TP.HCM: Người phụ nữ mất 50 triệu sau cuộc gọi báo con đang cấp cứu, cảnh báo hình thức lừa đảo mới nhắm vào các bậc phụ huynh

QL | 03-03-2023 - 20:56 PM

(Tổ Quốc) - Thủ đoạn lừa đảo này nhắm vào tâm lý của các bậc phụ huynh khi hay tin con mình gặp tai nạn.

Ngày 3/3, thông tin đến chúng tôi, anh Trịnh Đ. (TP.HCM) cho biết gia đình anh vừa bị lừa mất 50 triệu đồng qua điện thoại.

"Vợ tôi đang ở nhà thì nhận điện thoại từ số lạ gọi đến, thông báo con trai tôi bị tai nạn đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Phải chuyển tiền gấp để làm phẫu thuật", anh Đ. chia sẻ.

Theo anh Đ, sau khi nhận cuộc gọi "hú hồn", vợ anh liền gọi cho cô giáo của con để hỏi cho rõ nhưng cô giáo không nghe máy. "Quá lo lắng cho con, vợ tôi làm theo lời đối tượng kia và chuyển cho chúng tổng cộng 50 triệu đồng", anh Đ. cho biết.

Tên và số tài khoản mà đối tượng yêu cầu chuyển tiền tới với mục đích chiếm đoạt

Trao đổi với chúng tôi, anh Đ. nhận định thủ đoạn lừa đảo này không mới, nhưng điều đáng nói là nhóm đối tượng lừa đảo có vẻ như đã chuẩn bị rất kỹ kịch bản lừa đảo khi đánh vào tâm lý thương con của các bà mẹ. "Hơn nữa, chúng dường như biết các cô giáo của con tôi không được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, nên có gọi kiểm tra cũng không được", anh Đ. nói.

Cũng theo anh Đ., số điện thoại lừa đảo này cũng đã liên hệ với nhiều phụ huynh khác cùng trường với con anh, thậm chí cũng đã có trường hợp khác mắc bẫy. Trước tình huống này, phía nhà trường đã khuyến cáo tới toàn thể phụ huynh học sinh, nâng cao cảnh giác. 

TP.HCM: Phụ huynh mất 50 triệu sau cuộc gọi báo con đang cấp cứu, nhà trường ra khuyến cáo - Ảnh 2.

Khuyến cáo từ phía nhà trường

TP.HCM: Phụ huynh mất 50 triệu sau cuộc gọi báo con đang cấp cứu, nhà trường ra khuyến cáo - Ảnh 3.

Một phụ huynh khác cũng bị đối tượng nói trên tiếp cận

Hiện sự việc đã được gia đình anh Đ. báo với nhà trường cũng như cơ quan chức năng và phía ngân hàng nhận tiền nhằm có hình thức xử lý. Hơn hết, anh Đ. mong muốn vụ việc gia đình anh vừa gặp phải sẽ là hồi chuông cảnh báo gửi tới các vị phụ huynh.

Chiều cùng ngày, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận với VTC News, cho biết ngoài gia đình anh Đ. còn có các nạn nhân khác là phụ huynh học sinh cùng trường. Theo bệnh viện, đơn vị này ghi nhận 3 phụ huynh học sinh trường trên tìm đến bệnh viện với cùng lý do tìm thông tin con đang cấp cứu. Tuy nhiên, trên hệ thống thông tin người bệnh nhập viện cấp cứu tại Chợ Rẫy không có trường hợp nào mà các phụ huynh đang tìm kiếm. Bệnh viện đã ghi nhận thông tin thì được biết, các phụ huynh đều nhận được các cuộc gọi từ người xưng là thầy giáo của trường Việt Úc nơi con họ đang theo học.

Người tự xưng là thầy giáo, thông báo cho các phụ huynh con của họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đề nghị hỏa tốc chuyển tiền qua tài khoản của người này để đóng tiền phẫu thuật. Các "thầy giáo" tự xưng còn đe, nếu không hoặc chậm nộp tiền thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Đối mặt với thông tin khẩn nguy về tình trạng của con em mình, ít nhất đã có 3 phụ huynh chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân theo dẫn dụ của các "thầy giáo".

Bên cạnh trường hợp trên, người dân cần cảnh giác với 4 thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại phổ biến đã được Bộ Công an cảnh báo, như sau:

- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang.

Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.

Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

- Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng.

Hành vi lừa đảo được chúng thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.

- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó.

Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

- Tự giới là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại/nười bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

Bị lừa đảo qua điện thoại, làm sao để đòi lại tiền?

Ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi mình cư trú để được giải quyết kịp thời.

Người tố giác tội phạm cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây khi làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an:

- Đơn trình báo Công an (trình bày cụ thể sự việc lừa đảo, các yêu cầu cần giải quyết);

- Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;

- Chứng cứ kèm theo: Bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn… trong đó có chứa thông tin hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, người bị lừa đảo cũng có thể tố giác tội phạm thông qua đường dây nóng của Bộ Công an, Công an địa phương.

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra dựa vào các thông tin mà người tố giác cung cấp. Trong quá trình giải quyết, người tố giác cần phối hợp với cơ quan Công an để cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Sách "Diamond Manager - Nhà quản lý bền vững" có gì đặc biệt?

(Tổ Quốc) - Từ nền tảng quản lý khoa học và trải nghiệm thực tế được đúc rút trong hơn 20 năm làm công tác đào tạo và quản lý tại nhiều tập đoàn đa quốc gia, hai chuyên gia của VMP Academy: Phan Hữu Lộc và Nhật Minh Quang đã chính thức xuất bản quyển sách thứ 2 mang tên "Diamond Manager - Nhà Quản Lý Bền Vững".