Tín hiệu mới về thương vụ 120 F-16 của Mỹ-Thổ: Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đã "ra rìa"?

Hoài Giang | 16-05-2022 - 13:48 PM

(Tổ Quốc) - Ít ngày trước, một quan chức Thổ đã tiết lộ thông tin mới cho thấy rằng các cảnh báo trước đó của họ về Su-57 của Nga có vẻ đã hiệu quả.

Từ bức thư của Bộ Ngoại giao tới Lưỡng viện Mỹ

Hôm 17/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một bức thư tới Lưỡng viện để giải thích rằng thương vụ tiềm năng về việc bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ củng cố an ninh quốc gia của Mỹ và sự thống nhất lâu dài của NATO.

Theo Reuters, bức thư nói trên đã được bà Naz Durakoglu, một quan chức Bộ Ngoại giao gửi tới Nghị sĩ Đảng Dân chủ Frank Pallone.

Được biết ông Pallone là người đứng đầu 50 nhà lập pháp Mỹ đã tiến hành một chiến dịch vào tháng 2 năm nay nhằm thúc giục Washington bác yêu cầu mua 40 tiêm kích F-16 do Lockheed Martin sản xuất và gần 80 bộ kit hiện đại hóa các máy bay cùng loại hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tín hiệu mới về thương vụ 120 F-16 của Mỹ-Thổ: Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đã ra rìa? - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan ra dấu hiệu với các tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tháp tùng trong một chuyến bay vào năm 2018.

"Chính quyền tin rằng có những lợi ích đủ thuyết phục về năng lực và sự thống nhất lâu dài của NATO, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia, kinh tế và thương mại của Mỹ sẽ được củng cố bởi các mối quan hệ thương mại quốc phòng phù hợp với Thổ Nhĩ Kỳ", bức thư viết.

Cần lưu ý rằng yêu cầu được đưa ra khi quan hệ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trở nên căng thẳng liên quan tới việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2017.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 và đơn đặt hàng hơn 100 máy bay loại này của Ankara đã bị hủy bỏ. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 12/2020.

Tới những "cảnh báo" của Thổ Nhĩ Kỳ

Cần lưu ý rằng trước bức thư nói trên khoảng 1 tuần - cụ thể là ngày 10/3 - trong cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã yêu cầu Washington giảm nhẹ các lệnh trừng phạt "bất công" với ngành công nghiệp quốc phòng của Ankara.

Và trong động thái được cho là phản ứng với bức thư của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào ngày 11/4 tờ Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải bài bình luận trong đó cảnh báo:

"Trong trường hợp yêu cầu này được Lưỡng viện Mỹ chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng sẽ có khoảng 120 tiêm kích F-16 Block 70.

Nếu Lưỡng viện Mỹ từ chối yêu cầu nó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lựa chọn mua tiêm kích từ Pháp và Anh hoặc mua tiêm kích thế hệ mới như Su-57 từ Nga.

Chủ đề về Su-57, một trong những lựa chọn mạnh mẽ nhất, đã được Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào chương trình nghị sự trước đây".

270 tiêm kích F-16 (44 F-16 Block 30, 116 F-16 Block 40, 80 F-16 Block 50 và 30 F-16 Block 50 ) hiện là "xương sống" của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF). Do số liệu chính thức không được tiết lộ nên số lượng F-16 trong kho hiện nay ước tính vào khoảng 245 chiếc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch thay thế F-16 bằng các tiêm kích tàng hình F-35 và TF-X do họ tự phát triển vào 2030. Tuy nhiên, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 do mua S-400 từ Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một số lựa chọn khác để duy trì sức mạnh trên không trong 8 năm tới trước khi TF-X thành hình bằng cách mua thêm F-16 và các bộ kit hiện đại hóa từ Mỹ.

Tín hiệu mới về thương vụ 120 F-16 của Mỹ-Thổ: Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đã ra rìa? - Ảnh 4.

Tiêm kích F-16 Block 70.

Vậy Su-57 Nga đã "ra rìa"?

Được biết bức thư của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17/3 lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trả "một cái giá đáng kể" cho việc mua S-400 nhưng không cho biết liệu thương vụ F-16 có được chính quyền của ông Biden thông qua hoặc lên kế hoạch hay đã có lịch trình bán hàng hay chưa.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo hôm 13/5, Trưởng phái đoàn đối ngoại, Phó Chủ tịch Đảng AK cầm quyền của Thổ ông Efkan Ala - người đang có chuyến thăm Mỹ - lưu ý rằng các yêu cầu về chính trị, kinh tế và quốc phòng đã được Washington "xử lý trong bầu không khí tích cực".

Ông Ala cũng nói thêm rằng phía Mỹ đang phản ứng "rất tích cực" về thương vụ F-16.

Từ thông tin nói trên, có thể thấy cùng với việc Ankara đặt F-16 "lên bàn" thảo luận với Washington, cơ hội họ đàm phán với Moscow về Su-57 sẽ thấp hơn nhiều - như bình luận của trang tin quân sự Nga Avia.pro hôm 17/4:

"Nếu Mỹ không giải quyết vấn đề cung cấp tiêm kích cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần, Ankara sẽ bắt đầu đàm phán với Nga.

Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán về việc có thể mua tiêm kích Su-57 của Nga - đồng thời, ý định như vậy cũng vẫn chưa được Ankara chính thức xác nhận".

Tín hiệu mới về thương vụ 120 F-16 của Mỹ-Thổ: Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đã ra rìa? - Ảnh 6.

Ông Erdogan bước xuống cầu thang sau phần giới thiệu về tiêm kích Su-57 tại Triển lãm MAKS-2019 (Ảnh: RIA Novosti).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM