Chia sẻ
Tôi chưa chạy thử mẫu xe nào tới lần thứ 5. Tôi chưa bao giờ đi xa mà không lên lịch trình. “2 chưa” đó hòa trộn những thứ cũ kỹ và mới mẻ, tạo ra chuyến đi nhiều câu chuyện đúng lúc gặp nhiều vết thương về cảm xúc.

Tôi là nhà sáng tạo nội dung, đồng thời là một nhiếp ảnh gia - “nghề” cũng tạo ra nội dung nhưng bằng hình ảnh.

Dù là câu chữ hay những khoảnh khắc, chúng đều cần cảm xúc để từ hiện thực trở thành một thứ gì đó nghệ thuật hơn trước khi tới với người đọc, người xem. Nhưng mấy tháng nay, tôi đối diện với khối lượng công việc khổng lồ, chôn chân tại bàn làm việc. Đa nhiệm hơn nhưng ít sáng tạo hơn.

Trong giới sáng tạo, điều này được gọi là vết thương cảm xúc.

Và khi đối diện với mẫu xe cần chạy thử tới lần thứ 5 - điều vốn chẳng có trong từ điển của người làm nghề, tôi nghĩ ra cách vừa hoàn thiện công việc, vừa chữa lành cho mình, và biết đâu là lời khuyên cho rất nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng đang giống mình.

Chuyến đi tìm những mẩu chuyện vụn vặt của Toyota Raize lên Lạng Sơn từ đó bắt đầu.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 1.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 3.

Để lại ô tô bên ngoài và leo lên những chiếc xe máy cũ kỹ của người dân địa phương, tôi bắt đầu lạc vào nơi chưa từng ghé chân.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 4.

Len lỏi trên con đường độc đạo chừng vài trăm mét, một làn gió mát lạnh táp vào mặt, cả tiết trời đổi thay trong tíc tắc dù nắng vẫn gắt như vậy. Khác chăng là giờ tôi thấy rõ trời mây xanh ngắt hơn vì xung quanh không một bóng nhà. Trước mắt mở ra cả một thảo nguyên rộng lớn mà chỉ cách đây độ 2 tháng ngập nước khắp lối. Đồng Lâm chia hai mùa rõ rệt, mùa mưa độ tháng 6-9, đúng chất “xung quanh chỉ là nước”, và mùa khô là những tháng ngày còn lại.

Sau này về tới nhà, tôi mới biết khu vực này rộng tới 100 ha, bạn có thể tưởng tượng ra 6 cái sân vận động Mỹ Đình gộp lại nhưng không hề có chút gì liên quan tới hai từ xi măng, cốt thép.

Trâu, ngựa thảnh thơi gặm cỏ, được thả rông và “không ai thèm lấy về” theo đúng lời của người đang chở tôi trên chiếc xe máy mất cả logo. Ở đây như tách biệt với văn minh ngoài kia bởi con đường chừng 2km. Chị gái 35 tuổi xưng người Kinh nhưng thực chất là “người Tày mất gốc” theo mô tả của chị. Chị hàng ngày làm ruộng nhưng nhìn xuống thảo nguyên, hễ thấy khách du lịch là chạy xe máy xuống đưa đón với 80.000 đồng/cuốc hai chiều.

“Cuối tuần đông mới có khách nhiều, chạy ngày 3, 4 lượt chứ ngày thường không có mấy ai cả”, chị nói trong sự vội vã vì vừa phóng vội xuống đón tôi khi đang dở tay nấu cơm trưa. Cuộc nói chuyện cứ thế bon bon, chúng tôi lách qua từng lằn đất sau mưa. Chị nói chỉ cần đi đúng rảnh là không ngã. Cảm tưởng vượt qua mỗi rảnh đất là mất một vạch sóng, để rồi tới nơi, thậm chí mạng E còn không có.

Sau chừng 1 tiếng hạ trại, tôi trở lại lấy xe để đi tiếp những vùng đất khác của Lạng Sơn vì rút cục, vết thương cảm xúc chữa được nhưng nếu lang thang mãi ở đây, hẳn là còn nhiều vết thương khác nữa…

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 6.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 7.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 8.

Với làn nước xanh biếc nằm giữa một thung lũng với xung quanh là những dãy núi đá vôi hùng vĩ, bạn có thể chọn ngồi thư giãn, thả mình vào thiên nhiên, chụp lại những tấm ảnh như tôi đang làm, viết ra những trải nghiệm hiếm có hoặc chèo thuyền ra xa hơn để hứng nắng, hứng gió.

Sau khi rời hồ Nong Dùng, một trong hai chiếc Toyota Raize báo gần hết xăng. Kiểm tra trên bản đồ thì trạm xăng gần nhất cách tới 27 km, trong khi xe báo chỉ đi được… 23 km nữa. Ghé hỏi một người đi đường, câu nói của chị khiến chúng tôi lặng đi một lúc, rằng “Ở gần đây không có cây xăng nào đâu…”, nhưng sau đó liền trấn an luôn “...nhưng vẫn còn cách mua xăng theo chai”.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 9.

Theo chỉ dẫn, len lỏi vào những ngõ chừng hơn 2m vừa đủ chiều rộng của chiếc Raize, chúng tôi cũng tới được tiệm tạp hóa ven đường, nơi được cho là cung cấp xăng cho rất nhiều hộ dân xung quanh đây. Chắt xăng từ một thùng phuy lớn, chị chủ tiệm nói: “Mình lặn lội hàng chục km đi lấy xăng về đây để bán. Quanh đây người ta vẫn chưa xây trạm xăng nào. Người dân ở đây họ vẫn mua xăng thế này”. Vừa nói chị vừa chìa ra tờ hóa đơn mới mua mấy chục lít xăng và dầu.

Giữa xứ lạ, cũng không còn cách nào khác, chúng tôi chỉ dám đổ thêm một chút xăng đi tạm cho đến khi tới được cây xăng gần nhất, cũng khá gần điểm đến cuối cùng là núi Nà Lay.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 10.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 11.

Gần 30 km không phải quá xa, khi mà chúng tôi đã vượt qua quãng đường gấp hơn 4 lần để tới Hữu Lũng. Nhưng tuyến đường tỉnh 243 nối từ Hữu Lũng tới huyện Bắc Sơn lại khiến cả 6 người lúc nào cũng phải tập trung và căng mắt nhìn để tránh những ổ voi, ổ gà. Bề mặt đường nhiều chỗ đã hư hỏng, nền đường sụt lún, khiến đi lại rất khó khăn, thêm nữa là những đoạn đường đèo quanh co. Suốt gần một tiếng di chuyển, ngắm cảnh thì ít mà chủ yếu phải… ngắm đường. Một chiếc xe gầm cao như Raize quả là sự lựa chọn đúng đắn.

Tìm đường lên núi không dễ như mường tượng ban đầu. Google Maps chỉ dẫn rõ ràng trên chiếc màn hình cảm ứng nét của xe, nhưng đáng tiếc là… không chính xác. Chúng tôi phải hỏi người dân địa phương để chỉ đường. Đến nơi, một tấm bảng lờ mờ hiện ra với dòng chữ “Đường lên núi Nà Lay” đã phai mờ theo năm tháng, bên trong là một căn nhà cấp 4 được cải tạo từ lò gạch cũ và một khoảng sân rộng có thể đỗ tới 3-4 chiếc xe có kích thước nhỏ gọn như Raize.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 12.

Đã thấm mệt sau cả ngày đi lại, có lẽ chúng tôi đã có chút lưỡng lự trước leo núi cho đến khi nghe được câu nói của cô con gái nhỏ của chị chủ nhà: “Đi quen thì 15 phút, còn không quen thì cả tiếng đồng hồ”. Con số 15 phút ấy như lời động viên để chúng tôi tiếp tục hành trình, dù trước mắt là khoảng 1.200 bậc thang đá cheo leo để lên tới đỉnh núi cao hơn khoảng 400 mét - tức ngang tòa Landmark 81 cao nhất Việt Nam hiện tại.

Vậy là, chúng tôi bỏ lại hết 6 vali, hàng loạt balo, túi xách và các đồ đạc lỉnh kỉnh ở 2 chiếc cốp rộng rãi của Toyota Raize để thử chinh phục đỉnh cao mới sau Cát Bà vài tháng trước.

Tuy vất vả, có lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa, nhưng những gì nhận được khi leo lên đỉnh Nà Lay thực sự xứng đáng với công sức bỏ ra.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 13.

Phóng tầm mắt ra xa là một khung cảnh nên thơ như tranh vẽ với những dãy núi lấp ló sau làn mây, những thửa ruộng vàng ươm màu lúa chín trải ra như một tấm thảm mịn màng dưới thung lũng, đan xen là những bản làng của người Nùng, người Dao và người Tày, cùng khung cảnh yên bình đến lạ của vùng đất Bắc Sơn.

Xuống đến chân núi cũng là lúc mặt trời đã khuất bóng hoàn toàn. Chị chủ nhà hồ hởi hỏi thăm và chỉ cười trừ khi nghe câu chuyện “15 phút”. Thấy 2 bạn nhỏ cũng mới từ trên núi xuống, chị bảo: “Mấy đứa này đi tập thể dục đấy, chiều nào cũng leo lên đỉnh rồi lại xuống”. Với người dân nơi đây, có lẽ việc leo lên đến đỉnh núi điều hết sức bình thường. Khách tham quan đi người không đã đuối sức, nhưng chị chủ nhà còn nhận vác thêm hành lý và đồ ăn uống lên tới đỉnh với phí 200.000 đồng/lần.

Theo chia sẻ của chị, vào mùa du lịch cao điểm, có hàng trăm người cùng tới đây một ngày. Nhiều người đến để săn mây. Họ đi từ 11 giờ tối, thậm chí 1 giờ đêm để kịp bắt khoảnh khắc chạm vào mây buổi sáng sớm.

Tôi đi Lạng Sơn ‘2 chưa’...  - Ảnh 14.

Chúng tôi trở về Hà Nội khi màn đêm đã buông xuống, con đường sâu hun hút với hai bên đường vắng bóng nhà dân, không một ánh đèn đường. Tất cả chỉ trông chờ vào ánh sáng đèn LED hắt ra từ 2 chiếc Toyota Raize đang sáng rực cả đoạn đường.

Ai cũng ngủ trừ tôi và lái xe. Chiếc Raize lao đi thoăn thoắt gần 100km/h nhưng phuộc ít bồng bềnh để mọi người có thể đi vào giấc ngủ ngắn, hồi lại sức lực sau cả ngày di chuyển. Chiếc ghế êm ái và khá rộng rãi lại cho tôi không gian để mở “Note”, ghi nhanh lại hành trình.

Xa rời ồn ào, cân bằng lại cảm xúc để rồi chạm tới giới hạn của bản thân, tôi kịp chữa lành vết thương cảm xúc trước khi trở lại công việc vốn có.

Bất giác nhớ lại, đây không phải lần đầu. Trước đó, tôi đã tìm tới các ngóc ngách của Hà Nội, lên hồ Đồng Tâm, đi tới Cát Bà hay hồ Núi Cốc để giải tỏa, “F5” bản thân. Dường như công việc này khiến tôi gặp nhiều vết thương cảm xúc để rồi lao vào các chuyến đi xa để tìm lại sự sáng tạo. Và lần nào cũng là Toyota Raize!

Một số hình ảnh khác tại Lạng Sơn:



Trần Đức AD
Lee Hoàng, Tee Anh
Tee Anh, Cấn Hưng, Lê Tuấn
Trường Dương, SUN