Vụ 2 người lớn bế thốc đứa trẻ vào nhà rồi đóng chặt cửa: Con rắn xộc vào với tốc độ rất nhanh có phải cạp nia cực độc?

Hoa Hướng Dương | 16-07-2021 - 08:33 AM

(Tổ Quốc) - Câu trả lời khá bất ngờ!

Mới đây, một đoạn clip trích xuất từ camera an ninh ghi lại cảnh một con rắn bất ngờ lao từ ngoài đường vào nhà dân với tốc độ trườn bò rất nhanh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Sự việc xảy ra ngày 14/7/2021 tại thành phố Sóc Trăng.

Con rắn dài khoảng gần 2 m và suýt tấn công một em bé đang ngồi chơi trong sân nếu như không có sự can thiệp kịp thời của người lớn. Những người có mặt thậm chí phải đóng chặt cửa để ngăn con rắn chui vào nhà.

Báo chí dẫn lời chị Trần Ngọc, người chia sẻ clip, cho biết gần nhà có lô đất trống nên rất có thể con rắn từ đó bò vào, nó đã leo qua tường bao rơi xuống sân và bị kích động nên lao thẳng về phía những người trong gia đình chị khiến mọi người bị một phen hốt hoảng.

Xem video:

Rắn bò vào nhà suýt tấn công em bé

Chị Trần Ngọc cũng kể đây là lần thứ 3 gia đình chị bị rắn bò vào nhà mặc dù gia đình nằm ở khu vực thành phố chứ không phải vùng nông thôn. 

Qua tìm hiểu, xác định con rắn này là một con rắn hổ ngựa (Tên khoa học: Coelognathus radiata).

Không như cạp nia cực độc liên tục xuất hiện ở Nghệ An thời gian qua, rắn hổ ngựa là một loài rắn không có nọc độc, con trưởng thành thường dài khoảng 2m sống ở trên cạn. Tuy không có độc nhưng nó lại cực kỳ hung dữ, rất dễ bị kích thích và khả năng di chuyển rất nhanh (nhanh như ngựa). Đó là lý do vì sao trong clip thấy nó trườn với tốc độ đáng sợ như vậy. 

Chúng thường ẩn mình trong các hang chuột đã bỏ hoang và có khả năng leo trèo rất giỏi.

Vụ 2 người lớn bế thốc đứa trẻ vào nhà rồi đóng chặt cửa: Con rắn xộc vào với tốc độ rất nhanh có phải cạp nia cực độc? - Ảnh 2.

Rắn hổ ngựa. Ảnh: Depositphotos

Loài rắn này hoạt động cả về đêm lẫn ban ngày và thức ăn ưa thích là chuột, thằn lằn và ếch nhái, chim con... Loài rắn này có tập tính đuổi theo con mồi nhờ khả năng di chuyển nhanh và linh hoạt.

Hổ ngựa phân bố ở cả ba miền của nước ta và là một loài rắn có ích khi giúp con người kiểm soát số lượng chuột. Mặc dù không có răng nanh nhưng loài rắn này cắn rất đau và có thể chảy máu, chúng ta nên rửa sạch vết thương, sát khuẩn để tránh bị nhiễm trùng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM