Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê của Thủy Tiên có thể đã bị chỉnh sửa, không có giá trị pháp lý: Luật sư nói gì?

(Tổ Quốc) - "Nếu chỉ cãi nhau trên mạng xã hội, một người bảo đúng, người kia bảo sai rồi hùa vào thành các hội nhóm cãi vã, bới móc, xúc phạm lẫn nhau thì vụ việc sẽ không bao giờ có hồi kết", luật sư nhận định.

Chủ tài khoản có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê số tiền mà mình muốn?

Chiều 17/9, Công Vinh-Thủy Tiên công khai đến ngân hàng sao kê tiền hơn 177 tỉ đồng tiền thiện, bên cạnh đó Thủy Tiên cũng khẳng định không hề có chuyện sử dụng số tài khoản thứ 2, thứ 3 để mạnh thường quân gửi tiền vào trong đợt kêu gọi từ thiện miền Trung cuối năm ngoái.

Đồng thời bác bỏ mọi thông tin bịa đặt trên mạng xã hội và thông báo sẵn sàng kiện những cá nhân, tổ chức vu khống hai vợ chồng.

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Công Vinh update việc cả hai vợ chồng anh đã có mặt tại ngân hàng để nhận sao kê vào chiều 17/9

Tuy nhiên, trên MXH vẫn xuất hiện luồng ý kiến trái chiều, ngoài những người ủng hộ hành động của Công Vinh - Thủy Tiên thì vẫn có nhiều người nghi ngờ, cho rằng việc sao kê của 2 vợ chồng Thủy Tiên vẫn... không minh bạch, không xác đáng.

Thậm chí, có người còn cho rằng: "Chủ tài khoản có thể yêu cầu làm sao kê theo số tiền mà mình mong muốn. Đồng thời khẳng định bản sao kê của Thủy Tiên hôm 17/9 không có giá trị pháp lý, đã bị can thiệp chỉnh sửa".

Nói về yếu tố pháp lý trong việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: "Bản sao kê do ngân hàng cung cấp thì ngân hàng chịu trách nhiệm về nội dung, tính xác thực của các văn bản đó. 

Nếu chỉ cãi nhau trên mạng xã hội, một người bảo đúng, người kia bảo sai rồi hùa vào thành các hội nhóm chửi bới, bới móc, xúc phạm lẫn nhau thì vụ việc sẽ không bao giờ có hồi kết. Việc đúng hay sai thì phải do cơ quan chức năng kết luận quá trình xác minh, điều tra theo trình tự, thủ tục luật định".

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 2.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Việc sao kê tài khoản được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng có sự thỏa thuận giữa 2 bên (cá nhân hoặc tổ chức và Ngân hàng) và sử dụng đúng mục đích yêu cầu.

Do đó, việc in sao kê tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của chủ tài khoản và chỉ được sao kê khi Cơ quan điều tra có yêu cầu cung cấp liên quan đến các vụ án để bổ sung vào hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về sao kê tài khoản Ngân hàng. Tuy nhiên, để giải đáp được những vướng mắc cũng như những căn cứ pháp lý phục vụ công tác điều tra các vụ án có hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác. Các Ngân hàng cho phép chủ tài khoản được phép sao kê tài khoản ngân hàng của mình khi có nhu cầu. Cụ thể, mỗi Ngân hàng sẽ có những quy định riêng về trình tự thủ tục thực hiện

Đồng thời, luật sư Cường khẳng định: "Không có chuyện muốn kết quả sao kê thế nào thì được như thế. Sao kê chính là một hình thức sao chép các thông tin, dữ liệu có trong tài khoản. Việc sao chép đòi hỏi phải trung thực, khách quan, có đầy đủ các thông tin theo quy định. Trường hợp việc sao chép không đầy đủ, hoặc bị tẩy, sửa trước khi in ra thì nội dung sao kê đó không phản ánh đúng thông tin có trong tài khoản".

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 3.

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 4.

Luật sư cũng cho rằng, trên MXH, mọi người có thể bày tỏ quan điểm ý kiến cá nhân của mình, có quyền nghi ngờ. Tuy nhiên việc có đúng hay không thì chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận. 

Việc Thủy Tiên phát trực tiếp trên mạng xã hội một thời gian ngắn như vậy để công khai bản sao kê 18.000 tờ, thông tin trên Facebook cũng khó có thể xem rõ, bởi vậy việc nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra hoặc việc người theo dõi không hiểu đầy đủ về thông tin của bản sao kê cũng có thể xảy ra. Còn chuyện cãi nhau trên mạng xã hội sẽ không bao giờ có hồi kết nếu chuyện "ông nói gà, bà nói vịt" cứ diễn ra hằng ngày.

"Nếu không tin vào những chứng cứ sao kê mà Thủy Tiên cung cấp thì những người đã góp tiền cho nữ ca sỹ này có quyền trình báo với cơ quan chức năng", luật sư cho biết.

Luật sư đại diện vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh chính thức lên tiếng 

Trao đổi trên Thanh Niên, luật sư đại diện vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh cũng chính thức lên tiếng làm rõ 4 điều liên quan tới vụ việc sau khi tuyên bố nhờ cơ quan chức năng vào cuộc:

“Trước tiên, phải nói đến các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cơ quan Nhà nước, làm dấy lên quan điểm mất niềm tin của người dân vào các cơ quan, đoàn thể, tổ chức Nhà nước. Các tổ chức, cơ quan Nhà nước này bị cáo buộc rằng làm việc không minh bạch, có gian lận trong việc cấp các văn bản xác nhận hoạt động từ thiện tại địa phương do mình quản lý.

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 5.

Luật sư Phan Vũ Tuấn (bìa trái) - đại diện pháp lý cho vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh

Thứ hai, từ những câu chuyện bịa đặt, lố bịch, vô căn cứ mà các cá nhân này tạo ra và đăng tải, lan truyền rộng khắp trên các diễn đàn internet đã gây tổn thương sâu sắc đến những cá nhân, tổ chức giàu lòng nhân ái, bỏ tiền ra ủng hộ, quyên góp giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt.

Thứ ba, đối với những đồng bào ở vùng lũ lụt miền Trung quanh năm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai thì sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các mạnh thường quân trong xã hội là vô cùng quý báu và đáng trân trọng. Ấy vậy mà từ những tin đồn thất thiệt, những lời bịa đặt vô căn cứ đã làm cho những con người chất phác nơi đây phải chịu sự soi mói, phán xét từ cộng đồng mạng và là đối tượng được mang ra để câu view, câu like một cách thiếu ý thức.

Thứ tư, những thông tin bịa đặt, vô căn cứ đã bóp méo đi truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta...Hơn nữa, các hành vi nêu trên đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng cũng như thiệt hại rất lớn đến các đối tác, nhãn hàng đang hợp tác với vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên. Các nhãn hàng đang phải gánh chịu sự tấn công từ cộng đồng mạng tại các trang fanpage và các TVC quảng cáo trên các phương tiện truyền thông khác".

Trước đó vào ngày 15/9, vợ chồng Thủy Tiên lần lượt chia sẻ việc dời buổi livestream sang 14h chiều ngày 17/9. Nữ ca sĩ cho biết sẽ sao kê tài khoản ngân hàng từ trước khi kêu gọi 5 ngày và sau khi công bố kết thúc chuyến từ thiện 3 tháng. 

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 6.

Thủy Tiên có mặt tại ngân hàng bên thùng sao kê

Mục đích của việc công khai sao kê qua livestream nhằm xác nhận về tổng số tiền kêu gọi từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm ngoái có đúng như con số công bố hay không. Qua đó sẽ là minh chứng đối với tin đồn về việc Thủy Tiên kêu gọi được 320 tỷ hay 700 tỷ như một số thông tin đồn thổi trên mạng xã hội.

Ngoài ra, phía vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên cũng công bố bảng tổng hợp các khoản chi tại các điểm đến ở các tỉnh miền Trung, có giấy đính kèm xác nhận của địa phương bằng dấu mộc đỏ.

Theo đó, tổng số tiền vợ chồng Thủy Tiên đã sử dụng để hỗ trợ người dân khó khăn là hơn 181,2 tỉ đồng, nhiều hơn 3 tỷ so với số tiền quyên góp được.

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 7.

Thủy Tiên công khai số tiền từ thiện hơn 181 tỷ, trong đó vợ chồng nữ ca sĩ bỏ thêm hơn 3 tỷ

Cụ thể, số tiền này được chia ra cho: Hà Tĩnh (2.066 hộ) hơn 40,2 tỷ; Quảng Bình (14.979 hộ) hơn 50,5 tỷ; Nghệ An (997 hộ) hơn 9,2 tỷ; Quảng Trị (20.480 hộ) hơn 33,4 tỷ; Thừa Thiên Huế (18.378 hộ) hơn 18,3 tỷ; Quảng Ngãi (2.620 hộ) 14 tỷ; Quảng Nam (2.486 hộ) hơn 12,7 tỷ.

Về tin đồn sử dụng 3 số tài khoản trong thời gian kêu gọi, Thủy Tiên khẳng định chỉ sử dụng duy nhất 1 số tài khoản để kêu gọi cho chuyến từ thiện miền Trung, không hề có số thứ 2, 3 nào khác như các thông tin bịa đặt.

Tranh cãi việc 18.000 tờ sao kê từ thiện của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý, có thể bị chỉnh sửa, luật sư nói gì? - Ảnh 8.

Hình ảnh Thủy Tiên đi cứu trợ miền Trung năm ngoái

Tại cuộc livestream hôm 17/9, phía Công Vinh nêu rõ, chỉ có tài khoản đuôi 746 là duy nhất dùng để kêu gọi từ thiện. Do đó, sẽ công khai thành hai phần.

Giai đoạn đầu tiên từ 13/10/2020 – 23/11/2020 cho thấy tài khoản được đóng góp và giải ngân con số hơn 177 tỷ đồng. Trùng khớp với số liệu mà Thủy Tiên công khai trước đó.

Giai đọa thứ hai từ 24/11 – 24/2/2021, tài khoản chỉ thay đổi biến động thêm khoảng 4,4 triệu đồng.

Đặc biệt, Thủy Tiên cũng công bố số dư tài khoản thứ hai đuôi 812 vì có một số cá nhân cho rằng Thủy Tiên dùng kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, nữ ca sĩ quê Kiên Giang cho hay tài khoản này chỉ dùng đi siêu thị hàng ngày và không có bất cứ giao dịch nào liên quan đến từ thiện.

Tuy nhiên, vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên vẫn quyết định sao kê tài khoản đuôi 812 trong vòng 6 tháng. Số tiền cũng chỉ dao động trong khoảng mức 50 triệu đồng.

Công Vinh chia sẻ với báo chí rằng, vấn đề từ thiện xuất phát từ tấm lòng của tất cả người dân. Vợ chồng anh cũng chỉ góp công sức để đưa số tiền ấy đến miền Trung.

Trong quá trình xác minh nếu có hành vi trục lợi từ việc sao kê tài khoản từ thiện thì bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được theo quy định hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)

Minh Khôi

Tin mới