Trung Quốc đồng ý với Mỹ sẽ giải phóng kho dầu dự trữ chiến lược sát Tết

(Tổ Quốc) - Trung Quốc sẽ giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược quốc gia của mình vào khoảng thời gian nghỉ Tết cổ truyền, bắt đầu từ ngày 1/2, một phần trong kế hoạch mà Mỹ phối hợp với các nước tiêu thụ lớn khác để giảm giá toàn cầu..

Nguồn tin Reuters ngày 14/1 đưa tin vào cuối năm 2021, Trung Quốc đã đồng ý xuất kho một lượng dầu không xác định tùy thuộc vào mức giá. Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.

"Trung Quốc đã đồng ý tung ra một lượng tương đối lớn hơn nếu giá dầu ở mức trên 85 USD/thùng và một lượng nhỏ hơn nếu giá ở gần mức 75 USD", thời gian sẽ diễn ra vào khoảng Tết Nguyên đán, Reuters dẫn tin từ những người am hiểu về các cuộc đàm phán giữa 2 nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới cho biết.

Lịch nghỉ Tết Nhâm Dần ở Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 6/2, là dịp lễ hội lớn nhất trong năm.

Việc Trung Quốc đồng ý giải phóng dự trữ là kết quả của một loạt các cuộc thảo luận, được báo chí đưa tin vào tháng 11. Chính quyền Biden đã tổ chức thảo luận với các nước tiêu thụ dầu lớn khác sau khi nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Ông Biden và các trợ lý hàng đầu đã thảo luận về khả năng phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu thô với các đồng minh thân cận bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như với Trung Quốc.

Trong vài tuần qua, Mỹ đã tiến hành hoán đổi và bán dầu thô từ kho dự trữ của mình, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch bán dầu thô.

Trung Quốc từ lâu luôn giữ bí mật thông tin chi tiết về hàng hóa dự trữ quốc gia của mình. Hồi tháng 9/2021, nước này đã tiến hành cuộc đấu giá công khai lần đầu tiên bán dầu dự trữ dầu thô, với khoảng 7,4 triệu thùng, tương đương lượng tiêu thụ khoảng nửa ngày tại nước này.

Tháng 11/2021, Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia cho biết họ đang "tính toán" để giải phóng kho dự trữ dầu thô, nhưng từ chối bình luận về yêu cầu của Mỹ đối với việc phối hợp giữa những nước nhập khẩu trong việc giải phóng dầu dự trữ.

Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc năm 2021 lần đầu tiên giảm trong vòng 20 năm, khi giảm 5,4% so với năm liền trước, bất chấp nền kinh tế hồi phục mạnh. Lý do bởi Bắc Kinh kìm hãm lĩnh vực lọc dầu nhằm tránh sản xuất nhiên liệu trong nước dư thừa, và cũng bởi giá dầu thô thế giới tăng mạnh khiến các nhà máy lọc dầu tận dụng dầu ở các kho dự trữ khổng lồ của mình.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng dầu nhập khẩu vào nước này trong tháng 12/2021 đạt 46,14 triệu tấn, là tháng tăng đầu tiên trong năm kể từ tháng 4/2021, khi các nhà máy lọc dầu độc lập gấp rút sử dụng hạn ngạch năm 2021. Lượng nhập trong tháng 12 tương đương 10,87 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, tổng lượng dầu nhập khẩu trong cả năm 2021 chỉ đạt 512,98 triệu tấn, giảm so với mức 542,39 triệu tấn của năm 2020. Điều này trái ngược với xu hướng nhập khẩu hàng năm luôn tăng trung bình gần 10% kể từ 2015.

Ngược lại với năm 2020, khi các công ty liên tục tích trữ dầu vào do giá dầu thấp nhất trong vòng hàng thập kỷ và nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, các nhà máy lọc dầu và thương nhân trong năm 2021 đã giảm lượng dự trữ của mình trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao hơn so với mức tăng nhu cầu nhiên liệu.

Hiện tại, giá dầu đang ở mức trên 80 USD/thùng do sự gián đoạn nguồn cung ở Libya và Kazakhstan trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018 và triển vọng nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu được cải thiện khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế chống Covid-19.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai hiện ở mức 84,79 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) 82,23 USD/thùng.

Sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu phản ánh ở việc giá dầu giữa các hợp đồng kỳ hạn khác nhau diễn biến ngược, khi giá kỳ hạn gần lại cao hơn kỳ hạn xa.

Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng đà tăng giá dầu hiện nay có thể được hạn chế bởi kế hoạch giải phóng dự trữ dầu của Trung Quốc.

Tuần này, giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp do những hạn chế về nguồn cung kéo dài suốt từ đầu tuần tới cuối tuần, và đồng USD có xu hướng giảm mạnh trong những ngày gần đây. Đồng USD tuần này giảm mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm. USD giảm khiến những hàng hóa tính theo USD trở nên rẻ hơn đối với những khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Một số ngân hàng đã dự báo giá dầu năm nay sẽ lên đến 100 USD/thùng, với nhu cầu dự kiến sẽ vượt cung, đặc biệt là do hạn chế về năng lực sản xuất trong các nước OPEC .

Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết: "Khi bạn cho rằng OPEC vẫn chưa thể bơm hết hạn ngạch tổng thể của mình, thì vùng khoảng cách sản lượng chưa đạt được đó có thể trở thành yếu tố mạnh nhất thúc đẩy giá dầu tăng trong những tháng tới".

Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ 13/1 cho biết họ đã bán 18 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp hạ nhiệt giá dầu

Bên cạnh đó, lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu ở nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới cũng gia tăng do số ca nhiễm virus biến thể Omircon tăng nhanh, đã lan đến các thành phố Đại Liên và Thiên Tân. Nhiều thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, cũng đã khuyến cáo người dân không đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, điều này có thể làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải trong mùa du lịch cao điểm.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Tin Cùng Chuyên Mục
Giá trị của truyền thông hiệu quả

Giá trị của truyền thông hiệu quả

Không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín; lan tỏa quảng bá sản phẩm và dịch vụ... truyền thông hiệu quả còn đem đến nhiều giá trị cho hoạt động của doanh nghiệp như: hỗ trợ quản lý khủng hoảng, duy trì sự ổn định; tạo điều kiện thuận lợi trong giao tiếp và đàm phán; tăng cường mối quan hệ với cổ đông và nhà
Tin mới