Vừa thu bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo sững sờ khi thấy dòng chữ cuối trong bài của 1 học sinh giỏi: Trên đời có chuyện như thế sao?

(Tổ Quốc) - Thầy giáo cho rằng, anh chưa từng thấy bất cứ học sinh nào viết như thế trong đời dạy học của mình.

Câu chuyện giản dị về sự tử tế này được một thầy giáo dạy lịch sử ở bang Kentucky, Mỹ kể và được nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ lại trên trang cá nhân. Anh cho rằng, biết đâu đấy, nó có thể có ích cho chính chúng ta khi năm mới vừa mở ra.

Đó là câu chuyện của Winston, người đã đặc biệt chú ý một học sinh rất sáng dạ, người đã luôn có điểm cao trong các bài kiểm tra và rất thường xuyên tham gia các cuộc tranh luận trên lớp. Nhưng Winston đã rất ngạc nhiên khi xảy ra một chuyện ở kì thi học kỳ. Bài thi này về các kiến thức liên quan đến Thế chiến II, với 50 câu hỏi, mỗi câu 2 điểm.

Sau khi thu bài về chấm, Winston thấy một dòng chữ ghi trong bài làm, điều anh chưa từng thấy bất cứ học sinh nào viết như thế trong đời dạy học của mình. 

Dòng chữ viết: "Nếu được, thầy có thể cộng điểm thưởng của em vào bạn nào có điểm thấp nhất lớp được không ạ?". Winston ngạc nhiên và tự hỏi, tại sao cậu học sinh này lại làm điều ấy, khi mà thường là các học sinh sẽ cố gắng giành được càng nhiều điểm càng tốt trong các kì thi và cũng chẳng quan tâm đến ai được điểm kém?

Vừa thu lại bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo sững sờ khi nhìn thấy dòng chữ cuối trong bài làm của 1 học sinh giỏi: Trên đời có chuyện như thế sao? - Ảnh 1.

"Nếu được, thầy có thể cộng điểm thưởng của em vào bạn nào có điểm thấp nhất lớp được không ạ?".

Winston kết luận, cậu học sinh ấy làm thế chỉ vì cậu ấy có lòng trắc ẩn và sự tử tế, và chắc chắn là cậu muốn giúp một ai đó. Cậu đã đạt 94/100 điểm, và theo thông lệ với các học sinh điểm cao nhất lớp, Winston luôn tặng 5 điểm thưởng. 

5 điểm thưởng ấy cậu không lấy mà cuối cùng, được tặng cho một học sinh chỉ đạt 58 điểm (trong khi phải đạt tối thiểu 60 điểm mới không phải thi lại). Winston cũng đã lưỡng lự một chút vì thực ra việc cộng điểm như thế không đúng lắm, nhưng cuối cùng, anh vẫn làm, bởi anh ngưỡng mộ thái độ sống của cậu học trò.

Thế là một cô học sinh tưởng phải thi lại ấy đã được 63 điểm và vượt qua kỳ thi, nhờ sự giúp đỡ bí mật của một người khác. Winston không nói rõ rằng anh có tiết lộ điều ấy với cô học trò không, nhưng anh tin rằng, cô học sinh ấy và chính anh đã được nhận một bài học về sự tử tế và cả về việc sẽ đền đáp sự giúp đỡ ấy thế nào.

Vừa thu lại bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo sững sờ khi nhìn thấy dòng chữ cuối trong bài làm của 1 học sinh giỏi: Trên đời có chuyện như thế sao? - Ảnh 2.

"Nếu ai đó đã làm điều gì tốt cho bạn, có khi bạn cũng không cần phải đền đáp người ấy mà cứ làm những điều tốt cho những người khác, và những người đó lại làm những điều tử tế cho những người khác nữa, cứ thế nhân những điều thiện lên nhiều lần…", nhà báo Trương Anh Ngọc viết.

Câu chuyện đặc biệt đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ. Nhiều người cũng chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ thời học sinh của mình: 

"Trong đời đi học của mình em cũng đã nhường suất đi thi Học sinh giỏi Toán tỉnh cho một cậu bạn mà nếu cậu ấy không được đi thi trong đội tuyển thì sẽ bị loại ra khỏi lớp vì học lực trung bình. Lúc đó ngoài tình bạn thì em nghĩ, nếu em đi thi thì cũng khó có thành tích cao trong khi bạn ấy không đi thi thì sẽ rời lớp, xa bạn bè và cảm giác sẽ rất là hụt hẫng, tự ti", một người chia sẻ.

Có nên tử tế bằng cách... cộng điểm?

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến nhận định, tử tế là rất đáng quý nhưng nên đúng chỗ đúng lúc. Trong trường hợp này thì không phù hợp vì tử tế bằng cách cộng điểm là tử tế một cách méo mó, gian lận. 

Nếu ai cũng được cộng điểm vậy thì sẽ không ai thèm cố gắng để khỏi phải thi lại. Đồng thời, vấn đề thi là để đánh giá năng lực của chính mình, để biết mình đang ở đâu chứ không phải để lấy thành tích. Đó mới là mục đích cuối cùng (và cao cả) của giáo dục.

"Thôi thế mai các thầy cô cứ tặng thêm mỗi học sinh, sinh viên 1 điểm để lan toả sự "tử tế" và lòng "trắc ẩn"; "Tôi nghĩ đây chính là "teachable moment" để người giáo viên trao đổi với học sinh về cách đặt lòng tốt đúng nơi đúng chỗ. Đánh giá cao cách suy nghĩ của em ấy, nhưng nên hay không lại là chuyện khác", nhiều người để lại nhận xét.

Vừa thu lại bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo sững sờ khi nhìn thấy dòng chữ cuối trong bài làm của 1 học sinh giỏi: Trên đời có chuyện như thế sao? - Ảnh 3.

Trước luồng ý kiến này, nhà báo Anh Ngọc cho rằng: "Trong trường hợp này, người giáo viên đã đánh giá sự tử tế cao hơn thành tích và đã phá cách để tặng điểm cho học sinh cần. Anh ấy xúc động vì suy nghĩ của cậu học trò. 

Cá nhân tôi thì thích câu chuyện này, bởi nó có rất nhiều ý nghĩa, không đơn giản là rạch ròi đúng - sai. Chú ý đoạn chốt, nó nói về văn hoá "pay it forward" ở các nước phát triển. Nếu các bạn đã ở đó hoặc trực tiếp là người thực hiện nó, hoặc hưởng lợi từ nó, các bạn sẽ hiểu. Ở Mỹ, thầy Winston không hề bị chỉ trích mà còn được ca ngợi vì lòng tốt".

"Suy nghĩ này sẽ bị nhiều người chỉ trích. Nhưng có lẽ thầy Winston đã cân nhắc kỹ càng và biết rõ về cô học trò bị điểm thấp để quyết định như vậy", một người khác đồng tình.

Hiện câu chuyện vẫn thu hút sự chú ý và nhận về nhiều tranh luận.

Vừa thu lại bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo sững sờ khi nhìn thấy dòng chữ cuối trong bài làm của 1 học sinh giỏi: Trên đời có chuyện như thế sao? - Ảnh 4.

Hiểu Đan

Tin mới