Chuyện về nhà kinh tế tìm ra thuật toán để chắc chắn ăn xổ số: 14 lần trúng độc đắc, làm thay đổi toàn bộ hệ thống tính xổ số tại Úc và Mỹ

J.D | 15-08-2020 - 00:02 AM

(Tổ Quốc) - Việc tồn tại một người chơi "lỗi game" như ông đã khiến hệ thống xổ số của Úc phải thay đổi, để không ai lợi dụng nó được nữa.

Cuối thập niên 1960, Stefan Mandel có một cuộc sống rất chật vật. Là một nhà kinh tế học tài giỏi tại Romania, ông có thể kiếm ra tiền, nhưng vấn đề nằm ở chỗ số tiền ấy lại phải chia sẻ một cách không công bằng cho nhiều người khác nữa.

Vậy là để thoát khỏi đói nghèo, ông nảy ra một ý tưởng thiên tài: tìm cách trúng xổ số.

Chuyện về nhà kinh tế tìm ra thuật toán để chắc chắn ăn xổ số: 14 lần trúng độc đắc, làm thay đổi toàn bộ hệ thống tính xổ số tại Úc và Mỹ - Ảnh 1.

Thay đổi cả hệ thống xổ số nước Úc

Tại Mỹ trong tuần qua, giải độc đắc Powerball có trị giá lên tới 768 triệu USD (hơn 17 nghìn tỉ đồng) - lớn thứ 3 lịch sử quốc gia. Với một người chơi thông thường khi mua xổ số, hẳn bạn sẽ hướng đến giải nhất. Nhưng tại Wisconsin, chỉ có đúng một vé trúng giải tuần qua, nghĩa là có đến hàng chục triệu người phải đau khổ tiếc nuối.

Mandel thì khác! Ông có một cách chắc chắn hơn, dễ dàng hơn để thu lợi từ trò chơi này. Đó là một thuật toán do chính ông tìm ra.

Mandel đã tính được rằng nếu ông mua các vé trong một bộ số nhất định, nó đủ để đảm bảo ông sẽ trúng ít nhất là giải nhì. Ông thuyết phục thành công 2 người bạn - chính là các "nhà đầu tư" đầu tiên để thực hiện kế hoạch này.

Kế hoạch khá suôn sẻ, chỉ lệch đúng một chi tiết: họ trúng độc đắc chứ không phải giải nhì!

Chuyện về nhà kinh tế tìm ra thuật toán để chắc chắn ăn xổ số: 14 lần trúng độc đắc, làm thay đổi toàn bộ hệ thống tính xổ số tại Úc và Mỹ - Ảnh 2.

"Chúng tôi đã thắng 72.783 leu (tiền tệ Romania). Con số ấy tương đương khoản tiền lương trong vòng 18 năm," - Mandel chia sẻ với tờ Planet Money năm 2016.

Với số tiền trúng giải, Mandel đã mang vợ con rời khỏi Romania để tới định cư tại Úc. Chính ở đây, ông đã từng bước hoàn thiện kế hoạch của mình. Trong một căn phòng với toàn máy in cùng một chương trình máy tính do chính mình viết, Mandel tìm ra logic của trò xổ số: bằng cách mua mọi tổ hợp số cần thiết, ông có thể đảm bảo một chiến thắng cho mình. Những gì ông cần chỉ là có đủ tiền để mua vé mà thôi.

Vậy nên, ông mời thêm một số nhà đầu tư, với lời hứa hẹn chia một phần giải thưởng. Và họ đã thành công. Họ thắng giải 1 lần, rồi 2 lần. Tổng cộng suốt thập niên 1980, Mandel thắng tới 12 giải độc đắc - theo như những gì ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn trên chương trình "How'd They Do That?" của Úc.

Và cũng chính vì tồn tại một người chơi "lỗi game" như Mandel, Úc về sau đã phải thực hiện rất nhiều sự thay đổi trong luật xổ số, khiến ông không thể tiếp tục lợi dụng thuật toán này nữa.

Vòi bạch tuộc lan tới Mỹ

Nhưng với Mandel, 13 lần thắng độc đắc là chưa đủ, nên ông tìm đến nước Mỹ - cụ thể là hệ thống xổ số ở bang Virginia. Lý do ông nhắm đến đây là vì ở thời điểm đó, giải xổ số của Virginia là có ít tổ hợp số hơn cả (ngày nay giải độc đắc của Powerball có tỷ lệ thấp hơn 1:292 triệu). Hơn nữa, tiểu bang này cho phép ông tự mua vé và in tại nhà (ở Úc) mà không cần trực tiếp tới Mỹ.

Khi đó, Mandel kết luận rằng sẽ phải mất khoảng 7,1 triệu USD để mua toàn bộ những con số cần thiết. Vậy là ông huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư, rồi chờ đợi cho quỹ giải đủ lớn để kế hoạch trở nên có lãi. Đến tháng 2/1992, thời điểm ấy đã tới. Quỹ giải lúc đó lên tới 27 triệu USD - con số khổng lồ thời bấy giờ, và Mandel phải mất 3 ngày để mua toàn bộ các tổ hợp số.

Chuyện về nhà kinh tế tìm ra thuật toán để chắc chắn ăn xổ số: 14 lần trúng độc đắc, làm thay đổi toàn bộ hệ thống tính xổ số tại Úc và Mỹ - Ảnh 3.

Để làm được chuyện này cũng không đơn giản. Ông cần đến hàng chục chiếc máy in, 30 chiếc máy tính, tốn 20 -30 tấn giấy - ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn. Sau đó, ông còn tốn thêm 60.000 USD để gửi chúng tới bang Virginia. Tại đây, một doanh nhân tên Anithalee Alex Jr. - người hợp tác cùng Mandel - đã phải lập một đội hàng chục người tới các trạm xăng và hàng tạp hóa để mua cho đủ chúng.

Mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ thì lại xuất hiện một vấn đề. Chỉ vài giờ trước khi giờ mua kết thúc, một cửa hàng từ chối bán vé cho họ. Nghĩa là, tổng cộng số vé họ mua được chỉ có khoảng 5 - 6 triệu vé. Vậy là rốt cục, một kế hoạch tỉ mỉ và chắc chắn giờ hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn.

"Chúng tôi có khoảng 5 người, lục tung các thùng vé số, dò tìm con số trúng thưởng," - Alex cho biết. "Khi tấm vé 27 triệu xuất hiện, cả bọn nhảy cẫng lên vì sướng."

Không chỉ ẵm giải độc đắc, nhóm của Mandel còn trúng thêm 1 triệu đô nữa từ các giải nhỏ hơn.

Sau chiến thắng của Mandel, cả Hội đồng An ninh Úc lẫn FBI của Mỹ đều vào cuộc điều tra, trong khi giải xổ số Virginia ngưng bán trong một khoảng thời gian. Nhưng tiếc thay, mọi thứ Mandel làm đều là hợp pháp - ít nhất là trong thời điểm đó. Ken Thorson - giám đốc công ty xổ số đã than phiền về cơ chế này: "Cần nhớ lại quan điểm của Thomas Jefferson về xổ số: Đó là cơ hội để một người bỏ ra số tiền nhỏ để ăn giải thưởng lớn hơn."

Dẫu giành thắng lợi lớn, Mandel và đội đầu tư của ông cũng không một bước lên mây được. Các nhà đầu tư lên tới 2.500 người và sau khi trừ thuế, họ nhận được 1400 USD tiền lời từ 4000 USD đầu tư. Riêng Mandel thì tự trả cho mình 1,7 triệu đô tiền phí tư vấn - vì ông là người đưa ra chiến lược này.

Sau này, hành trình cuộc đời của Mandel vẫn còn rất ấn tượng. Ông tìm cách mở một công ty xổ số riêng tại Gibraltar vào năm 1993, rồi phải ngồi tù tại Israel vì tội lừa đảo. Dẫu vậy vào năm 2016, khi tờ Planet Money tiến hành phỏng vấn, Mandel lúc đó đã sống trong một căn nhà bên bờ biển Nam Thái Bình Dương, an nhiên và tự tại.

Nguồn: Washington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM