• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa số là động lực của Chuyển đổi số

Văn hoá 19/12/2022 16:03

(Tổ Quốc) - Văn hóa số có nghĩa là chúng ta cùng nhau tìm hiểu về quá khứ thông qua giao diện công nghệ để từ đó đặt câu hỏi chúng ta sẽ sử dụng công nghệ như thế nào để kiến tạo một thế giới công bằng hơn về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.

Khái niệm di sản văn hóa số bao gồm vật thể và phi vật thể liên quan chặt chẽ đến bảo tồn di sản và trải nghiệm người dùng; thu hút người sử dụng trực tuyến tiếp cận di sản văn hóa thuận tiện hơn bao giờ hết. Đây là công việc thách thức nhưng công nghệ sẽ hỗ trợ để con người vừa kiến tạo xã hội số vừa thu hẹp khoảng cách giữa những người được tiếp cận mạng và những người không có cơ hội.

Công nghệ số và mô hình kinh doanh mới đang góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đột phá của doanh nghiệp. Thực tế, dịch bệnh Covid-19 là một cú hích khiến tiến trình chuyển đổi số trở thành điều sống còn đối với doanh nghiệp. 

Văn hóa số là động lực của Chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố công nghệ, lãnh đạo của các tổ chức nên nhìn nhận và đánh giá toàn diện yếu tố con người bên trong bộ máy, đặc biệt văn hóa và hoạt động tương tác giữa con người-với-công nghệ. Đây là những nhân tố có nhiều ý nghĩa đối với sự thành công của quá trình chuyển đổi số (thành công số).

Những trụ cột của một nền văn hóa số thành công:

Hợp tác: hãy đặt "chúng ta" lên trước "tôi" và tái cấu trúc mô hình liên kết nội bộ trong các đơn vị chức năng. Dữ liệu định hướng: quyết định được đưa ra phải dựa trên số liệu và sử dụng dữ liệu làm đòn bẩy để khai phóng những giá trị kinh tế mới. Người dùng làm trung tâm: luôn đặt khách hàng là trung tâm và khai thác dữ liệu nhằm phục vụ mục đích tăng cường hoạt động đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đổi mới sáng tạo: biến đổi mới sáng tạo trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp/tổ chức với phương châm "thất bại nhanh để học hỏi"; được lan tỏa và thầm nhuần trong văn hóa cá nhân của từng thành viên trong tổ chức thay vì chỉ dừng lại ở bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Mục tiêu: tập trung sâu vào sự bền vững, giá trị đạo đức, tính bao trùm và bình đẳng.

Tổ chức nào xây dựng được văn hóa số sẽ trở nên linh hoạt và nhạy cảm hơn, khuyến khích lực lượng lao động nâng cao khả năng ứng phó thách thức mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; giúp doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh thông qua khả năng thích ứng với hoàn cảnh đang thay đổi nhanh chóng; khai thác hiệu quả công nghệ và tận dụng sức ảnh hưởng từ các bên tham gia. 

Đất nước chúng ta đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ số để hướng tới xã hội số, kinh tế số và chính phủ số; tuy nhiên, công nghệ và những lợi ích kinh tế cần phải được phát triển hài hòa với văn hóa để người dân được thụ hưởng trọn vẹn thành tựu của công nghệ và văn hóa theo đúng nghĩa của nó./.



Nguyễn Đức Dũng

NỔI BẬT TRANG CHỦ