Châu Á: Thời Covid-19, nhân viên công sở chán làm việc từ xa vì diện tích nhà ở quá chật hẹp

(Tổ Quốc) - Ở Hồng Kông, nhiều nhân viên văn phòng sống trong những không gian chật hẹp, khiến cho việc thu xếp một môi trường làm việc ở nhà trở nên khó khăn hơn. Nhìn chung, châu Á nhiều khả năng sẽ suy nghĩ lại về các công sở thay vì hoàn toàn loại bỏ chúng.

Nếu cho rằng giai đoạn này là một khoảng thời gian thử thách cho các thị trường văn phòng của châu Á thì sẽ là một sự nói giảm nói tránh. Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Tập đoàn bất động sản CBRE lưu ý rằng tỷ lệ lấp đầy diện tích văn phòng trong toàn khu vực quý 2 đã giảm 45% so với quý trước, khiến hoạt động cho thuê văn phòng trong nửa đầu năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Mức độ trầm trọng của cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nhu cầu thị trường. Trong quý vừa qua, giá thuê văn phòng tăng theo quý chỉ có ở 02 trong số 31 thị trường châu Á – Thái Bình Dương do Công ty bất động sản Cushman & Wakefield (C&W) theo dõi.

Theo số liệu của C&W, hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ tại Trung Quốc đã giúp thúc đẩy tỷ lệ hấp thụ thuần tại các thành phố cấp 1 đạt giá trị dương trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích trống tại Bắc Kinh và Thượng Hải đạt khoảng 20%, làm tăng tỷ lệ diện tích trống trung bình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lên mức gần 15,5%.

Mark Lampard, giám đốc đại diện bên cho thuê của C&W tại thị trường châu Á, đã nhận định rằng: "Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nghiêm trọng lên kết quả hoạt động của các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua những biểu hiện của thị trường bất động sản khi nhiều công ty đang tìm cách kiểm soát chi phí".

Nhưng việc kiểm soát chi phí chỉ là một trong nhiều thách thức mà những người thuê nhà phải đối mặt khi đại dịch tạo ra một sự gián đoạn với quy mô chưa từng có trong ngành bất động sản. Trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, trải nghiệm làm việc tại nhà hàng loạt và sự bấp bênh của việc mở lại các văn phòng trong khi mầm bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan buộc các công ty phải đưa ra những quyết định tổ chức và chiến lược một cách khó khăn có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của họ.

Mật độ cao tại các công sở – phần không gian trên mỗi mét vuông trên mỗi máy tính – ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm tăng thêm các thách thức của việc thích ứng với một thế giới giãn cách xã hội. Theo số liệu của CBRE, không gian công sở chiếm khoảng 7,4m2/bàn làm việc, và ở một số nơi con số này chỉ đạt khoảng 4,6 m2. Khi so với mật độ 9,3 – 13,9m2 tại châu Âu và Hoa Kỳ, điều này cho thấy đã đến lúc châu Á phải làm giảm sự chật chội tại các công sở.

Tuy nhiên, các chiến lược tài sản của các công ty đã trở thành một hành động cân đong đo đếm liên quan đến sự đánh đổi khó khăn giữa các yếu tố tài chính, bất động sản, nhân lực, và công nghệ. Những người thuê nhà không chỉ phải nhanh chóng đưa ra những sự lựa chọn khó khăn, mà họ còn buộc phải suy tính lại những giả định lâu nay về cách thức triển khai công việc và vai trò của các văn phòng trong thế giới hậu đại dịch.

Thay đổi quy mô các danh mục bất động sản và đánh giá lại những địa điểm phù hợp để đặt văn phòng là những vấn đề đặc biệt quan trọng cần phải cân nhắc tại châu Á – nơi có chi phí thuê văn phòng rất cao tại các thành phố cửa ngõ. Theo dữ liệu của Công ty bất động sản JLL, vào cuối năm ngoái, chỉ riêng Hồng Kông, Bắc Kinh và Tokyo đã nắm tới 6 quận văn phòng trên 10 thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc thích ứng với những sự thu xếp nơi làm việc linh hoạt hơn, cụ thể là làm việc tại nhà, lại gặp khó khăn hơn tại châu Á do diện tích nhỏ của các ngôi nhà. Nhiều ngôi nhà còn là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người lớn trong một gia đình. Tại Hồng Kông, thị trường văn phòng đắt nhất thế giới, nhiều chuyên gia trẻ tuổi còn sống trong những căn hộ siêu nhỏ chỉ có hơn 12m2. Điều này khiến nhiều người lao động châu Á cảm thấy khó khăn hơn trong việc thu xếp một môi trường làm việc thoải mái tại nhà.

Ngay cả những biện pháp cắt giảm chi phí cũng gặp trở ngại. Sự nghiêm trọng và bất ổn liên quan đến thời gian đại dịch kéo dài đã khiến nhiều người thuê nhà không muốn cam kết lâu dài với những khoản chi vốn lớn.

Đại dịch Coronavirus đã làm thay đổi hành vi con người trên toàn cầu như thế nào?

Tại Hồng Kông, nơi mà việc đi khỏi các khu vực trung tâm đã trở thành một chiến lược phổ biến của những người thuê nhà, việc di dời đến những quận rẻ hơn đã chậm lại. Trong một báo cáo mới công bố của Savills vào tháng trước, chênh lệch về giá cho thuê giữa các quận trung tâm và xa trung tâm đã được thu hẹp lại, và còn có thể "làm giảm bớt sự hấp dẫn của việc rời khỏi các khu vực trung tâm thương mại thành phố, trong bối cảnh chi phí di dời văn phòng còn khá cao".

Mặc dù vậy, sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra cũng là một động lực cho sự thay đổi tích cực tại các thị trường văn phòng châu Á. Theo báo cáo vào tháng trước của C&W, khu vực này có một nguồn cung khổng lồ đang chuẩn bị phải đối mặt với khủng hoảng, với hơn 55,7 triệu m2 đang xây dựng vào đầu năm này, chủ yếu tại Trung Quốc và Ấn Độ. Những văn phòng mới xây xong cũng phần nào gây ra sự gia tăng về tỷ lệ trống vốn đã trầm trọng hơn do hoạt động cho thuê bị chậm lại.

CBRE đã điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung tại khu vực này trong năm nay xuống gần 20%, và dự đoán rằng áp lực giảm sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu. Theo đánh giá của Ada Choi, giám đốc nghiên cứu người thuê nhà của CBRE tại châu Á, "trong khi còn có nhiều tranh cãi về tác động [của dịch Covid-19] đối với nhu cầu thuê văn phòng, thì mọi người ít tranh luận hơn nhiều về sự sụt giảm nguồn cung".

Quan trọng hơn, châu Á đang gặp thuận lợi trong việc xây dựng lại các nơi làm việc trong bối cảnh nền kinh tế số đang thâm nhập nhanh chóng tại đây, với rất nhiều công ty và nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới đang đặt trụ sở tại khu vực này. Lampard lưu ý rằng châu Á "đang phản ứng rất nhanh với những thay đổi. Các tổ chức chấp nhận làm việc tại nhà hoặc sự linh hoạt trước đại dịch Covid-10 đã đi trước xu hướng".

Ngoài ra, những lo ngại về sự tuyệt chủng của các văn phòng – một điều bắt đầu bị thổi phồng quá mức – ít được nhắc tới hơn tại châu Á. Vào tháng trước, JLL đã công bố kết quả của một khảo sát với 1.500 người lao động từ 05 quốc gia trong khu vực. Hơn 60% người trả lời cho rằng họ nhớ việc đi đến văn phòng làm việc. Những ngôi nhà chật hẹp ở châu Á cũng góp phần làm gia tăng sự hấp dẫn của các văn phòng.

Sự kết hợp của một khu vực có nhiều nhà tiên phong tạo ra các xu hướng công nghệ toàn cầu và có những người lao động gắn bó chặt chẽ với các văn phòng sẽ giúp châu Á dễ dàng hơn trong việc áp dụng một mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng – mô hình mà khu vực này đang theo đuổi một cách rõ ràng.

Thư Thư

Tin mới