Chẳng cần là Warren Buffett cũng biết: Đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước, người thức thời là người biết đầu tư

Ngọc Hà | 01-06-2020 - 17:50 PM

(Tổ Quốc) - Tiết kiệm là lời khuyên mà bạn thường thấy nhất từ các chuyên gia tài chính, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng trong mọi hoàn cảnh.

Tôi đã làm việc trong ngành ngân hàng trong phần lớn sự nghiệp của mình. Là nhân viên ngân hàng, có một sự thật mà tôi không thích phải thừa nhận: Chúng tôi từng cười sau lưng những người đi gửi tiết kiệm.

Không phải là chúng tôi nghĩ mình thông minh hơn người ta, nhưng đây chính là ví dụ hoàn hảo cho thấy chúng ta rất kém trong chuyện tiền nong.

Chúng ta được dạy những thông tin sai lệch về tiền bạc, rồi bước chân vào thế giới người lớn và làm việc cật lực để kiếm từng đồng một.

Nếu cứ mải mê kiếm tiền mà không hiểu bản chất của nó, bạn sẽ gặp phải những rắc rối bất ngờ. Đã tới lúc bạn cần loại bỏ tư duy “tiết kiệm là tốt”.

Vấn đề không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền

Nếu không hiểu bản chất của đồng tiền, bạn có làm ra bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng mất hết. Ngay cả người nổi tiếng như Mike Tyson kiếm được nhiều tiền như vậy song vẫn rơi vào cảnh trắng tay.

Những người trúng xổ số thường dễ mất sạch cả triệu USD chỉ sau 3-5 năm so với người bình thường. Tôi biết vài anh chàng có thu nhập 500.000 USD/năm, nhưng khi khủng hoảng xảy ra, tiền của họ đều “bay nhanh theo gió”.

Bạn có thể kiếm được nhiều tiền qua Internet bằng cách sáng tạo nội dung, lập trang web, làm podcast, quảng cáo sản phẩm của người khác, viết ebook… và vô vàn công việc khác.

Kiếm tiền chính là phần dễ hiểu nhất.

Vấn đề không phải là bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền

Nếu bạn chọn con đường đơn giản - kiếm tiền rồi tiết kiệm tiền, cuộc sống của bạn sẽ khó mà khá lên. Hình ảnh sau đấy sẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy thói quen tiết kiệm sẽ hủy hoại tài chính của bạn ra sao.

Cứ mỗi phút bạn tiết kiệm là một phút lạm phát “gặm nhấm” số tiền bạn làm ra, cũng như công sức bạn bỏ ra để kiếm tiền. Làm việc chăm chỉ để làm gì khi mà tiền cứ ngày càng mất giá? Điều này chẳng có nghĩa lý gì cả.

Chẳng cần là Warren Buffett cũng biết giờ không phải là lúc để tiết kiệm: Đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước, người thức thời là người biết đầu tư - Ảnh 1.

Phải làm sao để tiền sinh lời

Có một giải pháp toàn vẹn mà bạn không cần phải là Warren Buffett mới nghĩ ra: Bạn kiếm được bao nhiêu không quan trọng, vấn đề nằm ở chỗ bạn dám đầu tư bao nhiêu tiền.

Đầu tư là cách đơn giản nhất để bạn dùng tiền sinh lời cho mình.

Tiền bạn làm ra cần phải được đầu tư. Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau để bạn lựa chọn: vàng, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, tiền ảo. Đó là nơi bạn cần phải đặt tiền vào nếu không muốn lạm phát cướp đi tất cả.

Bạn sẽ vẫn trắng tay nếu không làm thêm bước này

Đầu tư thôi thì chưa đủ, bởi bạn cần phải hiểu thêm một khái niệm nữa: đa dạng hóa. (Các chuyên gia tài chính sẽ thu của bạn 1.000 USD/h chỉ để giải thích khái niệm này với một cái tên gọi “hàn lâm” hơn là phân bổ tài sản.)

Bước khó hiểu nhất đối với bạn là nên bỏ bao nhiêu tiền vào từng nhóm tài sản. Các quỹ phòng hộ đầu tư hàng tỷ USD đã phải mất hàng thập kỷ để lĩnh hội kỹ năng này và đó là bí quyết của họ.

Mỗi người sẽ có một giải pháp khác nhau. Số tiền đầu tư sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính và tuổi tác của bạn.

Nếu đang khánh kiệt và nợ tín dụng rất nhiều tiền, bạn nên tập trung trả nợ trước khi nghĩ tới chuyện đầu tư. Nếu không nợ nần gì nhưng chưa có tới 10.000 USD, bạn nên cẩn thận phòng trường hợp khẩn cấp. Nếu có hơn 100.000 USD, bạn nên mạnh dạn hơn một chút với việc đầu tư.

Nếu bạn thuộc thế hệ millennials, bạn nên “liều lĩnh” hơn khi đầu tư vào chứng khoán, bởi bạn còn nhiều thời gian để phục hồi sau suy thoái.

Cách duy nhất để bạn đảm bảo tài chính là biết đầu tư tiền vào đâu, với bao nhiêu tiền. Bạn phải học hỏi, tìm hiểu kỹ về tiền bạc để có thể xác định nên dành bao nhiêu % tiền vào từng lĩnh vực. Chẳng hạn: vàng (5%), bất động sản (30%), tiền ảo (5%), trái phiếu (20%), chứng khoán (40%).

Chẳng cần là Warren Buffett cũng biết giờ không phải là lúc để tiết kiệm: Đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước, người thức thời là người biết đầu tư - Ảnh 2.

Để ý tình hình thị trường

Vấn đề cuối cùng mà bạn phải xem xét, đó là khi nào thì đầu tư. Nói cách khác, bạn cần xác định xem thị trường lúc này đang tăng trưởng nhanh, tăng trưởng chậm hay đang suy thoái, bởi nó sẽ quyết định loại tài sản mà bạn mua.

Khi tôi viết những dòng này, kinh tế thế giới đang suy thoái: giá dầu âm, tiền được in thêm với số lượng lớn, tỷ lệ lạm phát tăng, trái phiếu lợi suất âm. Do đó, bạn sẽ muốn mua thêm cổ phiếu vì nó đang rẻ. Bạn sẽ muốn giảm bớt số trái phiếu trong tay vì nó không giúp bạn kiếm thêm gì cả. Bạn sẽ muốn tìm hiểu về những loại tài sản không bị ảnh hưởng bởi lạm phát để đề phòng những lúc bất trắc.

***

Tiết kiệm tiền sẽ hủy hoại cuộc đời bạn; thói quen này sẽ khiến bạn phải nhìn từng đồng tiền của mình giảm dần giá trị theo thời gian vì lạm phát. Kiếm bao nhiêu tiền cũng chỉ là vô ích nếu bạn không giữ lại được đồng nào và tiêu xài hoang phí như thể hôm nào cũng là Giáng sinh. Vì thế, bạn nên đầu tư để tiền có thể sinh lời, thay vì chỉ là những tờ giấy bạc không hơn không kém. Nếu chẳng may suy thoái, bất ổn có xảy ra, bạn cũng vẫn còn một phương thức để bảo vệ mình.

Thay vì tiết kiệm, kiếm tiền để đầu tư mới là cách để bạn bớt stress, làm những điều mình yêu thích và giúp đỡ mọi người.

Bài chia sẻ của Tim Denning - blogger người Úc, chuyên viết bài cho CNBC và Business Insider.

(Theo Medium)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM