Vỡ mộng vì trường học khác xa thực tế, thủ khoa đại học chuyển hướng kiếm tiền nhờ "ăn mày quá khứ": Điểm số không đảm bảo tương lai an toàn, nhưng tiền thì có!

Linh Hân | 13-06-2021 - 23:55 PM

(Tổ Quốc) - Thất vọng vì ngành học của mình không có tương lai, một "thủ khoa đầu vào" Trung Quốc đã quyết định kiếm tiền từ việc "ăn mày quá khứ".

Năm 2015, Liu Jiasen đã hoàn thành giấc mơ đời mình: trở thành thủ khoa của "cao khảo" - kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất Trung Quốc. Anh đỗ vào khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc tại ĐH Bắc Kinh danh giá.

Được học tại nơi đã đào tạo ra vô số nhân tài cho đất nước, nam sinh này cảm thấy lòng mình lâng lâng. Tuy nhiên, cuộc sống đại học hóa ra không chỉ toàn màu hồng như anh tưởng.

Vỡ mộng vì cuộc sống thực tế ở đại học

Từ một gương mặt bình thường, Liu đã nỗ lực từng bước để vươn lên top đầu và trúng tuyển vào trường đại học danh giá nhất cả nước. Anh nghĩ mình có thể trở thành "một người có thể thay đổi lịch sử".

Thế nhưng, suy nghĩ này biến mất khi Liu rời khỏi mái trường cấp ba.

Sau khi đỗ đại học, cha mẹ đã đưa nam sinh này đi mua điện thoại. Trước đó, Liu chưa từng sử dụng máy tính hay Internet, thậm chí còn nghỉ điện thoại có bàn phím to.

Khi điền hồ sơ dự thi đại học, Liu không chọn ngành kinh tế hay quản lý như nhiều học sinh giỏi khác. Anh quyết tâm thi vào khoa Văn học vì tự tin rằng mình "có óc sáng tạo nghệ thuật".

Trong buổi chào đón sinh viên nhập học, Liu tự giới thiệu mình là "thủ khoa đại học" nhưng cả khán phòng đều im lặng. Một lúc sau đó, những tiếng vỗ tay lác đác mới vang lên. Phản ứng này nằm ngoài mong đợi của anh. Kể từ đó, Liu không còn đề cập đến chuyện "thủ khoa đại học" nữa bởi anh nhận ra mọi người chỉ vỗ tay cho anh bớt ngượng.

Vỡ mộng vì trường học khác xa thực tế, thủ khoa đại học chuyển hướng kiếm tiền nhờ ăn mày quá khứ: Điểm số không đảm bảo tương lai an toàn, nhưng tiền thì có - Ảnh 1.

Liu Jiasen trong một buổi diễn thuyết tại trường học

Dần dần, Liu cảm thấy nội dung giảng dạy và mục đích đào tạo của khoa khác với định hướng viết sáng tạo mà anh theo đuổi. Dù là sinh viên của trường đại học hàng đầu cả nước, anh dần nhận ra ngành học của mình không có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai.

Liu từng hỏi cố vấn học tập rằng "liệu mình có thể kiếm được thu nhập hàng triệu tệ sau khi tốt nghiệp". Câu trả lời mà anh nhận được là "không".

Nhìn các sinh viên ĐH Bắc Kinh chú tâm học hành trong thư viện, Liu cảm thấy bối rối và ghen tỵ. Anh không hiểu tại sao họ có thể cống hiến cả đời để nghiên cứu vấn đề học thuật. Liu tự hỏi, liệu họ có còn cảm thấy ổn định hay hạnh phúc nếu biết việc mình đang làm không đem lại tiền tài hay danh vọng.

"Tôi thật sự hoảng loạn", anh cho biết.

Kiếm tiền nhờ "ăn mày quá khứ"

Cuối cùng, cơ hội nghề nghiệp đầu tiên cũng đến với Liu khi anh đang học năm nhất. Một giáo viên cấp ba đã liên hệ với anh để hỏi xin tài liệu ôn thi của anh. Đây là những ghi chú rất có giá trị, bởi chúng được viết bởi một học sinh giỏi đến từ trường cấp ba chuyên luyện thi đại học.

Một năm sau, cũng chính vị giáo viên đó đã mời Liu về làm cho công ty của mình. Công việc của anh là phát biểu truyền cảm hứng cho học sinh với tư cách một chuyên gia ôn thi. Được trả hàng chục nghìn NDT cho một lần diễn thuyết, anh đồng ý ngay lập tức.

Suốt những năm đại học, Liu một mình đóng hai vai. Bốn ngày trong tuần, anh làm sinh viên khoa Văn của ĐH Bắc Kinh; ba ngày còn lại, anh trở về làm "thủ khoa đại học", phát biểu truyền cảm hứng cho học sinh phổ thông cả nước để truyền cảm hứng và động lực thi cử.

Vỡ mộng vì trường học khác xa thực tế, thủ khoa đại học chuyển hướng kiếm tiền nhờ ăn mày quá khứ: Điểm số không đảm bảo tương lai an toàn, nhưng tiền thì có - Ảnh 2.

Kịch bản Liu Jiasen tự viết và luyện tập trước mỗi lần đi diễn thuyết

Nhờ "ăn mày quá khứ", Liu có được mọi thứ mà tấm bằng đại học chưa chắc đã cho anh: danh vọng, nghề nghiệp - và quan trọng nhất - tiền bạc. Anh đã làm diễn giả trong suốt 5 năm, với hơn 600 bài phát biểu khác nhau tại các trường cấp ba trên toàn quốc.

Đi đến trường nào, học sinh cũng hỏi Liu những câu hỏi giống nhau: "Em nên học văn như thế nào? Em nên học Toán ra sao? Em nên học tiếng Anh theo cách gì?". Mỗi khi anh cầm mic, toàn bộ sân trường im phăng phắc, chăm chú lắng nghe bài phát biểu. Không khí nghiêm túc đó khiến Liu nhớ lại quãng thời gian anh học cấp ba.

Ngôi trường cấp 3 của Liu nổi tiếng vì giảng dạy theo kỷ cương quân đội với một mục tiêu duy nhất: giúp học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Chỉ có con cái của những gia đình trung lưu hoặc công chức nhà nước mới có thể ghi danh vào học.

Mỗi sáng, học sinh trong trường sẽ hô khẩu hiệu: "Nỗ lực vì đất nước, nỗ lực vì mọi người, nỗ lực vì chính bản thân mình. Tôi có thể làm được! Tôi sẽ làm được". Xung quanh trường luôn treo đầy các băng rôn cổ vũ như "Tăng 1 điểm, bỏ lại 1.000 người phía sau".

Liu cho biết, so với đống băng rôn, khẩu hiệu này, đích đến mà các thầy cô đưa ra trông có vẻ thực dụng hơn. Năm lớp 12, thầy chủ nhiệm đã dặn dò riêng anh: "Nếu muốn giàu, em phải có thêm nhiều kiến thức".

Nam sinh này đã phải học hơn 100.000 câu hỏi thực hành. Theo Liu, học sinh trong trường luôn tận dụng khoảng thời gian ít ỏi sau giờ học để bồi dưỡng kiến thức. Mỗi khi được về nhà thăm gia đình, anh cũng mang theo sách vở để học thêm vào buổi đêm.

Nam sinh này đã từng thử tiết kiệm thời gian bằng cách không thay quần áo trong 21 ngày, cho đến khi bị viêm móng và phải ngừng lại. Anh còn dùng thời gian tắm rửa và giặt giũ để giải quyết 40 bài tập nhỏ và 8 bài tập lớn.

Đây là những câu chuyện truyền cảm hứng mà anh vẫn thường xuyên nhắc đến trong bài phát biểu của mình.

Khoảng cách giữa trường học và trường đời

Kể từ khi trở thành diễn giả, Liu đã không còn quá khủng hoảng về sự nghiệp nhưng vẫn khá lo lắng chuyện tiền nong. Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, từ bé anh đã được dạy rằng "nếu không học hành chăm chỉ, con sẽ chẳng còn gì để ăn".

Ở trường cấp ba, Liu chơi khá thân với một số người bạn có điều kiện. "Họ mải chơi đến đâu cũng không cần lo vì đã có gia đình hỗ trợ, còn tôi thì không", chàng trai 24 tuổi nói. Anh biết mình sẽ phải học tập và làm việc chăm chỉ để leo lên những bậc thang cao hơn. Càng leo cao, anh sẽ càng an toàn.

Vỡ mộng vì trường học khác xa thực tế, thủ khoa đại học chuyển hướng kiếm tiền nhờ ăn mày quá khứ: Điểm số không đảm bảo tương lai an toàn, nhưng tiền thì có - Ảnh 3.

Một buổi diễn thuyết truyền cảm hứng cho học sinh cấp ba

Liu cho biết, dù chỉ cách nhau khoảng 20 phút đi tàu cao tốc, giá nhà đất ở Bắc Kinh cao gấp 10 lần so với ở quê nhà Trác Châu của anh. Vào thập niên 90, 1m2 đất ở thủ đô có giá lên tới 100.000 NDT (358 triệu VNĐ). Chính điều này đã thôi thúc nam sinh này theo đuổi nghề diễn thuyết.

Dù thu nhập hàng tháng của Liu vẫn chưa đủ để mua 1m2 đất ở Bắc Kinh, anh vẫn cảm thấy mình đang làm tốt hơn các bạn đồng trang lứa. Sau 5 năm đi làm, chàng trai này đã tích cóp được gần 2 triệu NDT (7 tỷ VNĐ).

Tuy nhiên, Liu vẫn canh cánh một chuyện trong lòng. Anh cảm thấy mâu thuẫn về những gì mình vẫn hay nói với học sinh. Chàng trai này tự hỏi liệu mình có nên phá vỡ ảo tưởng của học sinh, giúp các em chấp nhận thực tế phũ phàng của cuộc sống.

Liu cho biết, hầu hết học sinh phổ thông chưa có nhiều kinh nghiệm cuộc sống, lại dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cha mẹ và thầy cô. Các em không hiểu rằng giữa mong đợi và thực tế có một khoảng cách rất lớn.

Điều duy nhất và thực tiễn nhất Liu có thể làm lúc này là nhắc nhở học sinh rằng không phải "thủ khoa đại học" nào cũng phù hợp với các ngành khoa học cơ bản, cũng như điểm số cao chưa chắc đã đảm bảo sự nghiệp thành công. Nếu không tỉnh táo, các em sẽ dễ bị ảo tưởng, hoặc tệ hơn là rơi vào cảnh thất nghiệp sau này.

"Vấn đề nan giải là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng lại phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, các em lại chỉ có thể tìm hiểu về cuộc sống tương lai thông qua lời nói của người khác", anh nhận xét.

(Theo Sixthtone)