Theo PSG. TS Lê Thị Bích Hồng, từ lì xì tương đương với "mừng tuổi" nhưng bản thân vẫn thích và thường sử dụng từ thuần Việt là "mừng tuổi" hơn từ "lì xì". Mừng tuổi có nghĩa là là một tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Trong những ngày đầu năm mới, người lớn có lệ mừng tuổi bằng tiền – một số tiền có ý nghĩa tượng trưng, và phải còn mới với ý nghĩa mang lại những điều tốt đẹp, may mắn, dồi dào sức khỏe, xua đuổi ma… dành cho trẻ em, hoặc người già.
"Tôi nhớ ngày xưa tiền mừng tuổi thường là tờ 1 hào, một mặt có quốc huy, một mặt có đoàn tàu. Tờ 1 hào có màu đỏ rất đẹp rất ý nghĩa cho những điều may mắn năm mới và trẻ con rất thích. Còn từ lì xì xuất hiện khoảng sau khi giải phóng miền Nam. Nghĩa của từ này cũng tương đương như "mừng tuổi" vào dịp đầu năm để mang đến những điều may mắn, tốt đẹp" – PGS.TS Lê Thị Bích Hồng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, theo quan niệm của không ít người tiền mừng tuổi dành cho trẻ em còn có ý nghĩa trừ tà ma. Ý nghĩa này có lẽ bắt nguồn từ một tục lệ bên Trung Quốc, nhưng khi về Việt Nam thì có sự thay đổi, tiếp biến để phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam. Chúng ta đã đưa hồn cốt của người Việt Nam vào tục lệ mừng tuổi đầu năm một cách phù hợp.
Tục lệ mừng tuổi được diễn ra trong những ngày đầu năm mới, có thể kéo dài từ mùng 1 đến mùng 10 Tết, với ý nghĩa mang lại điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi, người già thì được con cháu lì xì để mừng thọ, chúc sức khỏe dồi dào.
Tôi nhận thấy mừng tuổi là một mỹ tục đẹp, đã được tiếp nối, trải qua thời gian cho đến ngày hôm nay vẫn duy trì. Tuy nhiên, văn hóa là một quá trình trao truyền, tiếp nhận xuyên suốt từ quá khứ tới nay. Ngày nay, cuộc sống phát triển và có sự thay đổi và Tết cũng thay đổi. Đây là điều dễ hiểu và chúng ta nên tiếp nối ý nghĩa cốt lõi của tiền mừng tuổi là tiền lấy may, lấy hên.
Ngày xưa, tiền mừng tuổi không để trong phong bao, sau này, phần lớn tiền mừng tuổi được để trong phong bao. Phong bao cũng thường có màu đỏ, màu hồng, màu của sự may mắn, trừ tà ma… hoặc in những lời chúc tốt đẹp. Còn ngày nay thì phong bao mừng tuổi được in với nhiều hình ảnh khác nhau, màu sắc cũng đa dạng.
PGS. TS Lê Thị Bích Hồng
Bên cạnh đó, mừng tuổi đang có rất nhiều câu chuyện đáng bàn đi theo.
Chẳng hạn, vì vụ lợi, vì muốn nhờ vả, muốn được thăng quan tiến chức… thì phong bao mừng tuổi là một sự "gửi gắm" đầy toan tính giữa người trao và người nhận.
Ngay cả trẻ con cũng vậy, không ít những đứa trẻ vào dịp Tết, khi thấy nhà có khách chúng nghĩ ngay đến việc được người lớn mừng tuổi và chỉ nhăm nhăm chờ tiền mừng tuổi. Không những vậy khi được mừng tuổi, trẻ con không ngần ngại mở ngay phong bao ra xem tờ tiền đó mệnh giá là bao nhiêu. Nếu là tờ tiền có mệnh giá lớn chúng tỏ ra vui mừng, tiền có mệnh giá thấp thì buồn hơn…
Và tờ tiền may mắn có ý nghĩa tượng trưng như bản chất vốn có đã bị méo mó. Trẻ con phần nào đó đã mất đi sự hồn nhiên vốn có. Ý nghĩa tượng trưng, tinh thần của đồng tiền đã bị giá trị của đồng tiền lấn át. Trẻ em không ngần ngại đánh giá tình cảm, độ yêu ghét qua mệnh giá tiền, tiền càng nhiều là càng yêu quý, và ngược lại. Giá trị tiền càng ít thì tỉ lệ thuận với tình cảm. Theo GS. TS Lê Thị Bích Hồng, việc trẻ em mất đi sự hồn nhiên khi nhận tiền mừng tuổi, coi nặng mệnh giá đồng tiền là rất nguy hiểm.
Có nhiều người thú thật là khá lúng túng, mệt mỏi, thậm chí coi là một gánh nặng kinh tế khi nghĩ đến chuyện phải chuẩn bị tiền mừng tuổi Tết. Họ không những phải chạy đôn hạy đáo đi đổi tiền mới, đi chọn phong bao phù hợp người già, người trẻ… mà còn phài "phân loại" để riêng, người này thì mừng tuổi bao nhiêu là hợp lý, người khác khá giả hơn, thường mừng tuổi con mình nhiều hơn thì phải "đáp lễ" như thế nào cho tưng xứng v.v… Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì không sao, còn gia đình eo hẹp thì quả thật tiền mừng tuổi là thứ khiến họ phải sợ.
Tùy từng gia đình cũng như mối quan hệ của gia đình mà số tiền mừng tuổi trẻ em nhận được khác nhau. Có thể có em sau tết chỉ có vài chục nghìn, vài trăm nghìn, vài triệu và thậm chí nhiều hơn thế.
Có không ít ông bố bà mẹ cho rằng, tiền mừng tuổi của con thực ra cũng vẫn là tiền túi của mình bỏ ra. Cha mẹ mừng tuổi "con người ta" thì họ lại mừng tuổi con mình. Do đó, cha mẹ coi số tiền mừng tuổi của con "nghiễm nhiên" là của mình. Bên cạnh đó, trẻ em phần lớn chưa biết sử dụng tiền nên có thể dẫn đến hoang phí, vô bổ… thậm chí rơi vào những cãi bẫy của sự cám dỗ nguy hiểm như cờ bạc, game… Thực tế, đã có những câu chuyện không mấy hay ho, tốt đẹp khi cha mẹ cho con sử dụng tiền mừng tuổi.
Thế nhưng, trẻ em lại nghĩ khác. Trẻ em luôn nghĩ rằng, đây là tiền của mình và hoàn toàn có quyền để sử dụng nó theo ý thích. Do đó, việc cha mẹ cần dạy con ứng xử như thế nào với tiền mừng tuổi là một sự cần thiết.
Theo GS. TS Lê Thị Bích Hồng thì rất cần gia đình phải dạy cho con của mình rằng: Tiền mừng tuổi chỉ có ý nghĩa tượng trưng để mang lại may mắn, không phải mệnh giá nhỏ là yêu quý ít và ngược lại. Vì vậy ai mừng bao nhiêu cũng quý và tuyệt đối không mở phong bao mừng tuổi trước mặt người vừa mừng tuổi, không được có ý vòi vĩnh, chờ đợi tiền mừng tuổi.
Còn việc cha mẹ có sử dụng tiền mừng tuổi hay không và sử dụng như thế nào là tùy cách mỗi người, mỗi nhà. Có thể có nhà làm sổ tiết kiệm cho con, có nhà không khá giả thì cha mẹ vẫn phải sử dụng số tiền mừng tuổi của con để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bích Hồng thì cha mẹ cần có sự khéo léo, cần định hướng cho con để cả hai đều vui vẻ và thấy được giá trị cũng như ý nghĩa của đồng tiền.
Cô Hồng gợi ý, có thể cha mẹ cùng con đi mua sách, hoặc làm từ thiện từ tiền mừng tuổi để nói cho con thấy có nhiều hoàn cảnh, mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh mà chúng ta cần giúp đỡ.
Hiện nay, một số người "mừng tuổi" nhau bằng cách gửi phong bao hoặc tiền bằng hình ảnh qua mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, việc mừng tuổi hiện nay đôi khi được ví như cách "trả nợ nhau", vì thế mừng tuổi qua mạng vui vẻ và thuận tiện, không kéo theo những phiền phức đằng sau. Theo PGS. TS Lê Thị Bích Hồng thì việc mừng tuổi nhau có thể coi là một "giải pháp" hiện nay./.
Hà Anh
Bình luận