"Trung Quốc tấn công, Mỹ có bảo vệ Đài Loan không": TT Biden trả lời, ẩn ý về chiến lược

Thi Anh | 22-10-2021 - 15:03 PM

(Tổ Quốc) - Tuyên bố mới đây là lần thứ hai chỉ trong vòng vài tuần Biden khiến người ta phải băn khoăn về cam kết của chính quyền Mỹ đối với nguyên tắc "mơ hồ chiến lược".

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố, Mỹ sẽ giúp Đài Loan phòng thủ trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo. Phát ngôn của ông Biden làm dấy lên băn khoăn liệu chính quyền Mỹ có tiếp tục gắn bó với chính sách "mơ hồ chiến lược" vẫn theo đuổi lâu nay hay không, SCMP nhận định. 

Khi nhà báo Anderson Cooper của CNN hỏi, liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp lực lượng đại lục tấn công hay không, ông Biden đã trả lời: "Có, chúng tôi có cam kết làm điều đó". 

Mặc dù Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Mỹ quy định: Mỹ hỗ trợ nỗ lực tự vệ của hòn đảo, kể cả thông qua các hợp đồng vũ khí. Tuy nhiên, Đạo luật Quan hệ Đài Loan không bao gồm cam kết can thiệp quân sự trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. 

Lâu nay, Mỹ vẫn duy trì chính sách mơ hồ chiến lược đối với vấn đề Đài Loan. Theo SCMP, chiến lược này được thiết kế để khiến Đài Loan không tính tới bất kỳ động thái đơn phương nào nhằm tìm kiếm độc lập hoàn toàn, trong khi can ngăn Bắc Kinh đơn phương thu hồi hòn đảo. 

"Vĩnh biệt mơ hồ chiến lược!", chuyên gia quân sự cấp cao của RAND - Derek Grossman đăng trên Twitter ngay sau phát biểu của ông Biden. 

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ mới đây là lần thứ hai chỉ trong vòng vài tuần ông khiến người ta phải băn khoăn về cam kết của chính quyền Mỹ đối với nguyên tắc mơ hồ chiến lược. 

Hồi tháng 8, ông Biden nói với ABC News rằng: Nước Mỹ sẽ "hồi đáp" trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Ngay sau đó, các quan chức Nhà Trắng đã rút lại nhận định ấy và nhấn mạnh rằng, chính sách Đài Loan của Mỹ "không thay đổi" và "được dẫn dắt bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan". 

Phát ngôn viên Nhà Trắng đã khẳng định: "Tổng thống không hề công bố bất cứ thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi và không hề có thay đổi gì cả". 

Hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tiếp xúc cấp cao. Các cuộc trao đổi gần đây giữa quan chức hai bên, gồm cả cuộc điện đàm hồi tháng 9 giữa hai nhà lãnh đạo, đều tập trung vào nỗ lực khống chế tính cạnh tranh Mỹ-Trung và tránh để bất đồng song phương trở thành xung đột. 

Mặc dù vậy, căng thẳng vẫn tồn tại giữa Washington và Bắc Kinh về nhiều vấn đề, trong đó có tình hình ở Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông, thương mại và công nghệ. 

Tự nhận mình là lãnh đạo thế giới đã tiếp xúc với ông Tập Cận Bình lâu nhất, ông Biden nhấn mạnh rằng: Ông không muốn leo thang căng thẳng với Trung Quốc. 

"Tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc", ông Biden nói, "Tôi chỉ muốn khiến Trung Quốc hiểu được rằng chúng tôi sẽ không lùi bước, chúng tôi sẽ không thay đổi bất cứ lập trường nào". 

Trước đó một ngày, Nicholas Burns - nhân vật được ông Biden đề cử cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện rằng: Chính quyền Mỹ không thể tin tưởng Trung Quốc giữ cam kết về vấn đề Đài Loan và Mỹ có cơ sở để tăng cường hỗ trợ an ninh cho Đài Loan. 

Tuy nhiên, ông Burns bác bỏ đề xuất từ một số nghị sĩ khi những người này cho rằng Mỹ nên từ bỏ chính sách mơ hồ chiến lược của mình. 

"Theo quan điểm của riêng tôi và cũng là quan điểm của chính quyền Biden, thì duy trì chính sách hiện thời là cách hữu hiệu và thông minh nhất mà ta có để ngăn cản các hành động hung hăng từ phía Trung Quốc đối với phía bên kia bờ eo biển". 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

MB dẫn dắt làn sóng đổi mới "Z hoá" ngành ngân hàng

Là ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số và sáng tạo, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm "siêu thẻ" độc đáo, tích hợp nhiều tính năng, đồng thời "săn lùng" kho ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng của mình, thể hiện rõ sự "yêu và chiều" của MB dành cho thế hệ khách hàng hiện đại.