Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, thiếu bình đẳng... trong ngành năng lượng!

T.Công | 21-02-2020 - 15:44 PM

(Tổ Quốc) - Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là nghị quyết) đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Trao đổi về Nghị quyết vừa được ban hành, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh ngành năng lượng đã đóng góp xứng đáng vào thành tích tựu chung của cả đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Điều này đã được ghi nhận, đánh giá cao từ nhiều phía.

Tuy nhiên, theo ông, ở giai đoạn hiện tại, Việt Nam đã chuyển tiếp vào thời kỳ phát triển mới với những thay đổi về chất. Do vậy, bối cảnh chung đòi hỏi ngành năng lượng phải có những bước tiến mới.  

Chính vì vậy, ngày 11/2 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, theo ông Bình, có hai quan điểm có ý nghĩa then chốt.

Thứ nhất, quan điểm của Bộ Chính trị là phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai là việc phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Đồng thời, Việt Nam phải áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.

Trong Nghị quyết đã ban hành, Bộ Chính trị cũng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thứ nhất là phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.

Thứ hai, phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba, cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ tư, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.

Thứ năm, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ bảy, phát triển khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng.

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài

Thứ chín, thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Thứ mười, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong phát triển ngành năng lượng.

                 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM