Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trong bài trả lời phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về thí điểm cấm xe máy trên 6 tuyến phố Hà Nội, TS Lương Hoài Nam cho rằng không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy và Hà Nội nên nghiêm túc tổ chức thực hiện đề án, tránh "đẽo cày giữa đường".

Bài 5: TS Lương Hoài Nam: "Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy"

(Tổ Quốc)- Trong bài trả lời phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về thí điểm cấm xe máy trên 6 tuyến phố Hà Nội, TS Lương Hoài Nam cho rằng không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy và Hà Nội nên nghiêm túc tổ chức thực hiện đề án, tránh "đẽo cày giữa đường".

Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy

- Thưa ông, hiện đề xuất của Hà Nội thực hiện thí điểm cấm xe máy trên 6 tuyến phố hướng tâm vào giờ cao điểm gây ra 2 dòng tranh luận khá cân bằng: ủng hộ và phản đối. Là một người ủng hộ việc cấm xe máy lâu nay, từ góc độ "phía bên kia" ông lý giải thế nào về việc vẫn còn có một số đông người phản đối thí điểm này?

+ Theo tôi, có hai nguyên nhân chính về phía những người phản đối. Thứ nhất, người ta chưa tin là tại thời điểm cấm xe máy ở một số tuyến phố, một khu vực hay toàn bộ nội đô (theo đề án là năm 2030) thì sẽ có đủ các phương tiện giao thông công cộng (GTCC) cho gia đình họ đi lại hàng ngày.

Thứ hai, đi xe máy ở các thành phố nước ta thực sự đã trở thành một thói quen, thậm chí là một văn hóa, mà cái gì đã là thói quen, văn hóa thì khó thay đổi, khó bỏ. Xe máy là loại phương tiện hoàn toàn loại bỏ nhu cầu đi bộ khi đi lại, ra khỏi cổng nhà là ngồi lên yên xe, khi về cũng đi xe đến tận cổng nhà. Còn trong một nền GTCC, không chính quyền ở đâu có thể làm cho mỗi nhà một cái bến xe, bến tàu ngay cạnh cổng, người dân ít nhiều phải đi bộ giữa nhà và bến xe, bến tàu, mỗi ngày đi bộ vài ba km là bình thường, thậm chí còn nhiều hơn.

TS Lương Hoài Nam: Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy - Ảnh 1.

Các phương tiện trong "cuộc chiến" giành mặt đường tại đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn

Người dân ở Singapore, Tokyo, Seoul, Hong Hong và các thành phố lớn ở Trung Quốc, cũng như người dân ở châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand khi sử dụng GTCC thì họ cũng phải đi bộ như thế, chứ không thể nào ra khỏi nhà là có bến xe, bến tàu. Nhưng xe máy đã làm cho thói quen đi bộ ở các thành phố nước ta gần như biến mất, bây giờ nghĩ đến đi bộ nhiều người thấy ngại.

Nhiều lý do được "nại" ra: hẻm sâu, ngõ dài, trời nắng, trời mưa… Thực ra thì ở đâu, ở ta hay ở "Tây" cũng đều có hẻm sâu, ngõ dài, đều có nắng, có mưa, ở các nước ôn đới mùa đông còn có cả băng, tuyết mà vẫn đi bộ được. Với hẻm sâu, ngõ dài thì giải pháp là các phương tiện vận tải công suất nhỏ (xe buýt mini, xe điện, tuk-tuk), xe đạp hoặc đi bộ nếu không xa lắm. Khi trời nắng, trời mưa thì người dân ở những nơi tôi kể ở trên thường dùng ô che.

Một số người bảo không có xe máy thì cung cấp nông sản, thực phẩm từ nông thôn vào thành phố thế nào? Tôi đã đến rất nhiều nơi hầu như không có xe máy hoặc tuyệt đối cấm xe máy, người dân ở những nơi đó vẫn có lương thực, thực phẩm để ăn, không ở đâu bị thiếu các thứ đó chỉ vì không có xe máy cả. Một số người bảo không có xe máy thì đưa đón con đi học thế nào? Thì sẽ có GTCC, có xe buýt trường học, người dân ở các nước khác cũng có con và con cái họ cũng đi học, đâu phải chỉ ở mỗi nước ta? Một số người đang sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh thì lộ trình dài hơn 10 năm là để giải quyết cả vấn đề đó, theo một trong hai hướng: chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Khi nhà nước cấm pháo, người dân làng pháo Bình Đà đâu có nhiều thời gian chuyển đổi nghề nghiệp dài đến như thế?

Tôi nghĩ chúng ta không nên bi kịch hóa cuộc sống đô thị không có xe máy. Thực ra, tất cả những thành phố hiện đại, văn minh, có môi trường sống tốt trên thế giới mà người Việt mơ ước được sống đều là những nơi có rất ít xe máy hoặc không có xe máy, có đúng như vậy không?

TS Lương Hoài Nam

- Nhiều người có quan điểm rằng, ô tô 4 chỗ cũng là phương tiện cá nhân, tại sao lại chỉ thí điểm cấm xe máy. Người đi xe máy cũng phải dạt lên vỉa hè vì ô tô đi thành nhiều làn trên đường phố Hà Nội. Cuộc chiến mặt đường này của các phương tiện khiến ông nghĩ tới điều gì?

TS Lương Hoài Nam: Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy - Ảnh 3.

TS Lương Hoài Nam: "Tôi không thích cách làm BRT kiểu ở Hà Nội."

+ Người này bảo cấm xe máy, người kia vặn lại sao không cấm xe con, thực ra đó là một kiểu đánh đố, không phải cách thảo luận mang tính xây dựng. Tôi có thể viện ra hàng chục thành phố lớn cấm hoàn toàn xe máy ở Trung Quốc, hay Yangon với 5 triệu dân ở Myanmar, nhưng không ai có thể viện ra nổi một thành phố rộng mấy nghìn km2 mà cấm hoàn toàn xe con. Tuyệt đối không có thành phố nào trên thế giới làm điều đó. Người ta thường áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng xe con để đi lại trong thành phố, hướng những người có xe con sử dụng GTCC để đi lại hàng ngày cho tiết kiệm và tiện. Hầu như thành phố lớn nào cũng làm như vậy, gần đây nhất là New York với việc thu phí đường đối với ô-tô. Nhưng cấm hoàn toàn xe con trong thành phố thì không thể được, vì người dân cần xe con để đi xa, không phải chỉ để đi lại loanh quanh trong thành phố.

Đối với giao thông đường bộ thì ô-tô là một phát minh vĩ đại của loài người. Trong xu thế cách mạng 4.0, thế giới đang hướng tới các công nghệ ô-tô điện, ô-tô tự lái, ô-tô bay, nhưng vẫn là ô-tô. Loài người còn chưa nghĩ ra cái gì thay thế hoàn toàn được ô-tô, vẫn đang đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều đề án hiện đại hóa các loại ô-tô. Chúng ta không thể nghĩ đến một Việt Nam hoàn toàn loại bỏ ô-tô khỏi cuộc sống đô thị, như thế rất cực đoan.

Còn xe máy thì hoàn toàn có thể thay thế bằng GTCC văn minh, an toàn, tốt cho sức khỏe và tiết kiệm chi phí hơn. So với GTCC, đi xe máy thực ra tốn hơn, rất mệt và nguy hiểm, đi đúng có khi vẫn chết vì tai nạn.

Các đường phố ở Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn vì mặt đường kín mít các loại phương tiện. Không thể làm cho mặt đường thông thoáng mà không cần lấy bớt phương tiện ra. Giữa xe máy và xe con nên lấy cái nào ra? Chúng ta cần tự trả lời: một vài chục năm nữa, chúng ta muốn Hà Nội giống như Singapore, Hong Kong, Tokyo, Seoul, hay là giống như Bangkok, Manila, Jakarta? Nếu chọn lấy xe máy ra, bỏ xe buýt, tàu điện vào thì sẽ giống các thành phố ở nhóm trước; còn nếu chọn lấy xe con ra, thêm xe máy vào thì sẽ giống các thành phố ở nhóm sau.

Nhiều người đòi phát triển xe buýt, nhưng đường phố tắc nghẽn như hiện nay thì xe buýt phát triển thế nào? Hãy nhìn đường phố xem xe buýt làm sao có thể chạy nhanh, đúng giờ, nhiều chuyến, nhiều tuyến để trở thành lựa chọn ưa thích của người dân? Xe buýt không ít lần cán chết người đi xe máy, bị gọi là "hung thần đường phố" thì làm sao mà phát triển được? Mỗi người một xe máy thì xe buýt bán vé cho ai để đạt hiệu quả đầu tư, thu hút được các nguồn vốn xã hội hóa? Xe máy không chỉ vô hiệu hóa được xe buýt, nó thậm chí còn vô hiệu hóa được cả MRT!

"Tôi không thích làm BRT kiểu ở Hà Nội"

- Lê Văn Lương – tuyến đường đang được đề xuất thực hiện thí điểm, đang triển khai tuyến xe bus nhanh của Hà Nội nhưng tới giờ này được coi là như xe bus thường với rất nhiều lý do. Theo ông, Hà Nội nên rút kinh nghiệm gì từ bài học này nếu muốn khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng?

+ Thẳng thắn mà nói, tôi không thích làm BRT kiểu ở Hà Nội. Làn BRT nằm giữa đường, dùng cầu vượt nối vỉa hè với bến MRT như thế rất bất tiện cho hành khách. Trên thế giới, làn xe buýt (kể cả BRT) phổ biến là làn đường trong cùng, sát vỉa hè, với bến xe buýt đặt trên vỉa hè. Hà Nội không làm như thế, tôi hiểu là để giữ làn đường trong cùng cho xe máy và các phương tiện thô sơ. Nhưng làm như thế BRT rất khó hoạt động hiệu quả.

Quan điểm của tôi là, cái gì thuận lợi nhất phải được giành cho GTCC, các phương tiện cá nhân (xe máy, xe con) phải chấp nhận những bất tiện khi sử dụng. Phải như thế thì GTCC mới phát triển hiệu quả được, người sử dụng các phương tiện cá nhân mới có nhu cầu chuyển sang sử dụng GTCC. Theo quan điểm đó thì Hà Nội nên lấy làn đường trong cùng làm làn xe buýt (cả BRT và xe buýt thường) và taxi. Chắc chắn nhiều người đi xe cá nhân (xe máy, xe con) sẽ kêu ca, nhưng không thể khác được.

Mặt đường có hạn, không thể vừa thông thoáng cho xe buýt, taxi mà vẫn thông thoáng cho xe cá nhân ở mọi thời điểm trong ngày. Để GTCC phát triển thuận lợi thì phải ưu tiên mặt đường cho nó và những người đi xe cá nhân buộc phải chịu thiệt. Chúng ta cần sòng phẳng với nhau như thế.

TS Lương Hoài Nam

Nếu sắp tới Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, tôi nghĩ, một mình BRT sẽ không thể để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cần tăng cường xe buýt thường với tần suất chạy dày đặc. Cũng không thể loại bỏ được việc nhiều người đi xe máy sẽ chuyển sang các tuyến đường song song và tăng tắc nghẽn các tuyến đường đó. Tôi nghĩ điều đó cũng phải chấp nhận, không thể có giải pháp hoàn hảo trong quá trình cải tạo giao thông đô thị.

- Với quy hoạch hiện tại của Hà Nội, hệ thống GTCC chưa thể đồng bộ, Hà Nội có thể làm được điều gì nếu muốn cấm xe máy thưa ông?

+ Ở Hà Nội, các phương tiện cá nhân đang chiếm hơn 90% lượt đi lại hàng ngày, GTCC chiếm chưa đầy 10%. Nếu lấy năm 2030 là đích đến, 2 con số này cần phải đảo ngược: GTCC chiếm 90%, các phương tiện cá nhân chỉ nên 10%. Đó là một cuộc cải tạo giao thông đầy khó khăn, thậm chí đau đớn.

Không có phép thần nào để từ "90%-10%" trở thành "10%-90%" chỉ sau một đêm. Đó là điều chính quyền Hà Nội cần được người dân Hà Nội chia sẻ để đồng hành. Quan trọng nhất là phải thống nhất với nhau về mục tiêu dài hạn. Khi mục tiêu dài hạn mà còn chưa thống nhất được thì mọi giải pháp ngắn hạn đều gây tranh cãi, thậm chí phản kháng dữ dội.

Việc hạn chế, cấm xe máy không thể làm "đánh rụp" trên toàn thành phố, mà buộc phải từng bước, theo tuyến đường, khu vực, dần dần mở rộng ra, đồng bộ với việc phát triển GTCC thay thế xe máy. Không thể hạn chế, cấm xe máy mà không phát triển GTCC, nhưng cũng không thể phát triển GTCC mà không hạn chế, cấm xe máy (vì xe buýt không có đủ đường để chạy, xe buýt và MRT không có đủ người mua vé để bớt lỗ, chưa nói chuyện có lãi). Hai hướng hành động càng đồng bộ bao nhiêu càng bớt khó khăn, đau đớn bấy nhiêu. Nhưng tôi khẳng định là không có giải pháp nào hoàn hảo. Trong quá trình thực hiện sẽ xảy ra một số trục trặc, thậm chí khủng hoảng, chính quyền và người dân cần có sự thông cảm lẫn nhau và hợp tác để vượt qua.

TS Lương Hoài Nam: Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy - Ảnh 5.

Thí điểm cấm xe máy, theo TS Lương Hoài Nam: Nên nghiêm túc tổ chức thực hiện đề án, tránh "đẽo cày giữa đường". Ảnh: Nam Nguyễn

- Song song với việc thực hiện thí điểm, trước mắt, Hà Nội cần làm gì để giảm thiểu phát triển các phương tiện cá nhân để giảm tải cho hạ tầng thủ đô thưa ông?

+ Hà Nội đang có 6 triệu xe máy và gần 600 nghìn ô-tô, trong đó khoảng một nửa là xe con. Với xe máy, nếu giữ mục tiêu loại bỏ hẳn vào năm 2030, cần sớm dừng đăng ký mới và giảm dần xe máy cũ. Ở Quảng Châu (Trung Quốc), lộ trình loại bỏ xe máy dài 15 năm, tại thời điểm cấm xe máy (ngày 01/01/2007) cả thành phố chỉ còn 400 nghìn chiếc xe máy nên không khó khăn lắm (Quảng Châu cấm xe máy nhưng trừ 3 đối tượng đặc thù: quan đội, cảnh sát, nhân viên giao nhận bưu điện). Hà Nội cũng cần giảm dần số lượng xe máy qua các năm bằng các chính sách phù hợp (kể cả việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải) và không cho phép xe máy đăng ký ngoại tỉnh lưu thông.

Đối với xe con, nên sớm áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng để đi lại trong thành phố (không phân biệt xe con gia đình và xe con công vụ). Về cơ bản đó là các biện pháp làm cho việc sử dụng xe con trở nên tốt kém hơn, đi xe con khó tìm chỗ đỗ xe hơn. Tôi không đề xuất các biện pháp làm cho giá mua xe con đắt hơn vì như hiện nay đã là quá đắt so với ở nước ngoài rồi. Nhiều người dân mua được xe con là tốt, đáng mừng, nhưng nên sử dụng xe con để đi xe ngoài thành phố, còn trong thành phố thì nên sử dụng GTCC (kể cả taxi, Grab…).

- Vậy theo ông, Hà Nội nên cấm phương tiện cá nhân vào thời điểm nào thì thích hợp (năm nay, năm sau, hay nhiều năm nữa)?

+ Hà Nội có hẳn một đề án rất chi tiết với hàng trăm nội dung cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, khi xe máy sẽ hoàn toàn bị loại bỏ ở nội đô. Đề án đó đã được đưa ra lấy ý kiến người dân, được các cấp có thẩm quyền thông qua (cấp cao nhất là HĐND TP Hà Nội bỏ phiếu thông qua vào ngày 04/7/2017). Nên nghiêm túc tổ chức thực hiện đề án, tránh "đẽo cày giữa đường". Cần phát triển mạnh mẽ GTCC; ngoài MRT, xe buýt, tôi đề nghị khôi phục lại tàu điện (tram) với các loại toa xe hiện đại như ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tôi cũng lưu ý một số giải pháp quan trọng như việc tổ chức hệ thống xe buýt trường học, xe đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp lớn, kế hoạch di dời các trường ĐH ra ngoại thành, v.v. Mỗi nội dung của đề án được tổ chức thực hiện một cách quyết liệt thì cả đề án mới có thể thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Song Đào (thực hiện)