trong vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa, một điểm sáng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa thủ đô là công tác xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.

Cũng trong hội nghị, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội đã đề xuất các giải pháp khắc phục  những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành quy định “Bảo tồn và phát triển văn hóa” trong Luật Thủ đô. Nổi bật là việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và tăng cường việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các địa phương  để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này./.

Gia Linh (t/h)

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ