Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm.

(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm.

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 1.

Cuối năm 2021, đất nước gánh chịu tổn thất nặng nề bởi hậu quả của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đợt dịch lớn và đau thương nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện làm hơn 1 triệu người nhiễm bệnh, hàng chục nghìn người chết, thiệt hại kinh tế chưa thể đo đếm.

Trong khi hậu quả nặng nề do dịch bệnh chưa được khắc phục, khi Đảng và Nhà nước đang dành mọi ưu tiên, nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân thì cả nước lại chấn động khi vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á được phanh phui. Sai phạm của hàng loạt quan chức ở các bộ ngành, địa phương liên quan đến công tác chống dịch bị phát hiện.

Tháng 12/2021, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Vụ án sau đó được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng trong tháng 12/2021, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội danh "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám độc Công ty Việt Á) và các đồng phạm.

"Virus" Việt Á lan nhanh như đại dịch Covid-19 khi nó nhanh chóng "vươn" ra hầu khắp các địa phương trên cả nước cùng rất nhiều bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ KH&CN và cả Bộ Quốc phòng.

Sau hơn 1 năm điều tra, đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hàng chục vụ án liên quan với hơn 100 bị can về các tội danh khác nhau. Số tiền được kê biên tính tới thời điểm công bố gần nhất đã lên đến khoảng 1.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các bị can bị khởi tố, có 3 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bị bắt do lợi dụng vị trí công tác để có hành vi can thiệp trái pháp luật, làm lợi cho công ty Việt Á.

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 2.

Đại án Việt Á khiến dư luận hoang mang, nhiều người mất niềm tin khi giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, đất nước phải đối mặt khó khăn, thử thách vô cùng lớn, sức khỏe và tính mạng của người dân đang lâm nguy thì có những cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ trọng trách cao điều hành công tác chống dịch lại không màng an nguy của dân tộc, bất chấp tất cả để trục lợi cho bản thân.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chỉ hơn một tháng sau khi đại án Việt Á được phanh phui, khi người dân cả nước còn chưa kịp "chấn tĩnh" thì một đại án khác cũng liên quan đến công tác chống dịch Covid-19 lại làm dậy sóng dư luận.

Ngày 28/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao liên quan đến việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" về tội nhận hối lộ. Trong số 4 bị can đầu tiên bị khởi tố, có Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự và 3 thuộc cấp tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Từ đây, hàng loạt quan chức của Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành bị bắt do lợi dụng chủ trương nhân đạo của Nhà nước để trục lợi cá nhân.

Sau hơn 1 năm điều tra, 54 bị can bị truy tố, truy nã về các tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thân quen. Hàng loạt các bị cáo khác là lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền từ hàng tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Ngoài các bộ và cơ quan ngang bộ, lãnh đạo Hà Nội và Quảng Nam cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Trong đó, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận hơn 2 tỷ đồng khi duyệt chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp. Còn Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ một doanh nghiệp thực hiện cách ly, bay giải cứu. Ngoài ra, Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng.

Xây dựng văn hoá liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 3.

Số tiền nhận hối lộ quá lớn của các quan chức bị bắt khiến dự luận không khỏi bàng hoàng. Phải nhấn mạnh, giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng căng thẳng trên thế giới, khi mọi hoạt động bị đình trệ, tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế phải tạm ngừng, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài khao khát được trở về quê hương. Để thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.

Việc này thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân. Chủ trương kịp thời này được cộng đồng quốc tế và đồng bào trong và ngoài nước đánh giá cao và ủng hộ.

Thế nhưng, những vị cán bộ này lại lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận và vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Hành động của những cán bộ này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc.

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 2.

Thông tin từ phiên họp thứ 23 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (diễn ra ngày 12/1/2023 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…

Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án...

Cần nhấn mạnh rằng, những vụ đại án đang được xử lý đã cho thấy cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, không có vùng cấm và không ngừng nghỉ, ngay cả trong dịch bệnh. Nhưng mặt khác, những vụ án nói trên đã cho thấy tình trạng suy thoái về mặt tư tưởng, đạo đức của bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao.

Một đặc điểm chung của hầu hết các vụ việc, khi Uỷ ban kiểm tra Trung ương vào cuộc và kết luận sai phạm thì các cá nhân sai phạm này đều "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức".

Đặc biệt, 3 cựu Uỷ viên Trung ương Đảng được Bộ chính trị, Ban Bí thư kết luận đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội.

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 5.

Hơn 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần nói về liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trích bài viết về Liêm sỉ và Quốc sỉ của TS. Nhị Lê, người đứng đầu Đảng nhấn mạnh: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, "dĩ công vi thượng" và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người Liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để "chiếm công vi tư", để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái.

Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình".

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: "Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét, đâu là giới hạn giữa công và tư rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế thì không chỉ rước họa "thân bại danh liệt" và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến? Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được".

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 6.

Theo PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, không phải bây giờ mới có tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng tồn tại ở bất cứ quốc gia, chế độ nào, ở bất kỳ vị trí địa lý nào, tham nhũng tồn tại và phải chấp nhận đây là sự thật. Vấn đề ở đây là chúng ta nhìn nhận và đối diện với sự thật này để giải quyết như thế nào.

PGS.TS Lê Văn Cường cho rằng, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện suy cho cùng là do sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Ông lấy ví dụ, có những vấn đề vốn rất nhân văn như trong vụ "chuyến bay giải cứu", đó là khi đất nước thanh bình, những người con xa xứ khát khao trở về quê hương, khi nguy cấp họ coi quê hương là nơi bao bọc, mở rộng vòng tay đón họ về nhưng rồi chủ trương rất nhân văn này cũng trở thành nơi tham nhũng "nhảy" vào.

"Một hành động rất nhân văn, mang đậm tính văn hóa thì lại nảy sinh mặt trái và tham nhũng đã đến tận đó", PGS.TS Lê Văn Cường nói và nhấn mạnh cái gốc của tham nhũng là sự xuống cấp về đạo đức.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Cường, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn khó khăn hơn đấu tranh chống ngoại xâm vì ta phải "tự đánh vào ta" và nó có ở trong bản thân từng con người.

"Hôm nay có thể anh hùng nhưng ngày sau có thể thân bại danh liệt nếu như không giữ được mình, không giữ được liêm sỉ, liêm chính", chính vì vậy theo PGS.TS Lê Văn Cường, phải tu dưỡng, "rèn luyện đạo đức hàng ngày như chúng ta rửa mặt hàng ngày", "phải đẩy mạnh việc "phòng", và phòng tuyến lớn nhất để giúp chúng ta vượt qua chính mình là phải xây dựng được văn hóa liêm chính".

Trong khi đó, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, quyền lực mà giao cho những kẻ không có đạo đức thì không khác gì "thả rông con thú dữ vào xã hội". Có học thức, trí thức mà không có đạo đức thì đó chính là sự tàn bạo.

Xây dựng văn hóa liêm chính (bài 1): “Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm” - Ảnh 7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người, theo TS Nhị Lê, nói như vậy để thấy rằng, nhân lễ liêm sỉ nếu là nền móng đạo đức của xã hội thì liêm chính kiệm cần là nên móng đạo đức của người cách mạng.

Qua các vụ đại án vừa rồi, có những người vướng vào sai phạm từng giữ chức vụ rất cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, từ Uỷ viên Trung ương Đảng đến các vị tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, cho thấy một điều nếu không giữ lòng mình trong sạch thì rất dễ sa vào tội lỗi, nghĩa là cái đức mà không giữ thì người ta bất chấp mọi thứ để làm. Khi lòng tham không được khắc chế thì người ta sẵn sàng bán rẻ cả Tổ Quốc, phản bội lại Tổ Quốc.

Cũng theo TS. Nhị Lê, tham nhũng về tiền bạc là tham nhũng ít, tham nhũng về lòng tin mới là đại nguy cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "bất liêm sẽ sinh ra trộm cắp" mà trộm cắp về lòng tin thì điều đó là đáng sợ nhất, không còn gì cả.

Nhìn lại hơn 10 năm công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hơn 170 quan chức cao cấp, trong đó có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng phải đứng trước vành móng ngựa, chịu trách nhiệm trước pháp luật, điều đó một mặt cho thấy "luật pháp bất vị thân", "Đảng cương nghiêm trị", sự cảnh giới và giám sát của người dân được coi trọng nhưng điều đó cũng cho thấy cấp bách phải chấn chỉnh, cấp bách phải phát triển đạo đức trong Đảng, trong xã hội.

>>> Còn tiếp

Xuân Trường
Xuân Trường