VnDirect: Nền kinh tế Việt Nam tự tin bước vào năm 2021

(Tổ Quốc) - Mới đây CTCP Chứng khoán VnDirect công bố báo cáo phân tích Chiến lược đầu tư 2021. Báo cáo đưa ra những nhận định tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như các ngành nghề.

Tự tin bước vào năm 2021

VnDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021, với tăng trưởng tích cực ở tất cả các ngành. Nền tảng vĩ mô sẽ tiếp tục được gia cố vững chắc với thặng dư thương mại cũng như dự trữ ngoại hối ở mức cao và áp lực lạm phát thấp. Theo quan điểm của VnDirect, những yếu tố này có thể giúp Việt Nam chống chịu tốt những rủi ro từ bên ngoài và đem đến sự hỗ trợ mạnh mẽ cho ổn định tỷ giá.

Với kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vắcxin. Hiện nay, có rất nhiều loại vắc-xin đang được phát triển trên thế giới và dự kiến sản xuất thương mại từ đầu năm 2021. VnDirect kỳ vọng rằng việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu, từ đó tạo ra tiền đề cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới từ năm tới. 

Cụ thể, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19 cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa. 

Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do (1) Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm tới và (2) vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch COVID19 được kiểm soát. 

VnDirect: Nền kinh tế Việt Nam tự tin bước vào năm 2021 - Ảnh 1.

Dự báo ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8% so với cùng kỳ trong năm 2021

VnDirect tin tưởng vào sự phục hồi bền vững của ngành công nghiệp và xây dựng và đưa ra mức dự phóng tăng trưởng 8,8% svck trong năm 2021 dựa vào các yếu tố sau:

• Việc mở cửa các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm như máy tính, điện thoại, máy móc và thiết bị.

• Trong năm vừa qua, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia mới nổi khác. Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu kể từ cuối năm 2019 đến nay càng chứng tỏ tính cấp thiết và thúc đẩy xu hướng trên. Ngày càng có nhiều Chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhận thức được mức độ rủi ro nghiêm trọng của việc phụ thuộc chuỗi cung ứng của họ vào chỉ một quốc gia, một thị trường chủ chốt. 

Trong bối cảnh Trung Quốc đang dần đánh mất hình ảnh và sự ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế lý tưởng nhờ lợi thế lớn về mặt địa lý khi Việt Nam nằm gần chuỗi sản xuất đặt tại miền Nam Trung Quốc. 

Hơn thế nữa, trong 11 tháng đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy được năng lực đối phó với khủng hoảng và các sự kiện bất ngờ (black swan) một cách ấn tượng khi vừa ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân và đồng thời duy trì được chuỗi sản xuất hoạt động liên tục. Điều đó càng thu hút và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có ý định đặt nhà máy tại Việt Nam khi dịch COVID-19 qua đi.

 Một số doanh nghiệp đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư ở Việt Nam, có thể kể đến như Google, Microsoft, HP và Dell. Cụ thể, Microsoft dự định ra mắt mẫu sản phẩm Surface mới ở Việt Nam trong khi HP và Dell có kế hoạch chuyển giao 30% sản lượng máy tính của doanh nghiệp sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang đứng đầu danh sách. Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn vào Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp của họ xây dựng nhà máy tại Việt Nam, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị tại Việt Nam và củng cố động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất.

•  Lĩnh vực xây dựng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các khoản đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch Covid-19 và các công ty tư nhân dự kiến sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đoạn phía Đông đường cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Dự báo ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021

Theo báo cáo của Nielsen, Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về xu hướng tiết kiệm và thứ 2 thế giới về mức độ lạc quan tiêu dùng trong Q2/20. Cụ thể, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Ấn Độ) với chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 117 điểm trong Q2/20 - mặc dù đã giảm 9 điểm sv quý trước. Việt Nam thuộc 12 trong số 68 thị trường được khảo sát có mức điểm trên 100, ngưỡng trên 100 được coi là tích cực trong khi dưới ngưỡng 100 cho tín hiệu tiêu cực về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân. 

Trong khi đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu giảm 14 điểm xuống 92 điểm trong Q2/20 từ mức 106 điểm trong Q1/20, ghi nhận mức giảm theo quý lớn nhất kể từ khi Nielsen bắt đầu tính toán chỉ số này từ Q1/05. Mức giảm trên cũng lớn gấp đôi sv mức sụt giảm của chỉ số này trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09.

Trong báo cáo này, Việt Nam cũng đứng đầu toàn cầu về xu hướng tiết kiệm, tiếp theo là Hồng Kông và Singapore. Sự kết hợp giữa mức độ lạc quan và xu hướng tiết kiệm cao của người dân là nền tảng vững chắc cho sự phục hồi nhanh của cầu tiêu dùng nội địa cũng như nguồn vốn đầu tư toàn xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nền kinh tế đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ trong Q3/20 sau khi đợt bùng phát dịch thứ 2 ở Việt Nam được kiểm soát. Theo TCTK, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 4,5% so với cùng kỳ trong Q3/20, từ đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam được duy trì trong bối cảnh đại dịch.

VnDirect: Nền kinh tế Việt Nam tự tin bước vào năm 2021 - Ảnh 2.

Dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021 chủ yếu nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi. Cụ thể, tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại về mức tăng trước trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% svck trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: 1) tăng trưởng thu nhập cải thiện trong năm 2021 nhờ duy trì tăng trưởng GDP danh nghĩa và lạm phát thấp, 2) sự trở lại của ngành du lịch sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép khai thác cho mục đích thương mại trở lại tính từ cuối quý Q1/21, dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống, 3) lớp dân số trẻ có mức sống cao hơn và hiểu biết về công nghệ tăng lên và 4) đô thị hóa gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các khu vực chuyển lên thành thị.


Thảo Nguyên

Tin mới