Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhưng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong mỗi gia đình – "tế bào của xã hội" vẫn tồn tại những định kiến giới với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này không những ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em , mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Bình đẳng giới trong gia đình còn nhiều hạn chế

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, tạo môi trường lành mạnh và tiền đề quan trọng để trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt, phụ nữ có thời gian chăm sóc bản thân, nhiều cơ hội để phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp, thể hiện vai trò, tiếng nói trong nhiều lĩnh vực…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình.

PSG TS Phạm Hương Trà – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ người phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội đã được nâng lên rất nhiều so với trước. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.

Xóa bỏ định kiến giới vì hạnh phúc gia đình - Ảnh 1.

Ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, thực trạng vấn đề giới ở nước ta vẫn còn những bức xúc trong gia đình như: Một số chị em phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra…

"Đặc biệt, vẫn còn những tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái (tỷ số thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái). Mất cân bằng giới tính khi sinh trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra 6/6 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước.

Và trong Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố cho thấy, hơn 140 triệu trẻ em gái "không được sinh ra" trên khắp thế giới do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời" – bà Phạm Hương Trà nói.

Xóa bỏ định kiến giới vì hạnh phúc gia đình - Ảnh 2.

Việc này chính là nguyên nhân cản trở cơ hội học tập của trẻ em gái; hạn chế khả năng cống hiến và hưởng thụ cuộc sống của phụ nữ. Tâm lý "khát con trai" dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới, và nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng cấu trúc dân số, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình...

Để còn xảy ra thực trạng trên, theo bà Phạm Hương Trà nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Ở một số vùng vẫn còn bị ảnh hưởng của tư tưởng nặng nề từ những tư tưởng, hủ tục lạc hậu tồn tại suốt hàng nghìn năm phong kiến cho đến nay, nhất là vấn đề quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Từ đó, tạo thành áp lực cho nhiều gia đình, dòng họ… trong việc phải có con trai.

Cùng với đó, phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ cũng thường cho qua coi như đó là bổn phận, là trách nhiệm của bản thân. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới có định nghĩa, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình; thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Điều đó cho thấy Luật Bình đẳng giới dù đã được thực thi trong đời sống một thời gian nhưng nhiều phụ nữ vẫn không ý thực được quyền của mình.

Giáo dục bắt đầu từ gia đình

Để tiến tới một xã hội bình đẳng giới, Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, như Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, xét cho cùng, luật là "sức mạnh cứng". Muốn thay đổi, thu hẹp được khoảng cách, phá bỏ định kiến giới, chúng ta phải kiên trì xây dựng một "sức mạnh mềm" từ việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi được tư tưởng đã ăn sâu, bén rễ trong rất nhiều gia đình Việt.

Xóa bỏ định kiến giới vì hạnh phúc gia đình - Ảnh 3.

Bà Phạm Hương Trà cho rằng: Điều thiết yếu quan trọng là phải nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền về giới trên diện rộng không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới. Đặc biệt, trong gia đình, cha mẹ, ông bà cần giáo dục cho các con về sự bình đẳng; đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái về cơ hội học tập, dinh dưỡng, giáo dục, nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình. Người chồng cần chia sẻ với vợ công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Ông bà cũng phải đối xử bình đẳng giữa các con, các cháu; không tạo sức ép để con phải sinh con trai.

Đặc biệt, công tác giáo dục về giới cần phải được tăng cường đẩy mạnh trong nội dung đào tạo đối với các đối tượng thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm về giới trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này. Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình cũng nên được xây dựng thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa...

Xóa bỏ định kiến giới vì hạnh phúc gia đình - Ảnh 4.

Cùng với đó, về phía xã hội, các đoàn thể, tổ chức cũng cần phải tham gia mạnh mẽ hơn vào việc này nhằm hạn chế tối đa sự thiên vị với từng giới. Xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về giới một cách thực chất, đó là mọi giới đều bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội ngang nhau và thụ hưởng ngang nhau.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về bình đẳng giới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình bởi gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ đạt được dân chủ, công bằng và văn minh.

Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, xã hội, bình đẳng giới trong gia đình chỉ có thể đạt được khi bản thân người phụ nữ luôn có ý thức tự vươn lên học hỏi và khẳng định mình. "Theo tôi, gia đình và xã hội cần phải tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình. Và chính người đàn ông cũng phải có ý thức chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển. Nhưng với sự hỗ trợ đó, người phụ nữ cũng cần phải không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức, phát triển bản thân để khẳng định vai trò ví trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, trong gia đình, mỗi người phụ nữ cần phải dịu dàng, khéo léo thuyết phục, kêu gọi sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm của người chồng trong công việc gia đình" – bà Phạm Hương Trà nhấn mạnh.

Xóa bỏ định kiến giới vì hạnh phúc gia đình - Ảnh 5.

Việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Sự sẻ chia, bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới không chỉ là ngọn nguồn của hạnh phúc gia đình mà còn là động lực để sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ, tạo ra những công dân tốt có đầy đủ phẩm chất và tài năng góp sức cho sự phát triển của xã hội..

Chính vì thế, chống bất bình đẳng giới, đây không chỉ là vấn đề của từng gia đình mà còn cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, tất cả vì mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từ đó góp phần xây dựng sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thương Nguyễn


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện