• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ 1/9, du khách ra đảo Cô Tô không mang chai nhựa, túi nylon

Du lịch 18/08/2022 09:24

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, mặt trái của phát triển du lịch ở Cô Tô là trăn trở giải quyết bài toán xử lý chất thải.

Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý về phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200 km từ khơi đảo Trần đến ngoài phía Đông huyện đảo Bạch Long Vĩ của Thành phố Hải Phòng, có trên 300km2 ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản. 

Quần đảo Cô Tô có 71 hòn đảo lớn nhỏ. Huyện Cô Tô có 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân với dân số 1.742 hộ, 6.864 nhân khẩu, bao gồm 11 dân tộc anh em cùng sinh sống (Chăm, Dao, Giáy, Hoa, Kinh, Mường, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Tày và Thái).

Là địa điểm du lịch biển nổi tiếng ở miền Bắc, trong đó, có 3 hòn đảo chính, nổi tiếng và được du khách ghé tới nhiều nhất, bao gồm: Cô Tô Lớn, Cô Tô Con, Thanh Lân. 

Quần đảo Cô Tô có phong cảnh hoang sơ, thơ mộng, môi trường trong lành, bãi cát trắng mịn trải dài, rừng nguyên sinh bạt ngàn, bãi đá tự nhiên kỳ vĩ, tài nguyên biển dồi dào. Đây là một trong những điểm du lịch sức hút đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế.

Kể từ khi lưới điện quốc gia ra đảo được hoàn thành vào cuối năm 2013, du lịch Cô Tô của Quảng Ninh đã thực sự bước sang một trang mới. Du khách thập phương đổ về tham quan, khám phá ngày tăng lên. Thời điểm này, chính quyền Quảng Ninh bắt đầu có những đề án đầu tiên để phát triển du lịch Cô Tô với cơ sở hạ tầng, giao thông hoàn thiện. 

Các khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên đảo Cô Tô ngày càng tăng lên đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Người dân ở đây cũng đang bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ đánh bắt truyền thống sang kinh doanh dịch vụ du lịch. 

Vậy nhưng mặt trái của du lịch là vấn nạn rác thải. Những năm qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng luôn trăn trở với bài toán xử lý rác thải, nước thải ...

Từ 1.9, du khách ra đảo Cô Tô không mang chai nhựa, túi nylon - Ảnh 1.

Trước sự phát triển của địa phương, kéo theo nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng ngày càng cao, do vậy, tình hình rác thải, nước thải trong sinh hoạt ngày càng nhiều. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, chính quyền và người dân huyện đảo Cô Tô đã và đang thực hiện đồng thời 2 đề án: “Phân loại rác thải tại nguồn” và “Hạn chế sử dụng túi nilon”.

Theo đó, rác thải hữu cơ sẽ được thu gom để ủ phân vi sinh, các loại rác vô cơ sẽ được phân loại và tái chế một phần nhằm giảm bớt lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời, Cô Tô cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn cùng giữ gìn, đảm bảo môi trường tại khu vực dân cư.

Tuy nhiên, hàng năm ngoài rác sinh hoạt của người dân trên địa bàn, thì việc đón một lượng khách du lịch ngày càng đông, cùng với việc xả rác ra môi trường, đã gây nhiều khó khăn cho công tác thu gom, xử lý rác.

Từ tháng 7/2020, huyện đã đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công nghệ áp suất âm, công suất thiết kế 750kg/giờ xử lý được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày. Tuy nhiên, phương tiện vận chuyển khó khăn, khu xử lý rác chưa được đầu tư hoàn thiện; đường sá để xe chở rác chạy vào còn rất khó khăn.

Ngoài ra, địa phương cũng chưa có khu xử lý nước thải nên nước thải từ các nhà hàng, khách sạn đều đổ xuống cống, rồi xả ra biển gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường rất lớn. Hơn nữa, với địa hình nhỏ hẹp, dốc ra biển nên Cô Tô gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch mặt bằng khu xử lý rác thải, nước thải.

Theo ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cô Tô: “Vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn huyện, đang là vấn đề rất cấp thiết. Số lượng dân, lượng khách du lịch, nhà hàng, khách sạn ngày càng tăng cao, mà hệ thống hạ tầng chưa có khu xử lý. Mặc dù, huyện đã có đề án tạm thời phân loại rác, nhưng chưa được liên tục, triệt để, chế tài xử lý chưa có”.

Báo Dân tộc dẫn lời ông Lê Bảo Đức, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị huyện Cô Tô cho biết: Bài toán xử lý rác thải ở huyện đảo bao năm qua, vẫn là bài toán khó của địa phương. Hiện nay, công ty đang lên kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng khu xử lý rác thải rắn, đảm bảo việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Từ 1.9, du khách ra đảo Cô Tô không mang chai nhựa, túi nylon - Ảnh 2.

Mới đây, huyện đảo Cô Tô sẽ thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch Cô Tô từ ngày 1.9.2022.

Việc thí điểm sẽ được triển khai trong khoảng vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức quy định này.

Trao đổi với báo VietNamNet, ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND Huyện Cô Tô cho biết, để triển khai hiệu quả quy định, huyện Cô Tô  khuyến nghị các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé, và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô thì sẽ yêu cầu mọi người để lại chai nhựa, túi nylon cùng những vật có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa trên huyện đảo xinh đẹp này.

Trọng Nghĩa

NỔI BẬT TRANG CHỦ