Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Mất một chân sau tai nạn giao thông khi mới ngoài đôi mươi, khi ấy Bế Thị Băng được bác sĩ nói chỉ còn 5% tiên lượng sống. Vượt qua 3 lần đại phẫu, cô gái trẻ đã sống lại với nghị lực mạnh mẽ. Dẫu chỉ còn một chân nhưng cô vẫn luôn mong đi được nhiều hơn, đi nhanh hơn để truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật, người khó khăn bị tai nạn giao thông.

Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật

LTS: Trong cuộc sống, không ai tránh được những lần gặp khó khăn khiến bản thân cảm thấy chán nản và thất vọng. Cũng có những người không may bị số phận đẩy đến ranh giới của sự sống chết, của sự lựa chọn sống còn. Chúng ta không ai có thể biết mình sẽ gặp phải điều gì, nhưng lựa chọn đối mặt như thế nào lại là do mỗi chúng ta quyết định.

(Tổ Quốc)- Mất một chân sau tai nạn giao thông khi mới ngoài đôi mươi, khi ấy Bế Thị Băng được bác sĩ nói chỉ còn 5% tiên lượng sống. Vượt qua 3 lần đại phẫu, cô gái trẻ đã sống lại với nghị lực mạnh mẽ. Dẫu chỉ còn một chân nhưng cô vẫn luôn mong đi được nhiều hơn, đi nhanh hơn để truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật, người khó khăn bị tai nạn giao thông.

Cô gái một chân kỳ lạ

Nếu ai mới gặp Bế Thị Băng, cô gái dân tộc Tày đến từ Cao Bằng lần đầu hẳn sẽ rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi vì cô gái chỉ có một chân nhưng luôn đi giầy cao gót. Cô cũng luôn mặc váy cao trên đầu gối để "khoe" chiếc chân còn lại của mình. Cô xuất hiện ở nhiều nơi, mỗi thứ Tư hàng tuần đều đặn cùng nhóm thiện nguyện "Của để dành" đến các bệnh viện cung cấp cháo, cơm cho các bệnh nhân khó khăn. Khi thì cùng nhóm "Hát vì người bệnh" hát ở Bờ Hồ để gây quỹ cho các bệnh nhi nghèo, khuyết tật. Lúc lại múa tại các chương trình gặp gỡ người khuyết tật, nạn nhân tai nạn giao thông… Ở đâu, cô gái trẻ cũng tự tin với nụ cười tươi rói, lan tỏa năng lượng sống tích cực của mình.

Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật - Ảnh 1.

Trải qua nhiều khó khăn, cô gái trẻ Bế Thị Băng luôn nở nụ cười và truyền năng lượng sống tích cực đến những người xung quanh

Nhưng không phải ai cũng biết, để có được cuộc sống như hiện nay, Bế Thị Băng đã trải qua những tháng ngày chiến đấu với tử thần, và sau đó là nỗ lực vượt lên chính bản thân.

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2010, cô gái trẻ Bế Thị Băng chọn Thủ đô làm nơi lập thân, lập nghiệp. Năm 2012, khi ấy Băng đang là nhân viên của một phòng khám nha khoa tại Hà Nội. Một buổi tối, trên đường trở về nhà sau một ngày làm việc, Băng bị chiếc container vượt lên húc vào xe máy rồi kéo cô và chiếc xe đi 1 đoạn. Bế Thị Băng chia sẻ, đó là khoảnh khắc mà cô không bao giờ quên được. Bởi Băng lúc ấy không ngất đi vì đau đớn, cô bảo, đó là cảm giác xé da thịt, đau quá, em chỉ biết gào lên gọi "Mẹ ơi".

Gia đình khó khăn, bố mẹ phải bán con trâu duy nhất trong nhà để Băng chữa bệnh. Băng kể, khi tỉnh lại sau khi phẫu thuật, em mới biết mình tháo khớp háng, mất 1 chân. Đó là những chuỗi ngày đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. 

Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật - Ảnh 2.

Những ngày khổ luyện để có thể đứng vững trên một chân của Bế Thị Băng

Tỉnh dậy từ giường bệnh, biết mình vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật: cắt mất một chân, bị đa chấn thương; cát, sỏi trên đường chui hết vào nội tạng nên bác sĩ phải mổ phanh gắp sỏi ra trong bụng ra... da bụng được ghép từ da của chiếc chân phải đã tháo bỏ... Từ một cô gái trẻ với bao ước mơ, hoài bão ở phía trước, Băng phải gắn mình với chiếc xe lăn, ra vào bệnh viện như cơm bữa suốt 2 năm trời với ba cuộc đại phẫu.

Việc được sống đã là kỳ tích đối với Băng nhưng câu hỏi phải làm sao để tiếp tục sống càng là nỗi day dứt trong lòng cô gái trẻ. Liệu cả đời mình sẽ trở thành vô dụng, sẽ gắn đời mình trên chiếc xe lăn với những mặc cảm và niềm thương hại của mọi người? Bố mẹ đã sinh ra mình lành lặn, sao lại để bố mẹ phải khóc khi mình trở thành khuyết tật và vô dụng? Đối mặt với những cái nhìn thương cảm từ người quen, bạn bè, cô gái trẻ Bế Thị Băng lúc đó chỉ biết khóc.

Bế Thị Băng làm Đại sứ chương trình Montainai Trao yêu thương, nhận hạnh phúc

"Mỗi khi nghe được câu nói: "Khổ thân, con bé xinh xắn thế mà có mỗi một chân"; "Tiếc thật"... hay mỗi lần cảm nhận ánh mắt của bạn bè, người quen em lại càng quyết tâm mình phải làm sao để mọi người không nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm đó nữa"- Bế Thị Băng chia sẻ. 

Được sự động viên của gia đình, Băng đã vững vàng bước tiếp những bước đầu tiên trên con đường chông gai trước mắt. Mọi nỗi đau cũng qua đi, Băng đã tự động viên bản thân mình rằng, điều quan trọng là em vẫn còn được sống - đó là một hạnh phúc và ngày mai, ngày mai nữa, em vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống này. "Em tự nhủ với bản thân mình rằng, dù là người khuyết tật hay lành lặn, chúng ta có quyền bình đẳng, có quyền tự tin vào chính mình và em quyết tâm sống như một người lành lặn"- Băng kể lại.

Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật - Ảnh 4.

Ở đâu, Băng cũng luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người

Thành quả ngọt ngào từ những cay đắng

Từ nhỏ đã thích múa, đến khi mất một chân, Băng luôn nghĩ phải đứng lên bởi mình vẫn may mắn còn 1 chân. Thế là cô gái trẻ tự luyện múa. Lúc đầu, để đứng được bằng 1 chân thôi cũng đã khó khăn, chứ nói gì đến múa. Bởi vậy, Băng đã ngã đến dập mông, tím người. Nhưng cô vẫn ngày đêm tập luyện.

Sau bao ngày đêm đổ mồ hôi và nước mắt, âm thầm tập tự đứng vững trên một chân, đứng vững rồi Băng lại tập múa. Mỗi ngày, thời gian để luyện tập của Băng lại tăng lên cho đến khi thành thục. "Có công mài sắt có ngày nên kim", Băng bảo, ông trời không phụ lòng người, sau bao khổ luyện và kiên trì, cuối cùng, em đã có thể nhảy múa chỉ trên một chiếc chân.

Cùng với việc được nhận trở lại làm ở phòng khám nha khoa trước của mình, Băng tiếp tục tự tin trên con đường sống như một người lành lặn.

IMG-0949

Bế Thị Băng cùng nhóm thiện nguyện mang suất cơm yêu thương đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương

Trong đêm chung kết cuộc thi "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019" diễn ra tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, khán phòng đã lặng đi khi chứng kiến cô gái trẻ Bế Thị Băng thể hiện tiết mục múa chỉ với một chân. Màn trình diễn của cô đã nhận được những tràng pháo tay từ phía khán giả có mặt trong đêm chung kết.

Điều đặc biệt, màn múa do chính Băng sáng tạo bằng cách mix 3 chủ đề lại với nhau, đó là nhảy Tây Ban Nha, Ba Tư và Ấn Độ. Tại cuộc thi đó, Bế Thị Băng đã giành giải Nhất với ngôi vị Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết và các giải: Giải Tài năng, Giải Thí sinh được yêu thích nhất.

"Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" là cuộc thi dành cho các nữ thanh niên khuyết tật Việt Nam, với tiêu chí: vẻ đẹp của con người không chỉ nằm ở hình thể mà còn tiềm ẩn trong tâm hồn, nghị lực, trí tuệ.

Bế Thị Băng tâm sự, cô tham gia cuộc thi để thấy mình tự tin hơn và được giao lưu với những bạn bè cùng cảnh ngộ, qua đó cho cô hiểu thêm được nhiều hoàn cảnh và sự đồng cảm, hun đúc thêm quyết tâm và nghị lực sống vượt qua mọi khó khăn.

Hiện giờ, sau nhiều năm nỗ lực, Băng đã có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước. Có phòng khám nha khoa của riêng mình, có chuỗi nhà homestay tại Hà Nội. Có người chồng là giáo sư Toán học người Đức yêu thương và hiểu cô.

Ngoài việc đến với các bệnh viện giúp đỡ người khó khăn, đến các câu lạc bộ người khuyết tật để trò chuyện, truyền cảm hứng sống cho họ, Băng còn tham gia làm Đại sứ cho chương trình Montainai- Trao yêu thương, nhận hạnh phúc (do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức hằng năm) nhằm gây quỹ hỗ trợ những nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.

IMG-0950

Bế Thị Băng cùng nhóm thiện nguyện hát ở phố đi bộ Hồ Gươm gây quỹ từ thiện

Băng chia sẻ: Ngoài việc đi làm thiện nguyện, khuyến khích những người khuyết tật như bản thân mình sống tích cực hơn, em luôn muốn gửi gắm một thông điệp đến những bác tài xế trót gây tai nạn, đó là đừng bỏ chạy, hãy kịp thời cứu người mình đã gây nạn cho họ, bởi nhiều người bị tai nạn đã chết vì không được cứu giúp kịp thời.

"Nhiều người hỏi tôi có bao giờ trách và hận anh lái xe đã gây ra tai nạn cho tôi hay chưa? Tôi đã nói rằng tôi chưa bao giờ trách anh ấy, ngay cả khi anh ấy vẫn còn đang nợ tôi khoản tiền 35 triệu và sau 7 năm rồi tôi vẫn chưa một lần gọi điện để hỏi về nó. Tôi chỉ lặng im một mình với 1 chân còn đầy những tổn thương không phải về thể xác mà còn cả về mặt tinh thần nữa. Vì lúc đó nói thật tôi cũng không tha thiết gì đến tiền. Lúc đó tôi chỉ muốn 1 lần được đứng lên thoát khỏi những cảnh bông băng gạc trên cơ thể ấy. Sau tôi muốn tập đi và chỉ dám gọi cho anh đã gây ra tai nạn cho tôi để xin 1 đôi nạng gỗ. Vì tôi muốn tập đi. Hai ngày sau anh đã mang đôi nạng lên cho tôi.

Không muốn ai nhìn thấy mình tập đi. Vì tôi nghĩ rằng đó là khoảnh khắc "yếu đuối của bản thân". Tôi muốn yên tĩnh và chỉ có một mình để thực hiện những ý tưởng rằng "phải chiến đấu với bản thân". Sau 1 tuần tập, lần đứng lên được lâu nhất là 20 giây thôi, chân run cầm cập rồi khụy ngã xuống. Đôi lần ngã tự do xuống nền gạch còn ngất đi, "hạ thổ" ở sàn nhà rồi lại tỉnh... Bi thương đến thê thảm nhưng không một lời oán trách người đã làm "đau" cho cuộc sống của mình.

Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông truyền cảm hứng sống đến người nghèo, người khuyết tật - Ảnh 7.

Mỗi ngày Băng luôn lan tỏa niềm tin, tình yêu với cuộc sống

Tôi nghĩ rằng trách móc nhau sẽ giải quyết được gì? Câu chuyện buồn sẽ thêm bi thương hơn mà thôi. Thà rằng mình hãy "khoan dung". Khoan dung với người khác tâm hồn mình sẽ thoải mái hơn. Chuyện cũng đã rồi, chẳng ai mong muốn nó như thế cả. Điều tôn trọng nhất ở anh đã gây ra tai nạn giao thông cho tôi đó là "nhân cách". Chính anh ấy đã giúp tôi ngay từ cái lúc anh ấy sai. Anh đã xuống xe và khi nghe thấy lời cầu xin của tôi "anh ơi, anh cứu em với, anh đưa em vào bệnh viện rồi anh đi đâu cũng được". Tôi chỉ còn cách dùng 2 tay giữ chặt chân của anh, trong tư thế nằm sấp. Máu đang phun ra dần vì đứt động mạch đùi, đôi mắt tôi đã mờ đi không còn nhìn thấy gì nữa, giọng nói cũng nhỏ dần đi, chỉ còn nghe thấy tiếng ù của tai mình.

Anh lái xe đã vác tôi lên vai chạy đi tìm taxi thật nhanh, nhưng máu thì chảy te te xuống đất và chẳng taxi nào dám dừng xe cho tôi lên. May lúc đó có xe cảnh sát đang đi tuần, các anh đã đến để giúp gọi 1 taxi và bảo vệ hiện trường. Con người, quan trọng đó là nhân cách sống.

"Không bỏ mặc", hãy bình tĩnh khi chúng ta làm nên những điều sai và tìm ra cách để khắc phục, chạy trốn sẽ chỉ làm cho lương tâm mình tan nát và bất hạnh hơn thôi. Vì thế tôi muốn nhắn gửi một thông điệp nhỏ cho người tham gia giao thông rằng: "Hãy đối mặt với nó khi không may mắn xảy ra tai nạn, đừng chạy trốn, bởi khi bạn chạy trốn bạn đã tự biến mình thành kẻ xấu, đó là "kẻ giết người".

Bởi tôi sẽ không trách bạn khi bạn cũng đang coi trọng mạng sống của tôi"- Bế Thị Băng chia sẻ.

Trong cuộc đời, không ai biết trước mình sẽ phải đối mặt với điều gì, nếu phải trải qua những nỗi đau, sự mất mát là điều rất đáng tiếc, nhưng vượt lên nó để tích cực sống, tích cực cùng mọi người ngăn cản những nỗi đau, những mất mát tương tự, mới là điều quan trọng và nên hướng tới- đó là phương châm sống mà Bế Thị Băng đang mỗi ngày thực hiện, trên hành trình chỉ còn một chân của mình./.


Hà An
Nhân vật cung cấp
24/10/2019 00:00