• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa - Lực đẩy quan trọng cho kinh tế

Văn hoá 20/05/2022 15:11

Trong bối cảnh mới, văn hóa tiếp tục phát huy vai trò của mình với tư cách là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực cho sự phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng gắn bó và văn hóa trở thành động

Văn hóa - Lực đẩy quan trọng cho kinh tế - Ảnh 1.

Du lịch là ngành có thể khai thác các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Cái “lợi” văn hóa trong kinh tế

Văn hóa và kinh tế có mối quan hệ mật thiết, tương tác biện chứng với nhau. Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển và ngược lại, văn hóa phát triển cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kinh tế được coi là nền tảng vật chất của xã hội. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh hơn vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh cần xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để văn hóa thật sự là động lực đột phá phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” và “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế” 1.

Với những quan điểm chỉ đạo của Đảng, sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa được định hướng trong các hoạt động kinh tế ngày càng sâu, rộng hơn. Văn hóa thẩm thấu và lan tỏa trong kinh tế biểu hiện ra trong quá trình xây dựng và thực hành các giá trị văn hóa trong doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nhằm nâng cao tính nhân văn trong kinh tế. Văn hóa trong kinh tế đề cao các giá trị khoa học, pháp lý và giá trị đạo lý trong hoạt động kinh tế, đề cao tinh thần chia sẻ, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện. Hệ giá trị văn hóa khi được phát huy sẽ điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng ngày càng nhân văn hơn. Khi các giá trị văn hóa thấm sâu vào hoạt động kinh tế, nó sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hoạt động của các chủ thể kinh tế theo hướng nhân văn.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ có sự chuyển dịch đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Khi văn hóa tham gia điều tiết các hoạt động kinh tế, trước tiên doanh nghiệp được lợi-trước tiên được sự tín nhiệm về đạo đức trong xã hội, từ đó tăng được doanh thu và lợi nhuận. Rộng hơn, cả cộng đồng, xã hội và người dân cùng được chia sẻ lợi ích trên những sản phẩm chứa đựng tính văn hóa. Văn hóa kết nối giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội. Đây cũng chính là một trong các tiền đề để phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong khi phát triển kinh tế. Với tinh thần này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, sáng tạo, nỗ lực khẳng định được uy tín, vị thế trên thương trường. Nhiều thương hiệu hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất tạo được chỗ đứng trên thị trường, tạo được uy tín với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế và khẳng định thương hiệu “Made in Việt Nam”.

Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở vị thế của những nguồn lực tinh thần, tham gia điều tiết, định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà văn hóa còn thúc đẩy trực tiếp sự phát triển kinh tế, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân tăng thêm sản phẩm và tổng thu nhập. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là lựa chọn cho hướng phát triển này. Dù ra đời muộn hơn nhiều ngành khác nhưng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng đã có những đóng góp đối với nền kinh tế quốc dân. Một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa như điện ảnh, mỹ thuật và quảng cáo, phần mềm kỹ thuật số và trò chơi điện tử, du lịch văn hóa... đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây và dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Năm 2020, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% GDP và ước tính đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ đạt 7% GDP.

Để văn hóa là động lực mạnh mẽ

Trước hết và trên hết, cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế (các văn bản luật pháp, các chiến lược, các quy định cụ thể). Cần xây dựng các chế tài về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa cũng như khai thác nguồn tài nguyên văn hóa để phát triển kinh tế. Điều đó tạo động lực (và cũng ràng buộc trách nhiệm) cho các doanh nghiệp năng động, sáng tạo, đổi mới hoạt động theo hướng coi trọng các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Văn hóa không chỉ giới hạn trong những giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực trực tiếp đóng góp cho sự phát triển đất nước. Cần có những giải pháp có hiệu quả tối đa trong quá trình sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên văn hóa vào mục đích tăng trưởng kinh tế (như ngành du lịch, các ngành nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo sản phẩm…) để tài nguyên văn hóa là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển bao trùm, đa chiều, nhân văn và bền vững.

“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” xác định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng cao tổng thu nhập cho toàn xã hội. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành những nguồn lực, động lực phát triển thì đòi hỏi cần phải có sự thay đổi cả về lý luận nhận thức và hành động thực tiễn. Một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần được lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ cũng như ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Các chính quyền địa phương cũng cần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại chỗ dựa trên khai thác các lợi thế so sánh của địa phương mình.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 47.

Theo Thiên Phương/nhandan.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ