Bài 2: Càng lên cao mà "ngã ngựa" thì càng thiệt thòi cho Đảng
(Tổ Quốc) - Công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá là then chốt của then chốt, liên quan đến sự sống còn của Đảng. Vấn đề này tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp bàn tại Hội nghị lần thứ 12. Phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung nội dung này.
PV: Tại Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương Đảng khóa XII ngày 11/5, trong bài phát biểu của mình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới cần có phẩm chất đạo đức, trong sáng và không tham nhũng, cơ hội. Quan điểm của ông về phát biểu này của Tổng Bí thư?
Ông Nguyễn Viết Chức: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi mở rất nhiều suy nghĩ. Nếu bây giờ chúng ta mới nhắc đến đạo đức có phải là muộn không. Tôi cho rằng không muộn, lúc nào cũng có thể nhắc về vấn đề này.
Bác Hồ dạy rồi, “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Có tài mà không có đức là rất nguy hiểm vì đôi khi bản thân người đó vận dụng cái tài của mình để làm những việc vô đức, đức suy cho cùng của người cách mạng là vì nhân dân, vì Tổ quốc chứ không có gì cao xa cả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, đấy là đạo đức. Vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đạo đức là đúng. Nhiều người có lý luận đôi khi lầm tưởng đó là đức trị, không phải, pháp trị cũng phải có đức. Bởi suy cho cùng, pháp luật cần có cho sự phát triển, cần có cho đất nước, nhân dân, tất cả những điều đó để nói lên, mỗi một con người cần phải có đạo đức.
Clip: Ông Nguyễn Viết Chức: "Không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, đấy là đạo đức"
Về vấn đề tham nhũng, cơ hội, tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ Đảng viên, thực ra không ai muốn nói cả nhưng vẫn phải nhắc đi nhắc lại bởi dù đã nói rất nhiều lần nhưng vẫn còn có nhiều người mắc khuyết điểm.
Dù chúng ta đã có hẳn Luật phòng, chống tham nhũng; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thế nhưng cũng có không ít trường hợp cán bộ bị kỷ luật, lao lý vì tham nhũng. Lần này, tôi cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh để không xảy ra những việc đáng tiếc như trước.
Kỷ luật một đồng chí cán bộ tức là mình mất một đồng chí, đồng chí cán bộ càng ở vị trí cao lại càng tiếc. Bên cạnh với tội lỗi mà họ gây ra thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận, các đồng chí đó cũng từng có thời gian cống hiến, công lao nhất định vì không phải đùng cái họ vào được Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị được đâu. Tôi cho rằng, càng lên cao mà “ngã ngựa” thì càng thiệt thòi cho Đảng, cho nhân dân chứ không chỉ thiệt thòi cho mỗi đồng chí đó. Cho nên, chúng ta phải vô cùng cảnh giác, cẩn trọng để nhận diện những cán bộ có biểu hiện này.
Ông Nguyễn Viết Chức: "Kỷ luật một đồng chí cán bộ tức là mình mất một đồng chí, đồng chí cán bộ càng ở vị trí cao lại càng tiếc"
PV: Cũng trong Hội nghị ngày 11/5, Tổng Bí thư có nói đến vấn đề về kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, theo ông, biểu hiện của những cán bộ chạy chức, chạy quyền là gì?
Ông Nguyễn Viết Chức: Thực ra biểu hiện đó vô cùng tinh vi, muôn hình vạn trạng chứ không phải gọi hết ra được. Trong Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền cũng chỉ rõ rồi, những biểu hiện đó thể hiện qua nịnh trên nạt dưới, chạy vạy, tìm mọi cách để biếu xén.
Ví dụ, mỗi dịp tết, chúng ta vẫn thường cấm việc đi quà tết lãnh đạo. Tuy nhiên, đối với những người có biểu hiện này sẽ tranh thủ sang dịp khác như cưới, tang, con sếp sinh nhật, đi học để tìm mọi cách hối lộ, đút lót.
Tựu chung lại, những cán bộ kiểu như vậy thường không tu dưỡng bản thân, phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp chung của Đảng mà chỉ phấn đấu đến chức quyền, tìm mọi cách để luồn lách. Cái này cũng phải phân tích từ hai phía, chúng ta đã có quy định về nêu gương, nêu gương từ đồng chí cao nhất, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến tất cả các Đảng viên.
Thử hỏi, nếu như cấp trên nêu gương thì cấp dưới lấy gì mà chạy. Cho nên hai cái đó phải đi kèm với nhau, cấp trên phải gương mẫu, dứt khoát từ chối, có trách nhiệm bồi dưỡng cấp dưới, nếu thấy cấp dưới như vậy thì phải nhắc nhở. Khi giáo dục như thế thì cán bộ đó sẽ thấm thía, người có hành vi như vậy thì sẽ phải suy nghĩ, nếu như tiền thật bằng mồ hôi nước mắt thì lấy đâu ra để biếu xén.
Khi hiểu được ra đó là những điều không được làm thì chính cán bộ đó sẽ quay đầu là bờ, đi vào con đường chính đạo để cùng xây dựng Đảng hùng mạnh, dân giàu nước mạnh. Chứ không phải đất nước chỉ mỗi một mình mình giàu còn dân thì khổ ải, như vậy sẽ không đúng bản chất của một Đảng của dân, do dân và vì dân.
ông Nguyễn Viết Chức
PV: Ông nghĩ gì khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng câu “đừng nhìn gà hóa quốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín” trong lựa chọn cán bộ?
Ông Nguyễn Viết Chức: Câu đó chính là tri thức của dân gian, là lời răn dạy của nhân dân, của ngàn đời qua. Thế nào là đỏ chứ không phải chín, có nghĩa là giả vờ giả vịt, che đậy, tưởng là hăng hái, năng lực nhưng hóa ra lại che đậy bên trong tồi tệ, thật ra chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài thế thôi.
Cái này có một ý nữa, đó người làm công tác cán bộ, có khi họ nhìn rõ đâu là con gà, con cuốc rồi nhưng cố tình nhầm lẫn, cuốc đấy nhưng cứ cho là gà, gà đấy mà cứ cho là cuốc, nguyên nhân là có lợi ích nhóm, vì muốn kéo bè kéo cánh, thậm chí ăn hối lộ chạy chức chạy quyền rồi. Tổng Bí thư nói rất rõ đó là việc lựa chọn cán bộ phải gắn liền với trách nhiệm cá nhân, tổ chức giới thiệu với người giới thiệu, anh giới thiệu ai thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không chịu trách nhiệm thì quá nguy hiểm.
PV: Trong bài viết của mình trước đó về công tác cán bộ, Tổng Bí thư có nói rằng, không để lọt vào Trung ương Đảng khóa 13 những người có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, theo ông, để phát hiện ra những cán bộ này cần phát huy vai trò của những lực lượng nào vì trên thực tế, điều này không hề dễ phát hiện, thường thì chỉ khi nào bị truy tố hay báo chí phản ánh thì mới lộ ra những tài sản bất minh?
Ông Nguyễn Viết Chức: Phát hiện ra những cán bộ này tưởng dễ hóa ra không dễ. Trong quá trình công tác của mình, tôi từng chứng kiến, có những cán bộ từ đầu biểu hiện rất tốt, phấn đấu tốt nhưng cuối cùng không ngờ là có khuyết điểm, rõ ràng là khó chứ không dễ, đặc biệt là những người cố tình tham nhũng, vơ vét, thu vén cá nhân, những người này có rất nhiều thủ đoạn, càng ngày càng tinh vi rất khó phát hiện ra.
Phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức
Thế nhưng, ở đây tôi cũng phải nhấn mạnh, chống không chọn những người giàu nhanh, giàu nhanh bất minh, kỳ lạ chứ không phải là người làm giàu chính đáng. Ví dụ như, hôm qua vừa như thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn lên chức thì con cái, bản thân gia đình sống xa hoa, có những hình thức hưởng thụ kỳ lạ. Những tài sản này không thể chứng minh được và cũng không cần phải chứng minh, ai cũng hiểu rõ rồi, lấy đâu ra một khối tài sản lớn trong thời gian ngắn như vậy mà không tham ô, tham nhũng. Có người nói giàu nhờ buôn chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm…người dân không tin đâu bởi vì người ta làm mãi những việc đó rồi có thấy giàu đâu. Chính vì vậy, chống ở đây là chống những người giàu bất minh chứ trong chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích người làm giàu chính đáng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tôi cho rằng, báo chí thời gian qua đã góp công không nhỏ trong việc này. Qua phản ánh của nhân dân, tiếng nói của báo chí thì cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay. Cùng đó là phải phát huy tai mắt của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, phải thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không có chuyện “tắm từ vai tắm xuống”. Bác Hồ cũng từng nói rồi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, do đó, tai mắt nhân dân trong việc này là rất quan trọng.
Phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức
PV: Nhìn vào những bài học đau xót từ việc hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật cảnh cáo, thậm chí là xử lý hình sự trong nhiệm kỳ vừa qua, theo ông những nhân sự sắp được tiến cử vào Trung ương khóa tới cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm gì?
Ông Nguyễn Viết Chức: Bản thân tôi nghĩ rằng, đầu tiên phải nói về câu chuyện đau xót, hơn 90 cán bộ cấp Trung ương quản lý. Đảng mất quá nhiều công sức để đào tạo được số lượng cán bộ này, một cán bộ phải đào tạo qua nhiều môi trường, thời gian.
Đối với cán bộ, Đảng viên, chắc chắn không ai nghĩ trước được rằng mình có thể được sắp xếp vào vị trí này, vị trí kia, vậy thì phải lấy tu dưỡng làm đầu, con người phải tu dưỡng. Phải tu dưỡng thường xuyên thì mới được kính trọng, ngày trước tốt thì ngày sau phải tốt hơn. Nếu lên cao lại bỏ bê không tu dưỡng là không được.
Ngược lại, các tổ chức Đảng cũng phải tạo điều kiện để cán bộ đó tu dưỡng chứ không khoán trắng. Người nọ bồi dưỡng người kia, lãnh đạo bồi dưỡng nhân viên, nhân viên xây dựng cho lãnh đạo. Mỗi một cá nhân phải hiểu rằng, bản thân mình mắc khuyết điểm thì làm cho cả tập thể mắc khuyết điểm. Mỗi tập thể, đồng chí, đồng đội kia phải nghĩ rằng, đồng chí kia có khuyết điểm thì bản thân mình cũng có khuyết điểm. Trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đã có rất nhiều tập thể Ban Thường vụ Đảng bị xử lý kỷ luật rồi. Cho nên, việc xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh là trách nhiệm rất lớn. Nếu không trong sạch vững mạnh thì không đảm đang được nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Cho nên, mỗi một cán bộ nói thì phải làm, làm phải có kết quả. Nhưng làm thì phải làm thường xuyên, tránh tình trạng trước đại hội thì làm, sau đại hội thì bỏ bê.
PV6 ông Nguyễn Viết Chức
Còn một ý khác mà tôi muốn nói đó là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Phải thẳng thắn thừa nhận là pháp luật chúng ta có nhiều lỗ hổng, lỗ hổng này như cái bẫy. Chính vì vậy phải rà soát quy định xem lỗ hổng đó ở đâu, đặc biệt là trong vấn đề tài sản công, đất đai để không ai có thể lợi dụng được. Thậm chí có tạo ra một nhóm lợi ích để làm đúng quy trình cũng không thể đúng được.
Con người ta do giáo dục mà nên, nếu không giáo dục cán bộ, Đảng viên thì cái xấu nó sẽ trỗi dậy, khi cái xấu trỗi dậy lại đặt cạnh những điều kiện dễ dàng tham nhũng như thế, đất công tài sản công mà chỉ cần có tí chức, tí quyền là bán được, tham nhũng được thì thử hỏi làm sao mà không nhiều cán bộ tham nhũng. Nếu không sửa cái này thì vô tình chúng ta đã đặt một cái bẫy để biến những cán bộ tốt thành cán bộ xấu chỉ trong một phút giây không kiềm chế được bản năng. Những thứ đó như bùa mê khiến người ta quên đi danh dự, đạo đức, phẩm chất, chức trách nhiệm vụ của mình.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
>> Kỳ sau: Lựa chọn nhân sự Đại hội 13: "Ai đề xuất người kém thì phải quy trách nhiệm công khai, phải giáng chức..."