căng thẳng sau các
ca nhiễm liên quan
nhóm truyền giáo
Cởi bỏ lớp khẩu trang, BS. Mỹ trầm ngâm nhớ lại: “Mình không nghĩ đợt dịch đã trải qua một năm rồi, nhanh quá. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng mình vẫn không nghĩ là nó quá khủng khiếp đến như vậy. Lúc nhận lệnh lên đường, mình vẫn lạc quan và nghĩ là sẽ kiểm soát được, nhưng rồi mọi chuyện xảy ra quá nhanh”.
Ngày 18/5/2021, TP.HCM phát hiện 2 ca nhiễm ở một công ty tại quận 3. Ngày 20/5, ổ dịch ở quán bánh canh O Thanh xuất hiện. Đến tối 26/5, 3 ca nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo (quận Gò Vấp) đã khiến cho tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát, ngày một lan rộng với hàng chục, hàng trăm, thậm chí sau đó cả hơn 10.000 ca nhiễm/ngày.
Nếu vào thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở vài quận, huyện (tương đương cấp độ 1), người Sài Gòn vẫn còn khấp khởi hy vọng những chấm đỏ của dịch sẽ được dập tắt nhanh thôi. Chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 rồi tăng nhanh đến cấp độ 3, 4, đẩy mọi thứ vào tình trạng khó kiểm soát. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức nhanh chóng được thành lập để đáp ứng số ca nhập viện tăng nhanh. Đâu đó, bóng dáng của mất mát và đau thương đã nhen nhúm giữa lòng thành phố đang chìm dần trong sự hoang mang.
Sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 10, đến 0h ngày 9/7, toàn thành phố bước vào chuỗi ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Lần đầu tiên, người ta nhìn thấy một Sài Gòn im lìm đến thế. Nhưng hình ảnh phố xá vắng tanh người qua lại, những tiếng còi cấp cứu hú bất kể ngày đêm… chắc có lẽ sẽ là ký ức ám ảnh rất nhiều người cho đến mãi sau này.
“Đến khi vô khu cách ly thì mình mới thấy mọi thứ bắt đầu tệ dần, nếu như trước kia thường mỗi nhân viên y tế sẽ đi 2 tuần rồi quay trở về tiếp tục công tác chuyên môn, không ai nghĩ sẽ kéo dài đến như vậy. Sau khi ở 21 ngày tại KTX khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM, mình quay trở về lại bệnh viện để cách ly, thông thường sau đó mình sẽ được nghỉ ngơi, làm tiếp việc ở bệnh viện nhưng vì dịch bệnh diễn tiến quá nhanh, mình thì đã quen công việc rồi nên tiếp tục xin đi tiếp. Bởi mình nghĩ, mình còn trẻ, chẳng lẽ lại ở nhà để cho những y bác sĩ lớn tuổi hơn lên đường hay sao. Dịch bệnh nó đâu có chờ đợi mình, cứ diễn biến từng giờ, ngày càng nguy hiểm”, BS. Lê Quang Mỹ chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm gồng mình tại BV Dã chiến số 11 (do BV Nhi đồng 2 phụ trách), BS. Mỹ chỉ biết ngoài tiếng xe cứu thương, tiếng vận chuyển bệnh, tất cả những hoạt động khác của Sài Gòn dường như ngưng trệ. Và nếu không có sách báo, phương tiện truyền thông, mọi người có thể sẽ chẳng biết được ở thế giới ngoài kia đã xảy ra chuyện gì. Ai cũng ở yên trong nhà và chờ đợi cơn bão Covid-19 đi qua, nguyện cầu cho không chỉ bản thân mà còn là hàng triệu mảnh đời bơ vơ ngoài kia, đâu đó giữa những con phố vắng tanh.
“Nhưng đâu đó vẫn còn những con người đang lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn. Họ không có chốn đi về, những ngày giãn cách, họ càng trở nên mong manh hơn…, và tụi mình đã quyết định đi tìm và giúp đỡ họ”, Mai Thị Diệu Hiền (thành viên nhóm Đêm Sài Gòn) nhớ lại.
(thành viên nhóm Đêm Sài Gòn)
Với khoảng 500-600 phần bánh ngọt, sữa tươi, đồ ăn mỗi tối, Hiền cùng các bạn trong nhóm đã đi khắp các ngõ ngách, con hẻm, gầm cầu Sài Gòn để tìm gặp, hỗ trợ những người vô gia cư không nơi nương tựa. Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Sài Gòn gặp muôn vàn khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, công nhân, người lao động mất việc làm, đặc biệt là những người vô gia cư đang loay hoay tìm tia hi vọng sống. Sài Gòn lâm nạn cũng là lúc tình người tỏa sáng. Người Sài Gòn có nguy khốn cũng không bỏ nhau. Người lá rách ít đùm lá rách nhiều, mùa dịch có khổ, có đau thương, nhưng chính lòng người vẫn được thắp sáng mỗi ngày là thứ kéo người ta khỏi đống bùn của nỗi tuyệt vọng. Bởi ta biết rằng, dẫu khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn sẵn lòng chìa tay ra ôm lấy nhau vào lòng…