Chợ Ô Cách sau khi được xây dựng mới
Chợ Ô Cách nằm trên đường Ngô Gia Tự, thuộc phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội. Chợ có từ khá lâu và từng là một trong những khu chợ sầm uất nhất của quận Long Biên. Ngôi chợ từng thu hút hàng trăm tiểu thương kinh doanh, làm ăn. Chợ mở cửa bán hàng cả ngày, lại nằm ngay mặt đường lớn (đường Ngô Gia Tự), vì thế luôn đông đúc, tấp nập.
Đầu năm 2015, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Ô Cách nhận được thông báo về việc xây dựng mới lại chợ. Khi nhận thông báo này, không ít tiểu thương đã tỏ ra lo lắng, vì công việc kinh doanh đang ổn định, nay chợ xây dựng, việc buôn bán sẽ bị gián đoạn và ảnh hưởng…Tuy nhiên, mọi người cùng động viên nhau và không ít tiểu thương đã tỏ ra vui bởi chợ được xây dựng lại sẽ khang trang, sạch đẹp, công việc kinh doanh buôn bán của bà con sẽ thuận lợi hơn, mưa nắng không lo ảnh hưởng.
Vào khoảng tháng 5 năm 2015, chợ Ô Cách bắt đầu được tiến hành tháo dỡ để xây chợ mới. Ngày phá dỡ chợ cũ, các tiểu thương kinh doanh, gắn bó lâu năm với ngôi chợ này nhìn nhau, "rưng rưng nước mắt"…không ai bảo ai, nhưng mọi người đều cố gắng lưu giữ lại những hình ảnh về ngôi chợ cũ, đã quá đỗi quen thuộc và gắn bó…
Để tạo điều kiện cho việc xây dựng chợ Ô Cách, đồng thời không làm giám đoạn việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương, chủ đầu tư dự án đã bố trí một "ngôi chợ" mới gần đó, cho bà con.
Gọi là "ngôi chợ", nhưng thực ra đó chỉ là một dãy ki ốt lợp mái tôn nằm trên đường cống nước thải của tổ dân số phố 3, phường Đức Giang. "Ngôi chợ" này nằm ngay phía sau chợ Ô Cách, nằm quay lương lại với người dân, còn mặt tiền của chợ hướng ra đường tàu (đường sắt).
Khu chợ mà chủ đầu tư dự án xây dựng chợ Ô Cách bố trí, chuẩn bị cho các tiểu thương
Kể từ ngày các tiểu thương được chủ đầu tư dự án "đưa" ra "ngôi chợ" mới này, công việc kinh doanh buôn bán không chỉ bị gián đoạn mà rơi vào thực cảnh mất khách, ế ẩm triền miên.
Chợ Ô Cách mới đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017 nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng một tiểu thương nào. Chợ Ô Cách mới được xây dựng lại khang trang với quy mô 5 tầng theo dạng trung tâm thương mại.
Hiện tại, ngôi chợ 5 tầng này được chủ đầu tư cho các đơn vị thuê lại làm văn phòng như ngân hàng (tầng 1), công ty vật liệu xây dựng (tầng 3) và bảo hiểm (tầng 5).
Chợ Ô Cách mới và khu chợ của các "cựu tiểu thương chợ Ô Cách"
Bác Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), nhà ngay sát chợ , một tiểu thương đã có gần 20 năm kinh doanh buôn bán tại chợ Ô cách bức xúc nói: Chợ mới đã xây dựng xong, các tiểu thương muốn chuyển về đây để kinh doanh buôn bán như xưa, nhưng không về được. Chủ đầu tư đưa ra mức giá thuê mặt bằng quá cao nên không có tiểu thương nào thuê được.
Cũng theo lời bác Hoa, bác cũng được chủ đầu tư dự án bố trí cho một ki ốt tại "ngôi chợ" mới. Tuy nhiên, do không có khách vào nên bác đã phải bỏ chợ gần năn nay.
"Chợ Ô Cách mới hiện nay chẳng khác nào một trung tâm thương mại, mà cách họ xây dựng thì đúng là trung tâm thương mại, chứ không phải chợ. Thế nhưng vẫn treo biển chợ Ô Cách. Nhiều người tưởng là chợ, vào hỏi thăm thì mới vỡ nhẽ ra…", bác Hoa nói.
Bên trong chợ Ô Cách mới. Ngoài phần diện tích cho các đơn vị thuê làm văn phòng, thì diện tích còn lại hiện vẫn còn để trống
Cô Nguyễn Thị Lụa (tên nhân vật đã được thay đổi), một tiểu thương hiếm hoi còn bám trụ buôn bán tại "ngôi chợ" mới cho biết: " lúc đầu khi được bố trí về đây, ai cũng chỉ nghĩ một hai năm rồi lại được về chợ mới, vì thế mọi người đều vui vẻ chuyển. Chủ đầu tư có miễn tiền thuê ki ốt cho bà con trong thời gian hơn một năm. Sau đó, mọi người yêu cầu thêm thì được thành 2 năm. Cuối năm ngoái chợ khánh thành đi vào hoạt động, nhưng không ai về được đó vì chủ đầu tư đưa ra giá quá cao. Mấy trăm tiểu thương của chợ giờ tan tác hết".
Trong khi chợ mới thì chủ đầu tư đang cho thuê làm văn phòng, trụ sở làm việc, còn tiểu thương thì phải bỏ chợ, vì chợ không ra chợ.
Theo thông tin mà cô Lụa cung cấp thêm thì hiện chủ đầu tư tiến hành thu phí thuê ki ốt tại "ngôi chợ" mới là 60.000đ/m2. Còn tại chợ Ô Cách mới, nếu thuê sẽ là 230.000đ/m2 và phải đóng tiền của cả 3 – 5 năm liên tiếp.
Chị Hạnh, một tiểu thương từng có hơn 10 năm bán hàng ăn tại chợ Ô Cách, nhưng nay đã phải bỏ chợ để xoay việc khác. "Chủ đầu tư đưa ra mức giá quá cao, chẳng khác nào thách đố các tiểu thương. Hàng trăm tiểu thương giờ không còn chợ để làm ăn, cuộc sống bị đảo lộn…", chị Hạnh bức xúc nói./.