Gia đình 3 thế hệ “giữ hồn riêng” cho những chiếc đầu lân truyền thống xứ Huế

Phùng Hà | 05-09-2022 - 10:30 AM

(Tổ Quốc) - Đầu Lân của Huế vốn nổi tiếng bởi sự tỉ mỉ, tinh xảo và khác biệt so với nhiều nơi khác. Vì thế mà, đầu lân ở đây được xuất đi nhiều tỉnh thành, đem niềm vui, tiếng cười cho trẻ em trong không khí tưng bừng của dịp Tết Trung thu.

Nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ xa xưa và đến hiện nay vẫn đang được duy trì tiếp nối. Đầu lân Huế có những đổi thay rõ rệt qua từng thế hệ, chi tiết được thấy rõ ràng nhất là ở màu sắc, đầu lân kiểu cung đình sẽ có 2 màu sắc là Vàng và Xanh. Màu xanh tượng trưng cho hoàng tộc, màu vàng tượng trưng cho vương triều.

Nét đẹp riêng có của những chiếc đầu lân truyền thống xứ Huế

Với sự phát triển của xã hội cùng tư duy thẩm mỹ, bây giờ những người thợ có thể sáng tạo và thêm thắt một số màu sắc khác để đầu lân thêm phần phong phú và đẹp mắt. Tuy nhiên, những nghệ nhân vẫn cân bằng giữa sự sáng tạo và nét truyền thống, cũng chính vì vậy mà đầu lân Huế mới khẳng định được chỗ đứng, vị thế trên thị trường.

Đến Huế vào những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, từ trung tâm thành phố đi dọc đường Trần Hưng Đạo và chợ Đông Ba là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chơi Trung thu. Trong đó đầu lân vẫn nổi bật hơn hết bởi sự uy dũng, oai phong.

Vào dịp này, các điểm làm đầu lân truyền thống ở Huế đều tất bật hoàn thành từng công đoạn sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Để mọi người có thể chiêm ngưỡng được những chiếc đầu lân dũng mãnh, giương cao khí thế trong đêm vui Trung thu, thì những đôi tay khéo léo của người thợ phải miệt mài ngày đêm làm việc cho kịp tiến độ.

Làm đầu lân là sự kết hợp của nhiều công đoạn, yêu cầu về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật rất cao. Mọi thứ đều được làm thủ công, nên người thợ phải phối hợp hài hòa màu sắc giữa các bộ phận để khi hoàn thiện sao cho toát lên được cái hồn của lân.

Làm đầu lân có 2 cách, một là làm bằng khuôn xi măng rồi bồi giấy lên khuôn. Hai là làm bằng khung sườn. Những "khuôn lân" được tạo hình bằng vật liệu chủ yếu là thanh tre lồ ô và mây rừng. Sau khi hoàn thành công đoạn này, đầu lân được thợ dán lên một lớp vải, lớp giấy rồi đem phơi nắng.

Sau khi đầu lân lên khuôn, người thợ sẽ dán vải đính kim tuyến lên đầu lân trước khi tiếp tục vẽ các họa tiết trang trí. Điều quan trọng nhất để hình thành một con lân đẹp là nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, hung dữ, oai vệ… đều thể hiện qua ánh mắt.

Tùy theo nhu cầu mà mỗi nơi sản xuất sẽ cho ra mẫu mã khác nhau, nhưng cơ bản người thợ sẽ làm ra khuôn đầu lân có kích cỡ nhỏ, trung bình và cỡ lớn.

Người "giữ lửa" nghề làm đầu lân phục vụ Tết trung thu

Cứ mỗi dịp Tết Trung thu, cơ sở sản xuất đầu lân Bảo Anh của anh Trương Như Rem (SN 1978) lại vào guồng để tạo ra hàng ngàn sản phẩm phân phối khắp các tỉnh thành như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi…

Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đi vào phía bên trong con hẻm nhỏ sẽ thấy được ngay những đầu lân đủ màu sắc được anh Rem treo lên để khách hàng có thể xem và lựa chọn.

Anh Trần Như Rem là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm đầu lân, bản thân anh cũng đã có kinh nghiệm 30 năm trong nghề. "Năm 12 tuổi, anh đã bắt đầu học làm lân, và người dạy cho anh những cái cơ bản đầu tiên chính là ba, đến bây giờ anh vẫn tiếp nối nghề của gia đình mình". Anh Rem chia sẻ.

Anh được cha kể lại rằng, ngày xưa rất nhiều hộ gia đình ở Huế làm đầu lân, lúc ấy chưa có hình thức kinh doanh rộng rãi như bây giờ, đa số họ làm để trẻ em được vui chơi trong đêm trăng tròn… Ban đầu, ông nội của anh Rem cũng làm lân như một nét đẹp Tết Trung thu. Tuy nhiên, như có duyên với nghề mà những chiếc đầu lân của gia đình anh lại rất được chào đón.

Từ đó ông của anh bắt đầu theo nghề, đến đời của anh thì quy mô sản xuất lớn hơn cũng nhờ sáng tạo, học hỏi và tiếp thu để phục vụ nhu cầu thị hiếu của thị trường.

Anh Rem cho biết, ngày ấy ông của anh chỉ làm đầu lân với 2 màu cơ bản là trắng và đen, làm lân là "cha truyền con nối" chứ không truyền ra bên ngoài. Nhưng hiện tại mọi thứ đã khác, ngoài việc tiếp nối truyền thống của cha ông thì còn phải làm kinh tế để có thể nuôi sống gia đình. Vì thế anh Rem không quá đặt nặng vấn đề đó, ai muốn học thì anh sẽ nhận vào dạy và đào tạo thành thợ lành nghề.

Duy nhất anh chỉ có yêu cầu với thợ đó là phải có đam mê, chăm chỉ và chịu khó.

Mỗi năm bắt đầu từ tháng 2 âm lịch là cơ sở của anh lại bắt đầu mở cửa và làm tất cả mặt hàng phục vụ cho đoàn múa lân như trang phục, mặt nạ các loại, đuôi lân, quạt và trống… nhưng đặc sắc nhất vẫn là làm đầu lân.

Đầu lân của anh Rem làm sẽ có hai kiểu cơ bản. Đầu đúc khuôn thì sẽ có đầu nhí, đầu lỡ và đầu trung (theo cách gọi của anh); Đầu khung sườn thì có loại 1m35 và 1m4.

Đối với anh Rem thì cái nghề mà cha ông để lại đã là một phần trong linh hồn, anh cũng chưa bao giờ có ý định sẽ cạnh tranh với những nơi khác, vì mỗi người sẽ có một nét vẽ mỗi dáng đầu lân khác nhau, không ai giống ai.

"Chỉ cần nhìn lướt qua là anh có thể biết được đầu lân đó có phải do mình làm ra hay không, cũng là cách làm đó nhưng phối màu và kiểu dáng của mỗi người thợ sẽ cho ra con lân khác nhau. Kinh nghiệm 30 năm trong nghề khiến anh có thể dễ dàng phân biệt".

Những ngày cận Tết Trung thu, anh và thợ phải làm liên tục suốt ngày mới có thể đảm bảo tiến độ sản xuất. Những khách sỉ từ mọi nơi đã đặt trước từ rất sớm nên đúng ngày là phải xuất đi, ngoài ra khách lẻ lâu năm thân quen cũng không thể làm họ mất lòng. Tuy đã có sự chuẩn bị nhưng cứ vào mùa là anh và thợ phải thức trắng đêm để hoàn tất công việc.

Anh Rem tâm sự, ngoài những mẫu đã làm sẵn thì nhiều khách và đoàn múa lân lớn vẫn có những yêu cầu riêng như về kiểu dáng hoặc màu sắc, lông hoặc đuôi lân cũng phải thật đặc biệt để tăng thêm phần rực rỡ, nổi bật. 

Nếu khách đặt sớm thì anh cũng dễ thở hơn vì có thời gian để làm, nhưng có khi họ thay đổi vào phút chót thì anh trở tay không kịp, khi đó họ cũng buông lời trách cứ và phàn nàn. Nhiều trường hợp khách đặt hôm nay và hẹn mai đến lấy, anh giải thích là không thể kịp nhưng rồi cũng cố gắng thức khuya hoàn thành, như vậy mới xoa dịu cũng như làm hài lòng khách.

"Khách hàng là thượng đế mà, nhiều yêu cầu rất oái ăm nhưng mình cũng phải chiều theo, không thể vì mình làm nghề lâu năm mà làm phật ý người ta, mấy khi khó quá thì cũng tìm cách giải quyết để họ vui mà mình cũng không bị mất khách".

Xưởng sản xuất đầu lân của anh Rem cũng trải qua nhiều khó khăn, đã có một thời gian anh bỏ nghề, đóng xưởng vì làm ăn thua lỗ. Nhưng rồi anh cũng trở mình và một lần nữa vực dậy nghề truyền thống của gia đình, để mỗi dịp Trung thu đến con hẻm nhỏ trong khu nhà anh lại tấp nập người ra vào.

Hiện nay, ở Huế vẫn còn khoảng chục hộ còn giữ nghề làm đầu lân. Với những người thợ, công việc này không chỉ mang đến thu nhập để mưu sinh, mà còn là sự tiếp nối truyền lửa của nhiều thế hệ. Vì thế, mỗi một chiếc đầu lân hoàn thành được ví như tác phẩm nghệ thuật mà nghệ nhân đã mang tất cả tâm tư để thổi hồn vào sản phẩm mình làm ra.