Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tôi hy vọng thuật ngữ "tự kỷ" sẽ được sử dụng đúng hoàn cảnh và không lạm phát mang tính miệt thị. Mong rằng các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục kiên nhẫn và vững vàng để giúp con trưởng thành, độc lập, tự nuôi sống bản thân và trở thành người có ích.
TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 1.

Là người sáng lập ra trung tâm SEED với sứ mệnh đào tạo, hướng nghiệp cho người rối loạn phát triển, cô nhận thấy có quan điểm nào đang bị hiểu sai về trẻ rối loạn phát triển không?

TS Đào Thu Thủy: Trong xã hội, có rất nhiều người nhầm lẫn thần kinh tâm thần với rối loạn phát triển. Tuy nhiên, thần kinh tâm thần không thuộc tình trạng rối loạn này. Khuyết tật trí tuệ cũng dễ bị nhầm lẫn với rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn ngôn ngữ. Mỗi đối tượng có những đặc điểm, dấu hiệu rất khác nhau nhưng nhìn chung, các em đều có những khó khăn về nhận thức và các vấn đề hành vi.

Rối loạn phát triển là chứng rối loạn của hệ thần kinh, tổn thương bên trong não bộ, không phải là bệnh lý và không chữa khỏi được. Nhưng nếu được phát hiện sớm, thực hiện được các bước can thiệp sớm thì sẽ dần ổn định và thích nghi, trẻ có thể học được nhiều kỹ năng để có thể sống tự lập.

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 2.

Cơ duyên nào đã thôi thúc cô sáng lập mô hình SEED? Cô có thể chia sẻ về quá trình từ những ngày đầu thành lập trung tâm được không?

TS Đào Thu Thủy: Trước đây, tôi đã làm về mảng can thiệp sớm cho các bạn rối loạn phát triển. Đến năm 2018, một người bạn của tôi có con trai đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm. Chúng tôi nhận ra tìm việc làm đối với người khỏe mạnh khó 1 thì đối với người khuyết tật sẽ khó 10 thậm chí 100. Từ đó, tôi được thôi thúc xây dựng mô hình SEED.

Năm 2019, SEED mới thành lập và hoạt động được hơn 4 tháng thì dịch Covid-19 lan rộng. Thời điểm này, SEED gặp rất nhiều khó khăn, tưởng như không còn trụ được nữa. Lúc đó, chúng tôi đã quyết định dạy online và phát động phong trào “Đồng hành cùng con” để thu hút phụ huynh cùng tham gia học buổi tối để hướng dẫn con những kỹ năng sống căn bản và làm sản phẩm thủ công tại nhà. Lớp buổi tối online mở rộng thu hút được cả các học viên ở ngoài Hà Nội, cả Bắc, Trung, Nam. Mỗi tối có 3 - 4 lớp hoạt động liên tục và hàng trăm phụ huynh tham gia.

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 3.

Hình ảnh các lớp học và hoạt động học tập tại trung tâm

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 4.

Với tôn chỉ là “Gieo hạt mầm yêu thương, đón tương lai rực rỡ”, trung tâm đã triển khai và thực hiện sứ mệnh như thế nào?

TS Đào Thu Thủy: Tôn chỉ của trung tâm đã thể hiện nguyên tắc quan trọng trong việc giảng dạy - luôn luôn phải xuất phát từ lòng yêu thương. Ngoài ra, việc các bạn đến trung tâm không chỉ để học mà còn làm việc là một điểm đặc biệt trong cách thức đào tạo của SEED. Các bạn học viên tại đây đều là các bạn từ 12 tuổi trở lên có khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và kiểm soát hành vi của mình. Với đối tượng trên, trung tâm hướng tới giúp các em tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp thông qua các lớp dạy nghề chuyên biệt. Các sản phẩm tại trung tâm được làm theo mô hình dây chuyền sản xuất, và mỗi bạn phụ trách một vị trí trên dây chuyền đó tùy theo thế mạnh riêng của mỗi bạn. Có bạn giỏi trong việc nấu các món ăn, có bạn giỏi mỹ thuật, cắt ghép, có bạn rất cẩn thận, có bạn lại rất nhanh nhẹn... Căn cứ vào thế mạnh, các thầy cô tại trung tâm sẽ nhận các bạn đạt tiêu chuẩn sau mỗi khóa học vào làm công việc tương tự tại trung tâm và trả lương, tạo thu nhập cho các bạn, tạo điều kiện cho các bạn có khả năng sống tự lập, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Trung tâm hướng tới kinh doanh độc lập, phát triển bền vững không dựa vào các các nguồn từ thiện để vận hành trung tâm.

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 5.

Những sản phẩm thủ công mà các bạn tại trung tâm tự tay làm

Nhận thấy trung tâm đang vận hành theo một mô hình mang tính sáng tạo và tiên phong, đóng vai trò lớn trong chặng đường giúp trẻ rối loạn phát triển hòa nhập xã hội, cô có thể chia sẻ về những thách thức trung tâm đang phải đối mặt được không?

TS Đào Thu Thủy: Trong suốt 5 năm, khó khăn lớn nhất tại Trung tâm là tìm đầu ra cho sản phẩm, làm như thế nào để tiêu thụ được sản phẩm và thu được lợi nhuận để trả lương cho các em.

Hơn nữa, nhiều giáo viên trẻ ra trường rất ngại làm việc với các bạn thanh thiếu niên rối loạn phát triển vì hầu như các em đều to lớn hơn thầy cô, có nhiều vấn đề hành vi, đặc biệt là hành vi về giới tính. Ngoài ra, ở các nước phát triển, mỗi doanh nghiệp đều phải cam kết nhận 2 - 5% người lao động là người khuyết tật, nhưng Việt Nam hiện nay vẫn chưa đưa chính sách việc làm cho người khuyết tật vào cam kết đối với doanh nghiệp. Do vậy, người khuyết tật khó có thể có vị trí việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp...

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 7.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cô sẽ gửi gắm điều gì đến những người đã và đang theo đuổi mô hình giáo dục cho trẻ rối loạn phát triển, thưa cô?

TS Đào Thu Thủy: Là những người làm giáo dục, đồng hành cùng trẻ rối loạn phát triển, tôi luôn tin rằng "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" và chỉ khi có đủ lòng bao dung và kiên nhẫn thì chúng ta mới có thể giúp các em lớn lên từng ngày. Đối với mô hình SEED, kết nối đầu ra có vai trò rất quan trọng giúp mô hình đi đúng hướng. Các bạn cần tìm hiểu và nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Cô sẽ gửi gắm điều gì đến các bậc phụ huynh, các bạn trẻ ngày nay?

Tôi hy vọng thuật ngữ "tự kỷ" sẽ được sử dụng đúng hoàn cảnh và không lạm phát mang tính miệt thị. Mong rằng các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục kiên nhẫn và vững vàng để giúp con trưởng thành, độc lập, tự nuôi sống bản thân và trở thành người có ích. Đồng thời, SEED luôn mở cửa chào đón các bạn sinh viên đến làm việc, hỗ trợ để giúp các bạn hòa nhập với cộng đồng. Mong các bạn trẻ sẽ là cầu nối giúp cho nhiều người nhận biết hơn về chứng tự kỷ, những khiếm khuyết về phát triển để không kỳ thị và luôn rộng lòng giúp đỡ các bạn rối loạn phát triển.

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 8.

TS. Đào Thu Thủy cùng trẻ rối loạn phát triển tìm điểm sáng cho tương lai - Ảnh 9.

 

Nguyễn Thị Đỗ Quyên- Nghiêm Thị Phương Thảo
Phạm Hiểu Anh
Bùi Phương Anh
Vương Minh Ngân