Tinh hoa làng nghề Bắc Bộ hội tụ tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại
(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức "Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại" nhằm tôn vinh, giới thiệu tới người dân, du khách về di sản văn hóa Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống với sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, sản phẩm văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Khu vực trưng bầy của làng gốm Bát Tràng luôn thu hút rất đông người dân cũng như các em nhỏ tới thăm quan và trải nghiệm làm đồ gốm.
Làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu với những sản phẩm phục chế hoàng bào, trang phục triều đình.
Những sản phẩm mây tre đan thủ công luôn thu hút người dân về độ tinh tế. Nhiều người chia sẻ đồ mây tre đan của Việt Nam vừa đẹp lại bền chắc an toàn với môi trường.
Từ lâu nay, chuồn chuồn tre được làm bởi đôi bàn tay nghệ nhân Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành món đồ chơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, xưa thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội. Nằm trong vùng đất trăm nghề nổi danh, gồm rất nhiều làng nghề như nghề thêu, nghề tiện, nghề ren, nghề khảm… làng sơn mài Hạ Thái cũng có lịch sử hàng trăm năm.Sản phẩm sơn mài Hạ Thái từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng. Theo truyền thống, quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài gồm mười hai công đoạn. Các công đoạn này đều có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không đảm bảo độ bền cũng như tính mỹ thuật. Người Hạ Thái thường dùng loại sơn dầu làm từ hạt điều trộn với đất phù sa sông Hồng theo tỉ lệ nhất định để tạo nên những sản phẩm có độ bóng, bền, đẹp. Công đoạn đầu tiên làm ra một sản phẩm sơn mài đó là chọn chất liệu cốt nền. Nếu như các sản phẩm sơn mài truyền thống chỉ dùng cốt nền tre, gỗ, thì ngày nay, người nghệ nhân có thêm sự lựa chọn là gốm và sứ. Tùy theo từng cốt nền mà người nghệ nhân sẽ sử dụng nguyên liệu cho phù hợp. Các công đoạn làm nghề cùng các loại nguyên liệu cũng có nhiều thay đổi, tiếp cận với nguồn nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại, đồng thời, vẫn giữ được nét tinh túy, riêng biệt của nghề sơn mài truyền thống. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trong từng thao tác đều cần đến sự chính xác gần như tuyệt đối.
Nghề dệt ở Vạn Phúc đã có mặt cách đây hàng ngàn năm và ngày càng khẳng định danh tiếng. Xưa thời phong kiến các vua đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn thì lụa Vạn Phúc chuyên dùng để may y phục cho vua chúa, các quan lại trong triều đình. Danh tiếng dần càng được khẳng định và lan xa nguyên nhân là do lụa Vạn Phúc đều được làm thủ công thêu dệt tỉ mẫn bởi những người thợ lành nghề, gồm nhiều công đoạn rất công phu như: Tơ, hồ sợi, dệt, căng phơi. Các họa tiết đều được làm rất tỉ mỉ và tinh xảo, mỗi dải lụa là một kiệt tác chứa đựng tâm huyết và cái hồn của mỗi nghệ nhân. Đến ngày nay, Làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ trong mình những nét cổ xưa của một làng quê Việt như cây đa, giếng nước, mái đình… và trên hết là chất lượng sản phẩm lụa trường tồn cùng thời gian. Lụa Vạn Phúc ngày nay được biến tấu trở nên đa dạng chủng loại, mẫu mã, cùng với những tên gọi khác nhau như long phượng, mây bay, tứ quế, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Hình dạng hoa văn trên lụa được thể hiện dưới đôi bàn tay tinh luyện, cách nhìn tinh tế tạo nên những sản phẩm có sức tưởng tượng phong phú, độc đáo và giàu tính thẩm mỹ. Cũng bởi đặc tính nổi trội này mà mỗi khi khách ghé tới làng chẳng bao giờ quên mua một vài tấm lụa về làm quà cho người thân và bạn bè. Ngoài ra, bên cạnh mục đích mua sắm, những năm gần đây làng lụa Vạn Phúc cũng thu hút nhiều du khách ghé tới tham quan để được tận mắt chiêm ngưỡng cách tạo ra những sản phẩm từ lụa độc đáo.
Sản phẩm nón làng Chuông nay phần lớn dành cho xuất khẩu sang thị trường các nước lân cận.
Sản phẩm quạt thủ công truyền thống Chàng Sơn vốn nổi tiếng xa gần trong và ngoài nước cũng có mặt tại lễ hội.
Sản phẩm của làng nghề khảm trai truyền thống Chuyên Mỹ thu hút nhiều du khách tham quan.
Giới thiệu nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hoà) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt.
Đặc biệt, tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mang tên VỤN ART được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Du khách được tham quan, trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân.
Tại lễ hội này, du khách còn được trải nghiệm không gian mỹ thuật dân gian, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh: Hàng Trống, Kim Hoàng…; sự tiếp nối truyền thống của những dòng tranh mới như tranh ghép lụa, tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay…Đặc biệt, không gian triển lãm triển lãm còn giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật dân gian với việc sử dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại. Triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” thu hút đông đảo người dân và du khách.
Nam Nguyễn