Vàng lại lên ngôi do quá nhiều yếu tố rủi ro

(Tổ Quốc) - Giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng do USD giảm và căng thẳng địa chính trị xung quanh vấn đề Ukraina làm gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn, kéo theo giá các kim loại quý khác cũng tăng.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 19/1 đạt 1.840,91 USD/ounce, gần chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/11, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2 mức 1.843,2 USD/ounce, đều tăng gần 2% so với phiên liền trước.

Trong nước, giá vàng sáng nay cũng tăng mạnh. Theo đó, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 61,3 triệu đồng/lượng và bán ra 61,9 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tương tự, ngân hàng Eximbank cũng tăng giá vàng miếng SJC 150.000 đồng mỗi lượng, đưa chiều mua lên 61,35 triệu đồng/lượng, chiều bán lên 61,75 triệu đồng/lượng.

Vàng lại lên ngôi do quá nhiều yếu tố rủi ro - Ảnh 1.

Giá vàng thế giới đang tăng.

Sự biến động trên thị trường chứng khoán cũng đang hậu thuẫn giá vàng. Chứng khoán Mỹ đã giảm vào lúc kết thúc phiên 19/1, khi các nhà đầu tư tiếp tục xem xét triển vọng tăng thu nhập của các doanh nghiệp. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khỏi mức cao kỷ lục cũng giúp giá vàng tăng.

Kết quả kinh doanh mạnh mẽ của Mỹ và Châu Âu không thể ngăn chặn đà trượt dốc ở Phố Wall, do giá dầu thô tăng khiến lo ngại lạm phát vẫn tồn tại.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng nhìn chung luôn giữ ở mức trên 1.800 USD/ounce, sau khi giảm trong năm 2021 – lần giảm đầu tiên trong vòng 3 năm, do các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới bắt đầu kết thúc dần các biện pháp kích thích áp dụng trong giai đoạn đại dịch.

Tuy nhiên, vai trò truyền thống của vàng thỏi như một hàng rào chống lạm phát, cộng với sự không chắc chắn về tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu, và căng thẳng địa chính trị xoay quanh vấn đề Ukraine và Trung Đông đang hỗ trợ nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn.

Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Ed Moya, cho biết: "Lợi suất trái phiếu giảm đã thúc đẩy sự bứt phá về kỹ thuật đối với vàng, kim loại này có thể giao dịch trong phạm vi tổng thể từ 1.800 đến 1.840 đô la cho đến khi diễn ra cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới". Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến ​​họp vào ngày 25-26 tháng 1.

Cho đến lúc này, thị trường nhìn chung tin rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến cách đây một tháng để kiểm chế lạm phát – duy trì ở mức cao từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vàng tập trung nhiều vào vấn đề lạm phát hơn là lãi suất, và coi lạm phát chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong năm nay.

Lạm phát ở Anh cũng tăng nhanh hơn dự kiến, với lạm phát tháng 12 tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm, gia tăng sức ép lên mức sống và gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải tăng lãi suất một lần nữa. Lạm phát trong tháng 12 ở Anh vọt lên mức 5,4%, cao hơn ước tính 5,2% của các nhà kinh tế và là mức cao nhất trong gần 30 năm khi chi phí năng lượng tăng, nhu cầu tăng vọt và các vấn đề của chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy tăng giá cả tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với kim loại quý ở một số thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới như Ấn Độ được duy trì ở mức cao. Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý 4/2021 tại Ấn Độ tăng mạnh do có nhiều lễ hội và là thời điểm mùa cưới ở nước này.

Thị trường đang có dấu hiệu quay lưng lại với các tài sản rủi ro cao.

Theo Peter Grosskopf, Giám đốc điều hành của Sprott Inc, thái độ quá tự tin với các tài sản rủi ro trong năm 2021 của các nhà đầu tư có thể thay đổi trong năm 2022 khi Fed tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ, làm giảm thanh khoản trên thị trường tài chính.

Theo ông, bất chấp việc vàng gặp khó khăn trong năm 2021, kim loại quý này vẫn là một hàng rào hấp dẫn để bảo vệ khỏi những rủi ro ngày càng tăng trên thị trường chứng khoán. Ông không dự đoán giá cổ phiếu sẽ lao dốc, xong cho rằng đà tăng mạnh chưa từng có trong 2 năm vừa qua có vẻ đang chậm lại, từ đó có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải quyết liệt hơn với chính sách tiền tệ của mình trong năm nay.

Ông Grosskopf nói: "Thị trường chứng khoán sẽ có một năm khó khăn hơn mọi người mong đợi". Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 4% kể từ đầu năm tới nay.

Ông Grosskopf nói rằng rủi ro đáng kể cho năm 2022 là các nhà đầu tư đang đánh giá thấp chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động như thế nào đến các điều kiện thị trường.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ kết thúc việc mua trái phiếu hàng tháng vào tháng Ba. Đồng thời, các thị trường đang định giá Fed sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Ban đầu, thị trường dự đoán lần tăng lãi suất đầu tiên sẽ chỉ thêm 0,25 điểm phần trăm, song ngày càng có nhiều người tin rằng sẽ tăng 0,50 điểm phần trăm và giảm bảng cân đối kế toán trước khi kết thúc năm.

Tham khảo: Kitco, Reuters, Bloomberg

Vũ Ngọc Diệp

Tin mới