Tưởng cứ bình ổn mà làm việc thôi, nhưng cuộc sống nói: "Tấm chiếu này đúng là chưa trải"

Cô Chang | 25-01-2021 - 06:26 AM

(Tổ Quốc) - Sự thất vọng không tự sinh ra cũng không tự mất đi, mà nó chỉ chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.

Ba năm đầu tiên khi bước vào công ty, tâm lý của hầu hết mọi người chính là: "Tôi hy vọng đây sẽ là một nền tảng tốt để phát huy hết khả năng và lợi thế của mình", “Có sếp tốt, quan tâm, dành thời gian và dẫn dắt mình phát triển”, "Mong rằng có thể nhanh chóng làm quen và chung sống hoà thuận với đồng nghiệp, dù sao môi trường làm việc dễ chịu thì công việc mới có thể lâu dài", "Tôi hy vọng rằng những nỗ lực của tôi cuối cùng sẽ được đền đáp và xứng đáng có được những cơ hội phát triển tốt hơn".

Nhưng thực ra, khi đã làm việc ở đấy trong hai đến ba năm, bạn chỉ thấy: nhìn bề ngoài, công ty này rất hào nhoáng, là thương hiệu nổi tiếng và có uy tín trong ngành, lợi nhuận tốt, tuy nhiên, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Do đó, nếu hy vọng càng nhiều thì nỗi thất vọng càng lớn, bạn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng những gì bạn mong muốn phát triển trước kia nay lại bị kìm hãm trong chính môi trường này.

Tưởng cứ bình ổn mà làm việc thôi, nhưng cuộc sống nói: Tấm chiếu này đúng là chưa trải - Ảnh 1.

Khi đã tạo được mối quan hệ với sếp, bạn mới nhận ra rằng lãnh đạo luôn bận rộn, họ không có thời gian để chăm sóc cho cuộc sống của chính họ, huống gì cuộc sống của bạn. Chỉ khi cần phải giao nhiệm vụ hoặc công việc mới nào đấy, họ mới xuất hiện, ra chỉ thị thật nhanh gọn và biến mất. Sau khi nghe xong, dù bạn có hoang mang hay cố tình để hiểu xem lãnh đạo muốn gì, thì thứ họ muốn chính là kết quả bạn mang lại.

Trường hợp lãnh đạo là một người rất thân thiện, cũng thích trò chuyện với bạn, và mỗi lần trò chuyện sẽ rất lâu, tán gẫu từ đông sang tây, từ nam ra bắc. Đến mức trong giờ làm cũng chỉ nói chuyện này kia chẳng liên quan, bạn lại sợ từ chối tiếp chuyện nên đành cắn răng lắng nghe và tiếp tục tăng ca đến khuya khoắt mới vừa kịp hoàn thành công việc trong ngày.

Nếu lãnh đạo là người có tính tình thay đổi thất thường như giá cổ phiếu thì họ thường xuyên cáu gắt trong các buổi họp, không nghe ý kiến của người khác, còn ngang nhiên chỉ trích, khiến không khí căng thẳng và ai cũng cảm thấy khó chịu. Bất kể kiểu lãnh đạo nào cũng đều khiến bạn thất vọng.

Tiếp tục nhắc đến đồng nghiệp, cứ cho rằng hầu hết mọi người đều tốt, nhưng hiển nhiên luôn có những người đồng đâu chẳng thấy, chỉ thấy mỗi... nghiệp. Nếu bạn làm việc dưới trướng họ thì pha nước, mua đồ ăn, in tài liệu chẳng ngại gì mà không gọi tên bạn; chỉ thiếu nước đưa cho bạn cái cọ toilet bảo "em vào dọn WC" như một cô lao công nữa thôi. Chỉ một, hai người đồng nghiệp như thế thôi cũng khiến bạn dần tụt mood, lại thấy đồng nghiệp đúng là một niềm đau.

Tưởng cứ bình ổn mà làm việc thôi, nhưng cuộc sống nói: Tấm chiếu này đúng là chưa trải - Ảnh 2.

Về phương diện thăng tiến, làm việc chăm chỉ hai ba năm nhưng chẳng nghe chút tin nào về việc thăng chức, tăng lương. Tìm lãnh đạo, lãnh đạo bận bảo xuống gặp trưởng phòng, trưởng phòng lại đùn đẩy, rồi cuối cùng lại đẩy cho HR, tóm lại là vẫn không có chút hương chút hoa nào cả. Nhận ra khoảng cách giữa trình độ hiện tại của mình và cơ hội bên ngoài ngày càng lớn, cuối cùng bạn không thể chịu nổi sự thất vọng. Và chẳng ngại gì mà bạn không nộp đơn thôi việc cả.

Sau khi nhảy việc, biểu đồ đường parabol thất vọng rẽ xuống điểm thấp nhất, sau cùng là những cơ hội mới và kỳ vọng mới. Khi làm việc ở công ty thứ 2 (giả sử sau khi nghỉ việc, bạn có một khoảng thời gian để suy nghĩ và tìm hiểu công việc tiếp theo), tâm lý của bạn đã trưởng thành hơn, điều này làm giảm sự phụ thuộc của bạn vào sếp và đồng nghiệp.

Bạn tiếp tục kỳ vọng vào công việc mới: "Lương thưởng tương đương hoặc hơn công ty cũ", "Tiếp tục cải thiện và phát triển", "Nếu có thời gian để yêu và lên kế hoạch cho một gia đình nhỏ thì thật tuyệt". Còn thực tế: Lương nhận được và vị trí cũng ổn hơn, nhưng bạn lại trở thành một người đóng vai trò trung gian giữa cấp trên và cấp dưới, lại làm thêm giờ. Bây giờ chỉ mong được nghỉ cuối tuần mà thôi. Nói về một mối quan hệ là điều xa xỉ, bắt đầu bước vào giai đoạn tham gia những buổi làm quen mà hai bên giới thiệu.

Vì vậy, bạn lại trở nên thất vọng nhưng cũng không thể thoát khỏi tình trạng này, công việc sẽ nuôi sống bạn, công việc sẽ mang lại cho bạn cảm giác thành tựu, cho bạn cơ hội bay lên bầu trời, khiến bạn trông "giống người" hơn và cho bạn biết rằng: "Bạn vẫn có giá trị sử dụng và đống kỹ năng bạn có là cần thiết". Rồi đến một ngày bạn thực sự cảm thấy mệt mỏi, bạn muốn có một kỳ nghỉ dài, muốn làm mới bản thân, tìm đến một nơi không sóng điện thoại, không ồn ào, không bụi bặm. Tưởng rằng có thể chữa lành cho bản thân, nhưng có khi nó còn khiến bạn stress hơn vì không Instagram, không YouTube, không có các trò giải trí bạn thích. Bạn lại thấy thất vọng. Loại thất vọng này vừa thú vị lại vừa đáng sợ, khó thoát ra, mà một khi đã được giải phóng thì lại muốn quay trở lại.

Tưởng cứ bình ổn mà làm việc thôi, nhưng cuộc sống nói: Tấm chiếu này đúng là chưa trải - Ảnh 3.

Cuối cùng, hiện thực sẽ đánh cho bạn - vốn đã tỉnh lại càng mụ mị thêm khi bạn bước vào giai đoạn hôn nhân. Sự thất vọng ở đây chính là không thể cân bằng được gia đình và công việc. Từ việc con ti lúc nửa đêm, thay tã, thức dậy lúc 5 giờ sáng, í éo khóc đòi bạn đến công việc cũng chẳng thèm buông tha, sếp lớn sếp nhỏ vẫn đẩy lịch cho bạn tăng ca liên miên. Khi con bạn đến trường, các loại bài tập về nhà, các lớp phụ đạo của đứa nhỏ cũng khiến bạn stress. Về công việc, lãnh đạo trông cậy vào bạn, hy vọng bạn có thể vượt qua, mang lại hiệu quả tốt hơn, cấp dưới thì hi vọng bạn quan tâm và tạo cơ hội phát triển. Quay đi quay lại, bạn cảm thấy quá mệt để có thể mở được mắt, việc nhà, việc công ty cứ như muốn đánh nhau với bạn vậy. Ngay lúc này, bạn chỉ muốn có thể phân thân làm đôi mà thôi.

Cuộc sống của bạn sẽ dần đi xuống vực thẳm đen tối hơn khi nhận được tin ở nhà có người ốm, bạn mệt mỏi đến mức mà nghĩ rằng: "A, hoá ra đây chính là thời khắc đen tối nhất của cuộc đời sao!".

"Cân bằng", tưởng dễ nhưng không phải ai cũng có khả năng cân bằng tất cả các mặt của cuộc sống. Nhưng dù thất vọng đến đâu, sẽ luôn có một loại sức mạnh kéo chúng ta tiến về phía trước. Sức mạnh này có thể đến từ hành động của những người thân yêu nhất hoặc từ động lực của chính bản thân vì mong muốn đạt được thành tích, hay là một loại ý thức gì đó không thể giải thích được, hoặc chỉ đơn giản là "hãy hạnh phúc". Dù có thất vọng nhưng chúng ta vẫn đang chạy trên con đường của chính mình, vẫn dám yêu dám hận, dám dũng cảm bứt phá để có thể sống hết mình với cuộc đời này.

Ảnh minh hoạ

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM