Tuyến đường thủy quan trọng nhất Tây Âu cạn nước, ngành công nghiệp Đức lại gặp vấn đề

Hữu Hiển | 10-08-2022 - 13:35 PM

(Tổ Quốc) - Vào thời điểm lạm phát cao, chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng và cuộc khủng hoảng khí đốt đang rình rập, mực nước sông Rhine thấp là một vấn đề đau đầu khác đối với nước Đức.

Trang Politico ngày 7/8 đưa tin, mực nước trên sông Rhine - con sông nội địa lớn của châu Âu nối các cảng lớn tại Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ) với trung tâm công nghiệp nằm trong đất liền của Đức và Thụy Sĩ – đang rất thấp, khiến các chủ hàng khó vận chuyển than, linh kiện máy móc, hóa chất và hàng hóa khác đến các nhà máy và nhà máy điện dọc theo bờ sông.

Đó là một vấn đề cấp bách đối với các ngành công nghiệp lớn, đồng thời cũng gây trở ngại cho các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) trong việc nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy lên 25% vào năm 2030 và 50% vào năm 2050 như một phần của nỗ lực cắt giảm khí thải từ hoạt động giao thông vận tải nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Tuyến đường thủy quan trọng nhất Tây Âu cạn nước, ngành công nghiệp Đức lại gặp vấn đề - Ảnh 1.

Mực nước trên sông Rhine đang rất thấp. Ảnh: Getty Images

Sông Rhine khô cạn

Lượng mưa thấp liên tục đồng nghĩa với việc mực nước sông Rhine đã giảm xuống 49 cm vào ngày 7/8 tại tháp đo ở Kaub - một vị trí nằm giữa Wiesbaden và Koblenz (Đức) trên con sông dài 1.200 km.

Marc Daniel Heintz - trưởng ban thư ký tại Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ sông Rhine (ICPR) - cho biết: "Nếu thời tiết vẫn khô hạn thì chúng ta sẽ gặp một vấn đề lớn. Hiện tại sẽ cần mưa xối xả kéo dài để tăng độ sâu một cách có ý nghĩa".

Những trận mưa lớn như vậy được dự báo sẽ không đến trong hai tuần tới và mực nước tại Kaub đã thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2018, trước mức thấp lịch sử của tháng 10/2018 là 25 cm.

Theo trang Politico, mực nước xuống quá thấp sau đó vào năm 2018 đã khiến tàu bè không thể qua lại trong nhiều tuần, buộc các công ty phải chuyển hàng hóa sang đường sắt và đường bộ. Nhưng điều đó lại gây tốn kém và không hiệu quả vì phải huy động hàng trăm xe tải hoặc toa tàu để xếp dỡ hàng hóa có thể được chất lên một sà lan.

Vào thời điểm lạm phát cao, chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng và cuộc khủng hoảng khí đốt đang rình rập, mực nước sông Rhine thấp là một vấn đề đau đầu khác đối với nước Đức. Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel tính toán rằng, sông Rhine cạn nước trong vòng 1 tháng sẽ làm giảm khoảng 1% sản lượng công nghiệp của Đức.

Ông Heintz cho biết, sông Rhine thường đạt mực nước cao nhất vào mùa xuân và đầu mùa hè, mực nước thấp nhất vào mùa thu, nhưng quy luật này đang thay đổi nhanh chóng. Mực nước thấp kỷ lục trong năm 2018 được tiếp nối bởi mực nước cao bất thường vào mùa hè năm ngoái, khiến việc vận chuyển hàng hóa phải tạm dừng ở một số khu vực nhất định.

Theo ông Heintz, lượng mưa thấp và các sông băng trên núi tan chảy là hai lý do dẫn đến hai thái cực trên.

Tuyến đường thủy quan trọng nhất Tây Âu cạn nước, ngành công nghiệp Đức lại gặp vấn đề - Ảnh 2.

Tàu di chuyển trên sông Rhine đã khô cạn một phần ở Duesseldorf, miền tây nước Đức, vào ngày 25/7/2022. Ảnh: Getty Images

Vấn đề đau đầu của ngành công nghiệp

Theo trang Politico, hàng năm, có tới 300 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển dọc theo sông Rhine, giữa Basel - nơi gặp nhau của Thụy Sĩ, Đức và Pháp - và Biển Bắc. Khoảng 80% tổng số chuyến hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy trong nước Đức đi trên sông Rhine.

Nhưng một khi mực nước giảm xuống dưới 40 cm, việc vận chuyển hàng hóa trên sông sẽ trở nên không kinh tế.

Dominik Rösch - chuyên gia thuộc Viện Thủy văn Liên bang Đức - cho biết: "Khi mực nước xuống thấp, thường không thể tải nhiều hàng lên tàu như bình thường. Theo đó, hiệu quả kinh tế giảm và [vận chuyển hàng hóa] cần chuyển sang đường bộ hoặc đường sắt."

Là một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề mực nước thấp, chính phủ Đức muốn loại bỏ sỏi đá khỏi một số điểm tắc nghẽn trên sông, bao gồm cả Kaub, nhưng điều này đặt ra các vấn đề về môi trường và sẽ yêu cầu bảo trì thường xuyên.

Thay vào đó, các chủ hàng phải liên tục tính toán trọng lượng vận tải mà họ có thể thay đổi dựa trên mực nước sông.

Leny van Toorenburg - người đứng đầu bộ phận kỹ thuật hàng hải của tập đoàn công nghiệp hàng hải Hà Lan KBN - tính toán tác động của mực nước 47 cm và cho biết: "Tàu càng lớn thì sức chở càng ít. Những con tàu lớn với sức chứa khoảng 6.000 tấn hiện chỉ có thể chở 800 tấn - tức là chưa đến 1/6".

Đây cũng là một vấn đề chiến lược lớn đối với tập đoàn công nghiệp khổng lồ BASF - công ty hóa chất toàn cầu có trụ sở và cơ sở sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới tại Ludwigshafen, cách Kaub khoảng 100 km về phía thượng nguồn và trực tiếp qua sông Rhine từ Mannheim.

Valeska Schößler - người phát ngôn của BASF - cho biết, hiện tại đầu ra vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi mực nước sông Rhine, nhưng hai tuần tới mực nước có thể giảm xuống còn 35 cm.

"Một số loại tàu sẽ không thể sử dụng được nữa và sẽ ngừng ra khơi; những loại tàu khác sẽ được giảm trọng tải", bà Schößler nói.

Bà Schößler cũng cho biết thêm, kể từ khi mực nước thấp kỷ lục xuất hiện trên sông Rhine vào năm 2018, BASF đã thỏa thuận với Viện Thủy văn Liên bang của Đức về dịch vụ dự báo mực nước trước sáu tuần để giúp họ lên kế hoạch và thuê các loại tàu phù hợp.

BASF cũng đã đặt hàng các loại tàu mới, rộng hơn và có khả năng hoạt động ở vùng nước cực nông. Ví dụ, năm ngoái, tàu Gas94 đã đi vào hoạt động, có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên ngay cả khi mực nước ở Kaub đạt 30 cm, bà Schößler cho biết.

Nhưng nếu không có trận mưa nào đáng kể trong những tuần tới, mực nước có thể giảm xuống dưới mức đó.

Bà van Toorenburg nhận định: "Tôi nhận thấy rằng ngày nay, kể từ khoảng năm 2018, chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề mực nước thấp hơn và cả cao hơn. Những điều đó cũng xảy ra vào những thời điểm khó dự đoán hơn, và đó chắc chắn là hậu quả của biến đổi khí hậu."

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM