• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thí điểm

Thời sự 13/11/2020 16:59

(Tổ Quốc) - Chiều 13/11, với 450 phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thí điểm  - Ảnh 1.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại hội trường, 454 đại biểu (94.19%) tham gia biểu quyết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 450 đại biểu (93.36%) tán thành; 1 ý kiến (0.21%) không tán thành và 3 đại biểu (0,62%) không biểu quyết.

Đối tượng áp dụng của Luật là Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định trong Luật đó là: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 5 tỷ mới được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, Luật quy định phải đáp ứng các điều kiện: Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước; Người đại diện theo pháp luật có ít nhất 5 năm kinh nghiệm (quy định hiện hành là 3 năm) trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Có trang thông tin điện tử…

Ngoài ra, Luật cũng đã bỏ quy định “Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Như vậy, từ năm 2022, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cũng theo bộ luật mới, từ ngày 01/01/2022, người lao động từ nước ngoài trở về có nghĩa vụ thông báo với chính quyền địa phương nơi mình cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Với quy định này, việc quản lý về cư trú cũng như hỗ trợ tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ tư vấn đối với người lao động trở về từ nước ngoài sẽ trở nên thuận lợi và kịp thời hơn.

Tiếp tục thí điểm Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trước đó, khi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Một số đại biểu tán thành quy định đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế; song một số ý kiến không đồng ý với quy định này".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện, số lượng lao động đưa đi, số nước tiếp nhận, làm việc chủ yếu theo mùa vụ, mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan và chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm 8 chương, 76 điều quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ