Mặc dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền và đồng bào cả nước, nhưng nỗi đau và mất mát của người dân thôn Kho Vàng dường như vẫn chưa thể vơi đi. Khi trở lại Kho Vàng, chúng tôi không thể không cảm nhận được sự xót xa, day dứt từ những con người nơi đây.
Con đường dẫn vào thôn Kho Vàng cũ, uốn lượn dọc theo sông Chảy, hai bên là những cánh rừng quế xanh mướt.
Trưởng thôn Ma Seo Chứ dẫn chúng tôi vào thôn cũ bằng xe máy, nhưng chỉ đi được khoảng 2km, chúng tôi buộc phải bỏ xe lại và tiếp tục hành trình bằng chân. Đoạn đường tiếp theo, chúng tôi phải leo qua những điểm sạt lở chỉ rộng đủ để đặt từng bước chân, mọi sơ suất đều có thể khiến chúng tôi rơi xuống vực sâu. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi rùng mình trước sự nguy hiểm còn tiềm ẩn, và sự đau xót hiện lên rõ rệt trong ánh mắt của những người dân nơi đây.
Không xa thôn cũ, khu tái định cư mới cho hơn 40 hộ dân Kho Vàng đã được xây dựng trên hai quả đồi, với tổng diện tích hơn 2,5 héc ta. Khu tái định cư này nằm gần đường giao thông, gần trường mầm non và trụ sở UBND xã Cốc Lầu, tốt hơn nhiều so với trước đây.
Hiện tại, khoảng 115 người dân của thôn Kho Vàng đã được bố trí tạm cư tại khu vực phía sau UBND xã Cốc Lầu cho đến khi khu tái định cư hoàn thành. Những căn hộ mới sẽ có diện tích khoảng hơn 200 mét vuông, cùng với nhiều công trình phụ trợ, sẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của người dân.
Tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi ít ỏi, Ma Seo Chứ dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc
Xin chào người trưởng thôn anh hùng!
Mình không dám nhận mình là anh hùng đâu. Chẳng qua nhiều người yêu quý và gọi như thế cho dễ nghe dễ hiểu, nhưng mình biết mình không phải kiểu người thanh niên chiến đấu hay lập công trạng gì ghê gớm cả... mình chỉ là làm tròn trách nhiệm của mình thôi.
Mọi người cứ gọi đúng tên Ma Seo Chứ như cha mẹ đặt là mình vui lắm rồi.
Cái tên quan trọng đến vậy sao?
Đúng đấy chị ạ!
Với người dân tộc Mông, cái tên cha mẹ đặt quan trọng lắm. Quan trọng giống như tên bản làng của mình ấy. Thứ nhất, nó có ý nghĩa riêng. Thứ hai, mình rất yêu quý và tự hào về nó.
Như thôn này vốn được sát nhập từ hai thôn tên là Bản Vàng và Kho Lạc vào với nhau thì mới thành ra thôn Kho Vàng.
Ở Kho Vàng, có điều gì Chứ muốn "khoe" nhất?
Vì được sinh ra và lớn lên ở đây nên mình rất yêu bản làng của mình. Thôn mình tuy nhiều đèo, núi dốc và ít mặt bằng nhất xã Cốc Lều nhưng phong cảnh núi rừng, đồi suối rất đẹp. Đẹp nhất xã đấy.
Kho Vàng còn có rất nhiều cây to, trong rừng cũng như sát nhà mình đều toàn cây cổ thụ. Chim chóc có chỗ ở nên nhiều lắm. Hót líu lo suốt ngày.
Từ hồi nhỏ được mẹ địu lên rẫy mình đã thấy và ngồi chơi dưới mấy cái gốc cây suốt. Đặc biệt, có một cái cây rất đẹp, to khoẻ nhất quả đồi gần thôn. Ba mươi mấy năm trời, cứ hễ đi qua gốc cây đó là mình lại chào nó.
Năm nay bão lũ về, cuốn nó trôi sông mất rồi…
Coi như mình mất một người bạn. Sau này, con của mình lớn lên sẽ không thể thấy cái cây "bạn thân" đó của mình nữa…
Ở trong thôn, trước đến nay bà con vẫn bảo nhau làm nông nghiệp chăm chỉ lắm. Kho Vàng đặc biệt có nghề trồng quế, trồng sắn rất khá. Như hiện tại, mùa này quế có giá cao, 1kg quế khô khoảng 50.000 đồng, 1kg quế tươi cỡ 20.000 đồng. Tất cả trên cây quế từ vỏ, lá, cành, thân… đều bán được. Lá người ta mua làm tinh dầu. Cành thì dóc lấy vỏ. Thân cây to thì bán làm vật liệu xây nhà.
Nếu như không dính cơn bão số 3 làm sạt lở hết đường xá, sạt lở đồi và rừng quế thì nhiều gia đình trong thôn đã xây nhà cửa khang trang. Như nhóm người Dao, nhiều hộ xây được nhà to kiên cố lắm. Cũng có 4 - 5 hộ mua được ô tô, máy xúc để đi làm công trình. Thế nhưng bão về cuốn mất mấy cái nhà xây to ơi là to xuống sông...
Nếu như không có thiên tai, bà con Kho Vàng không khổ như thế này đâu.
Chứ có thể kể lại thời điểm Chứ nhìn thấy vết nứt và ra quyết định "thần tốc" cho 115 người dân trong làng?
Thật ra, suốt thời gian đấy, mình không dám ngủ. Lần đầu tiên trong đời mình biết sợ.
Ngay đối diện khu vực của 17 hộ dân đang sống, đồi - núi - đường xá - sông suối sạt lở rất là nhiều. Mưa lại càng ngày càng to, suốt mấy ngày liền không chịu ngớt một chút nào.
Cảm giác sợ trôi mất nhà, mất bản ập đến rõ mồn một vào lúc sáng sớm ngày 9/9 khi mình cùng mấy thanh niên trong thôn nhìn thấy toà nhà điều hành của nhà máy thuỷ điện Đông Nam Á ngay đối diện bên sông bị núi sạt lở và vùi lấp hết.
Lúc ấy, mình bảo tất cả chia ra, đi kiểm tra toàn bộ khu vực thôn xem có nguy cơ sạt lở gì không để còn biết phòng tránh. Trong số các anh em hôm đó, mình nhớ có anh Lùa A Dìn rất nhiệt tình. Chính anh đã kêu gọi rất nhiều anh em tham gia. Kết quả, khoảng 6-7 người đã cùng mình lên trên đỉnh để kiểm tra.
Vừa lên phía trên, anh em phát hiện ngay phía vết nứt rất rộng, rất dài, nguy cơ sạt lở rất là cao.
Chị biết bọn mình sợ hãi thế nào không? Sợ đến mức đo xem xong vết nứt thì thanh niên không ai đi về nhà nữa mà vội vàng chia nhau ra chạy đi tìm bằng được chỗ có mặt bằng an toàn. Chỉ có mình cùng một hai anh nữa chạy vội về thông báo với bà con.
Gần như ngay lúc đấy, cả thôn chung một nỗi sợ. Mình cũng không phải tuyên truyền nhiều mà rất nhanh, nhà nào tự bảo người nhà lên chỗ đồi mới làm lán của nhà đấy. Tầm trưa trưa là anh em cả thôn lên đấy chặt cây tre dựng lán.
Tới khoảng 4 giờ chiều đã làm xong 17 cái lán và di dời toàn bộ 115 người lên trong ngày hôm đấy luôn.
Sau khi Chứ và mọi người di dời thì khu vực đó bị sạt lở thế nào?
Khu vực sinh sống ban đầu của 17 hộ dân trong thôn Kho Vàng cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Và vì có nguy cơ sạt lở cao, có vết nứt to, dài nên thanh niên trong thôn đã huy động bà con di dời lên đồi, làm lán tạm để tránh nguy cơ sạt lở. Khu vực đấy đến nay, chưa sạt lở.
Riêng nhóm người Dao trong thôn do không thể di dời được nên đã bị sạt lở, nước lũ cuốn trôi mất nhà, mất người… ảnh hưởng và thiệt hại rất đau thương.
Tuy nhiên ngay sau cơn bão số 3, đã có một số kênh Youtube đến quay thôn Kho Vàng. Họ đứng từ bên này sông quay sang bên kia sông là nơi bị sạt lở rất nhiều rồi họ cắt, ghép hình ảnh, chú thích đó là khu vực bị sạt lở ngay sau khi mình và mọi người đưa 17 hộ dân của thôn di dời lên trên đồi. Những thông tin này khiến người trong thôn đã đau vì mất mát lại thêm buồn vì bị hiểu sai.
Rồi thì vì sao Chứ vẫn làm trưởng thôn? Và bí quyết để làm trưởng thôn của Chứ là gì?
Cuối năm 2019, lúc sát nhập hai bản vào thành một thôn, bà con tín nhiệm bầu thì mình làm thôi. Đến nhiệm kì sau, bà con không bầu nữa thì thôi.
Quá trình làm trưởng thôn mình thấy rằng, dù có những lúc mình đang bận công việc ở chỗ khác nhưng khi bà con tìm đến mình có nghĩa là họ cần sự giúp đỡ. Những lúc ấy, bắt buộc mình phải có mặt, lắng nghe bà con.
Ngoài ra, mình luôn phải ghi nhớ để đề xuất không sót một ý kiến nào của bà con lên lãnh đạo địa phương. Sau khi đề xuất rồi, mình còn phải rất kiên trì đi hỏi UBND xã để mang câu trả lời, phương án giải quyết về với bà con trong thôn.
Thôn Kho Vàng có tổng tất cả 85 hộ dân với đặc điểm đất đai rộng, địa hình bị chia cắt bởi núi đá, các nhóm người Dao và người Mông lại sống thưa thớt, không tập trung nên từ lâu nay mình chọn phương án tạo nhóm zalo cho thôn. Từ đó, có thông báo, công văn, thủ tục gì cần chia sẻ, cập nhật… mình nhắn tin lên là bà con đều nhận được hết.
Bà con cũng nhờ có nhóm zalo này mà chia sẻ với nhau nhiều hoàn cảnh, tình cảm của mình dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt, với những người rời thôn đi làm ăn xa, nhờ nhóm zalo, bà con đi đến đâu cũng có thể nhờ cậy người quen biết.
Nói chung không cần bí quyết gì cao siêu, mình cảm thấy, chỉ cần cố gắng làm tốt nhất mọi trách nhiệm đã nhận thì dù có là trưởng thôn hay bất kì vị trí nào mình cũng đều có thể tự hào.
Thanh niên trong thôn đi làm xa quê nhiều không?
Khoảng 10 năm trước phong trào thanh niên đi làm thuê ở thành phố Lào Cai, Hà Nội hay Tây Nguyên là nhiều chị ạ. Bây giờ thì bớt rồi vì mọi người biết rằng ở quê làm nông nghiệp cũng rất tốt.
Thêm vào đó, bây giờ trẻ con ở Kho Vàng đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều. Ngay sau cơn bão 1 tuần, dù con đường từ xã vào thôn đã bị sạt lở hỏng hết bê tông, không thể đi xe máy vào được nhưng nhà trường đã tổ chức các thầy cô đi bộ xuống thôn, đến từng nhà đón trẻ đến trường.
Các con được thầy cô giáo chăm và nuôi ăn học nội trú. Một tuần đón một lần nên không quá vất vả cho bố mẹ phải đưa đi đón về như ngày xưa.
Thật ra đúng cách đây tầm 10 năm, lần đầu tiên mình nhìn thấy Hà Nội là qua cửa sổ chiếc ô tô khách đi từ Lào Cai vào Đắk Nông để thăm người em họ làm thuê trong đó. Hồi ấy, mình vừa muốn xuống Hà Nội làm thuê kiếm tiền lại vừa sợ hãi vì nhìn qua thấy cái gì cũng khác quê mình.
Lần này may mắn được về Hà Nội 2 ngày để nhận danh hiệu điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, mình cảm thấy rất vui nhưng vẫn có cảm giác sợ hãi vì Hà Nội tắc đường nhiều quá. Đứng ra đường là mình không biết đi hướng nào. Mình thấy cũng chả sướng hơn cái đường bị sạt lở ở thôn Kho Vàng là mấy đâu.
Người Hà Nội đi lại càng không giống như ở trên vùng cao. Cho nên mọi người ở thôn dặn nhau: nếu xuống huyện, mình đi kiểu nào cũng vẫn được, nhưng khi xuống Hà Nội, bắt buộc phải đi đúng chiều!
Có một nơi ở Hà Nội mình rất thích. Thích nhất Hà Nội đấy! Đó là khu K9 Đá Chông - nơi ghi dấu một thời của Bác Hồ. Lúc vào đấy tham quan mình nhìn thấy rất nhiều cây to, nhiều bóng mát, chim hót líu lo, không gian yên tĩnh giống như ở trên vùng cao nên tự nhiên mình cảm thấy yên tâm hẳn.
Năm 2024 sắp trôi qua rồi, Chứ có kế hoạch gì cho bản thân trong năm mới không?
Với bản thân mình, chỉ mới học hết lớp 9 và bây giờ hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Hai con của mình còn nhỏ, nương sắn, rừng quế đều đã bị trôi hết nên có những lúc con ốm, trong nhà hết sạch tiền thì hai vợ chồng vẫn phải đi vay mượn để lo cho các con. Mùa này, trời Bắc Hà bắt đầu lạnh, nhà chưa có, vẫn đang ở trong lán tạm…
Nói chung rất nhiều thứ phải lo nhưng mình vẫn mơ ước một ngày mình có thể được đi học. Uớc mơ của mình là học được nghề điện hoặc xây dựng. Dù biết đường đi tới giấc mơ của mình chắc chắn khó như con đường từ Hà Nội về thôn Kho Vàng mình sắp bước qua, nhưng mình vẫn mơ ước điều đó.
Còn với thôn Kho Vàng, mình và bà con chỉ mong trong năm mới, khu tái định cư sẽ được hoàn thành để mọi người có nhà về ở! Con đường vào thôn sẽ được sửa chữa, để những nỗi vất vả thường ngày, như cha mẹ đón con từ trường về, không còn là gánh nặng nữa. Khi con đường được cải thiện, họ sẽ có đủ sức đưa con vượt qua và lại tiếp tục đưa con trở lại trường vào ngày hôm sau.
Cảm ơn Ma Seo Chứ đã dành cho chị và mọi người một cuộc trò chuyện thật chân thành, ấm áp!