Tổng giám đốc PwC giải mã việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua các công ty Singapore và tham vọng trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM

Hoàng An | 13-11-2020 - 07:00 AM

(Tổ Quốc) - "Mô hình các công ty đầu tư vào Việt Nam thông qua một công ty holding là chuyện rất phổ biến và ở các nước cũng đều như vậy, có nhiều lý do" - bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám Đốc PwC Việt Nam chia sẻ với Trí Thức Trẻ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh Doanh Việt Nam.

"Nhưng quan trọng nhất là cơ sở vật chất, thực tế là dự án đó nằm ở đâu, ở Việt Nam đúng không? Singapore chỉ là văn phòng quản lý điều hành, điều đó không quá đáng ngại" - Tổng giám đốc PwC nói.

Bà Vân cho rằng, vốn đầu tư có thể có nguồn gốc từ Mỹ, Hà Lan, từ nhiều quốc gia khác… vì tất nhiên, chính sách, môi trường của Singapore khuyến khích các công ty nước ngoài đặt trụ sở vùng (regional hub), và họ sẽ có lợi ích từ đó. "Chúng ta chưa tạo ra được môi trường thuận lợi như vậy, để các công ty đa quốc gia coi Việt Nam là regional hub".

Rõ ràng, theo bà Vân việc trở thành trụ sở vùng đem lại những lợi ích trông thấy cho Singapore, Hong Kong… Với những bất ổn ở Hong Kong thời gian vừa qua, Singapore trở thành nơi được lựa chọn nhiều hơn cả, vì môi trường pháp lý tốt, thị trường tài chính tốt.

"Các doanh nghiệp, không chỉ Mỹ, mà châu Âu, Nhật cũng sử dụng Singapore là trụ sở vùng rất nhiều" – bà Vân nhấn mạnh.

Tổng giám đốc PwC giải mã việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua các công ty Singapore và tham vọng trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), thị trường chứng khoán Singapore có quy mô lớn nhất châu Á nhưng tỷ lệ giao dịch trong nước chiếm khoảng 50%, điều đó chứng tỏ rất nhiều tập đoàn kinh tế tài chính nước ngoài mở công ty tại Singapore.

Các Trung tâm tài chính quốc tế lớn như Hongkong, Singapore, London… bao giờ cũng có vị trí địa lý thuận lợi về hàng hải, hàng không cho các nước trong khu vực và thế giới và dễ trở thành trung tâm thương mại quốc tế đồng thời luôn gắn liền với thị trường tài chính quốc tế.

Một trung tâm tài chính quốc tế thường cũng là trung tâm thương mại quốc tế, nơi có thị trường giao dịch hàng hóa phát triển và gắn liền với trung tâm tài chính. Tại đây, các tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới mở chi nhánh hoạt động để vừa kinh doanh tại nước đó và đồng thời là địa bàn hoạt động cho khu vực các nước lân cận. Các tập đoàn tài chính này có thể bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, công ty dịch vụ tài chính, công ty bảo hiểm.

Thông thường, đi theo các tập đoàn tài chính, thì các tập đoàn kinh doanh thương mại, tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới cũng chọn nơi đó làm trụ sở cho hoạt động tại khu vực.

Song, ở Việt Nam hiện nay chưa có các tập đoàn tài chính nói trên mở chi nhánh để phục vụ cho các nước trong khu vực. Các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới chưa mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam do thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ bé. Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tầm cỡ lớn nhất thế giới cũng chưa thành lập công ty con hoạt động tại Việt Nam.

"Singapore có định hướng rõ ràng như vậy, vì họ rất nhỏ, không thể đặt nhà máy được, không sản xuất được, thì họ làm trụ sở vùng. Tất cả những khoản đầu tư đó, họ vẫn hưởng lợi lớn về mặt tài chính, con người. Đổi lại, nguồn chất xám họ cần có để đáp ứng các công ty nước ngoài là rất cao, nên họ cũng phải có chính sách thu hút nhân tài về đó, chứ lao động phổ thông thì không có nhiều. Việt Nam thì sao? Chúng ta chưa có chính sách đó" - Tổng giám đốc PwC giải thích.

Tổng giám đốc PwC giải mã việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua các công ty Singapore và tham vọng trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM - Ảnh 2.

Vậy nên, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, thông thường phải thông qua một công ty holding ở đâu đó, quản lý ngồi đâu đó, còn chúng ta chỉ là nhà máy. Nếu chúng ta có nhà máy ở đây, mà chúng ta lại có chính sách tốt hơn, với ưu thế thị trường lớn, thì các công ty đa quốc gia có thể đặt trụ sở vùng ở Việt Nam, tốt hơn nhiều.

"Thị trường Việt Nam dân số gần 100 triệu, Singapore lại chỉ cách chúng ta một khoảng cách ngắn, vì sao họ là hub mà mình thì không thể xây dựng thương hiệu?" - bà Vân đặt câu hỏi - "Vì thị trường tài chính của chúng ta chưa phát triển, điều đó ảnh hưởng ngay đến cả các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đều mong muốn TP.HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính lớn ở châu Á, nhưng việc đó không dễ, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chính sách chỉ là một phần, còn cơ sở hạ tầng thông tin, chính sách tài khóa, tài chính…".

Để thu hút các tập đoàn kinh tế tài chính lớn trên thế giới đến đóng đô tại Singapore, theo VAFI, Chính phủ phải có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, không chỉ liên quan đến các vấn đề chi phí, thủ tục hành chính, chính sách tiền tệ, mà còn là chính sách giáo dục, thu hút nhân tài, chính sách cho chuyên gia nước ngoài và người thân của họ.

"Nếu chúng ta không chỉ là trung tâm về sản xuất, mà có thể là trung tâm tài chính, thì sẽ thu hút được rất nhiều nguồn lực có trình độ, tạo ra thị trường vốn, thị trường tài chính tốt hơn. Đây là cả một bài toán lớn" - Tổng giám đốc Quỳnh Vân kết luận.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM