(Tổ Quốc) - Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải đang vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng từ các quốc gia ở khu vực, trong đó nhiều nước có lực lượng hải quân rất đáng gờm.
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và tham vọng ở Địa Trung Hải
Khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đẩy mạnh các hoạt động gây tranh cãi của mình ở phía Đông Địa Trung Hải, nước này đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ các quốc gia tại khu vực, trong đó nhiều quốc gia có lực lượng hải quân rất đáng gờm.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành khoan khí tự nhiên ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Cộng hòa Síp đã gây ra sự phản đối rộng rãi. Ankara khẳng định họ có quyền khoan khí đốt ngoài khơi bờ biển đảo Síp, đồng thời tuyên bố những vùng biển đó nằm trong ranh giới của Cộng hòa Bắc Síp không được quốc tế công nhận.
Hoạt động khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực bị cả Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia phía Đông Địa Trung Hải phản đối.
Một hành động gây chia rẽ khác mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện gần đây là ký một biên bản ghi nhớ với Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) Libya vào tháng 11 năm ngoái để thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn giữa hai nước. Thỏa thuận hàng hải này trực tiếp kết nối bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ với bờ biển phía Đông Bắc Libya.
Đáp trả lại, ngay trong tháng này Hy Lạp và Ai Cập cũng đã ký thỏa thuận biên giới hàng hải của riêng họ.
Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ đang lùi bước. Tháng trước, Ankara đã triển khai các tàu chiến để hộ tống một tàu khoan thăm dò năng lượng ở Biển Aegea phía Nam đảo Kastellorizo của Hy Lạp, khiến Athens phải đặt lực lượng hải quân trong trạng thái “sẵn sàng cao độ”.
Những căng thẳng như vậy có thể sẽ gia tăng trong vài tháng tới, nghĩa là các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đối đầu với tàu của các quốc gia khác ở Địa Trung Hải khi họ kiên quyết phản đối hành động của Ankara.
Cần thấy rằng, nhiều lực lượng hải quân trong số các quốc gia này khá hùng mạnh và có thể gây trở ngại đáng kể cho các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay F-16 và một tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận "Blue Homeland 2019" ngoài khơi Antalya, ngày 28/22019. Ảnh: Anadolu
Tất nhiên, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất đáng gờm và có khả năng thể hiện sức mạnh trên khắp Địa Trung Hải. Các tàu hộ tống lớp Ada được Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo nội địa chuyên làm nhiệm vụ chống ngầm và phòng không.
Ankara cũng sở hữu một hạm đội gồm 8 khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Gabya, vốn là các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry cũ của Hải quân Mỹ nhưng đã được hiện đại hóa đáng kể.
Các tàu chiến lớp Gabya đã từng hoạt động ngoài khơi bờ biển Libya, sử dụng chính các hệ thống phòng không của chúng để hỗ trợ bảo vệ vùng trời phía tây Libya do GNA kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sở hữu một hạm đội khá quy mô gồm các tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209/1200 và Type 209/1400 do Đức chế tạo.
Kỳ hạm sắp tới của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, TCG Anadolu, là một tàu đổ bộ trực thăng (LHD) được phát triển dựa trên soái hạm Juan Carlos I. của Hải quân Tây Ban Nha. Anadolu sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai máy bay trực thăng, vận chuyển binh lính và các phương tiện thiết giáp đến các chiến trường xa.
Cuộc tập trận hải quân năm 2019 là cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ và nó cho thấy Ankara ngày càng có khả năng khuếch trương sức mạnh ra xa bờ biển của mình. Hơn 100 tàu chiến đã tham gia vào cuộc diễn tập đó.
Những đối thủ đáng gờm sẵn sàng nghên chiến?
Hy Lạp, nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là một thành viên NATO, có một lực lượng hải quân khá lớn gồm cả tàu chiến và tàu ngầm, mặc dù không quy mô và cũng chưa mạnh bằng Thổ Nhĩ Kỳ.
Xương sống của Hải quân Hy Lạp là 9 khinh hạm lớp Elli từng phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Hà Lan. Các khinh hạm này được trang bị tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon cũng như tên lửa hải đối không RIM-7M Sea Sparrow.
Hy Lạp cũng sở hữu một hạm đội gồm 4 khinh hạm lớp Hydra hợp tác đóng cùng với Đức trong những năm 1990. Các tàu khu chiến này đã được hiện đại hóa vào cuối những năm 2000 để tích hợp tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow nhằm bảo vệ tàu trước các cuộc tấn công của máy bay và tên lửa đối phương.
Ngoài ra, Hải quân Hy Lạp còn sở hữu 11 tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209/1100, Type 209/1200 và Type 214 do Đức chế tạo.
Tháng 5/2020, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một số chương trình nâng cấp lực lượng hải quân nước này, trong đó có việc mua 4 trực thăng Sikorsky MH-60R Seahawk mới từ Mỹ và hiện đại hóa hơn nữa các hệ thống trên khinh hạm lớp Hydra.
Cộng hòa Síp có năng lực hải quân cực kỳ hạn chế, đặc biệt nếu so với Thổ Nhĩ Kỳ. Nicosia chỉ có một số tàu tuần tra cỡ nhỏ và tên lửa chống hạm.
Tuy nhiên, Síp và Pháp lại có một mối quan hệ quân sự chặt chẽ và Paris đã từng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Síp trong những năm gần đây.
Khinh hạm Hydra F-452 của Hải quân Hy Lạp tại thành phố Thessaloniki tháng 10/2018. Ảnh: AFP
Tháng 2 năm ngoái, soái hạm của Pháp, tàu sân bay Charles de Gaulle, đã cập cảng Limassol của Síp, một minh chứng rõ ràng cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai nước. Pháp phản đối Thổ Nhĩ Kỳ khoan dầu ở EEZ của Cộng hòa Síp cũng như thỏa thuận hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ-Libya.
Israel cũng phản đối các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải. Vào cuối năm 2019, lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn và đẩy lùi một tàu nghiên cứu của Israel hoạt động gần Đảo Síp. Israel được cho là đã đáp trả bằng cách cho máy bay bay vòng qua một tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ gần đảo Síp để phô trương lực lượng.
Nếu so với hầu hết các lực lượng hải quân ở phía Đông Địa Trung Hải, Israel có một lực lượng hải quân khá nhỏ, là binh chủng nhỏ nhất trong Quân đội Israel (IDF) với vỏn vẹn chỉ 10.000 nhân viên. Thế nhưng, để bù đắp lại, Israel lại có hỏa lực rất mạnh và linh hoạt nên vẫn là một đối thủ đáng gờm.
Israel hiện đang vận hành các tàu hộ tống lớp Sa’ar được trang bị tên lửa hải đối hải Gabriel và Harpoon cũng như tên lửa hải đối không Barak-8. Chúng được bổ sung thêm sức mạnh bởi các tàu tên lửa lớp Sa’ar 4,5 và Sa’ar 4 nhỏ hơn cùng các tàu tuần tra lớp Dvora và Dabur.
Israel cũng vận hành một hạm đội tàu ngầm tấn công Dolphin chạy bằng điện-diesel do Đức chế tạo. Các tàu ngầm này hoạt động yên tĩnh và do đó rất khó bị phát hiện. Chúng có tầm hoạt động khá ấn tượng, hơn 4.000 dặm, nghĩa là hoàn toàn có thể hoạt động xa bờ biển Israel.
Ngoài việc được trang bị ngư lôi, những tàu ngầm này còn có khả năng bắn tên lửa hành trình, có thể là phiên bản hải quân của tên lửa Popeye và rất có thể đã được Israel sử dụng trong các cuộc tấn công ở Syria.
Tàu ngầm INS Rahav của Hải quân Israel tại cảng Haifa ngày 12/1/2016. Ảnh: AFP
Các tàu ngầm Dolphin II mới hơn và lớn hơn mà Israel bắt đầu mua lại từ Đức vào những năm 2010 là những khí tài quân sự đắt tiền nhất trong kho vũ khí của IDF và cũng là những tàu ngầm lớn nhất được chế tạo ở Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Ai Cập, nước láng giềng phía Nam của Israel, cũng có lực lượng hải quân đủ khả năng thách thức Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.
Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi, Ai Cập kiên quyết phản đối các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển này cũng như tại nhiều khu vực khác.
Ai Cập cũng đã mua một số tàu chiến mạnh mẽ từ Pháp, gồm hai tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral, bốn tàu hộ tống lớp Gowind và một khinh hạm đa năng lớp FREMM Aquitaine.
Ai Cập hiện có 4 khinh hạm tên lửa dẫn đường lớp Oliver Hazard Perry trang bị tên lửa đất đối không SM-1MR Standard và tên lửa Harpoon cùng với 2 khinh hạm lớp Knox cũ hơn.
Sức mạnh của những con tàu lớn này được bổ sung thêm bằng nhiều loại tàu tên lửa cỡ nhỏ và 8 tàu ngầm tấn công diesel-điện mua từ Đức và Trung Quốc.
Tất cả các lực lượng hải quân kể trên đều thuộc những quốc gia muốn tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải phá sản và tiến tới buộc Ankara phải nghiêm túc xem xét lại các động thái của họ ở vùng biển giàu tài nguyên và có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược này.