Góc khuất nghề giáo viên quản nhiệm: Trách nhiệm lắm, áp lực nhiều nhưng giàu tình cảm

Quang Vũ | 20-11-2023 - 15:37 PM

(Tổ Quốc) - "Giáo viên quản nhiệm" là chức danh đặc thù và đặc biệt mà chỉ những trường nội trú như THPT FPT mới có. Mặc dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng đây là những người thầy, người cô quan trọng luôn theo sát, hướng dẫn và chăm lo đời sống sinh hoạt, tinh thần cho học sinh ngoài giờ lên lớp.

Với đặc thù là trường cấp ba nội trú nên ngoài giáo viên chủ nhiệm, học sinh THPT FPT đặc biệt thân thiết và gắn bó với các thầy cô quản nhiệm. Giáo viên quản nhiệm là những người luôn lặng thầm đứng đằng sau chỉ bảo, hỗ trợ và giúp đỡ khi học sinh cần; là người thức đêm trực khi học sinh ốm; là người uốn nắn các em vào nếp sống chỉn chu và nghiêm túc khi ở chung với nhau trong ký túc xá. Thế nên, phải yêu nghề, yêu trường, yêu học sinh lắm mới làm được giáo viên quản nhiệm. Một trong những người cha, người mẹ thứ hai được nhiều thế hệ học sinh THPT FPT yêu quý bởi sự ấm áp và nhiệt tình là thầy Phạm Ngọc Hải.

photo-1

Thầy Phạm Ngọc Hải chụp ảnh cùng các em học sinh nội trú

"Bản thân mình đã từng học xa nhà từ năm cấp 2; 3 năm cấp 3 mình cũng là học sinh nội trú. Quãng thời gian đó cho mình hiểu được những khó khăn khi phải học xa nhà, phải cân bằng cảm xúc, điều chỉnh cái tôi cá nhân ra sao để hòa hợp với môi trường được ví như một xã hội thu nhỏ. Vì thế mình muốn đem tất cả những gì đã trải qua để dìu dắt và nâng đỡ những bạn học sinh đang và sắp trải qua hoàn cảnh của mình cách đây nhiều năm về trước. Với bản thân mình, THPT FPT là môi trường giáo dục nhưng không nặng về kiến thức sách vở, ngược lại rất trẻ trung, khoáng đạt trong phong cách sống lẫn tác phong nơi làm việc. Đó là lý do mình lựa chọn theo nghề." – Thầy Hải chia sẻ lý do trở thành giáo viên quản nhiệm tại THPT FPT.

Có hai con thôi đã thấy vất vả, chạy ngược chạy xuôi để chăm sóc và lo cho con cuộc sống tốt, lo cho con được phát triển toàn diện. Vậy mà tại THPT FPT, mối lo được nhân lên gấp nhiều lần khi những "người bố", "người mẹ" lại chăm lo cùng một lúc mấy chục con đang tuổi ẩm ương. Chính vì thế, các thầy cô giáo quản nhiệm phải là người trách nhiệm và chịu được áp lực cao.

Một trong những khó khăn của nghề quản nhiệm là thời gian làm việc đặc thù, phần lớn thời gian dành cho học sinh ở trường nên quỹ thời gian dành cho gia đình rất ít. Việc cân bằng giữa gia đình và công việc là một thách thức lớn đối với các thầy cô giáo quản nhiệm, trong đó có thầy Hải. Thầy Hải tâm sự nhiều lúc chạnh lòng vô cùng khi con trai gọi điện hỏi sao bố đi làm lâu chưa về. Trước đây, thầy Hải từng phải tạm dừng công việc quản nhiệm để ổn định lại vì không thể sắp xếp được cuộc sống cá nhân.
photo-1

Với sự chân thành và nhiệt tình, thầy Hải luôn được học sinh yêu quý

Trong quá trình công tác của mình, có một kỷ niệm với học sinh khiến thầy Hải nhớ mãi. "Ngày đầu nhập học, trong khi các bạn khác còn đang hoang mang, rơm rớm vì lần đầu xa nhà thì có duy nhất một em học sinh thái độ vô cùng bình thản nhưng đáy mắt có nét rất buồn. Vào ngày lễ Vu lan, mình tổ chức cho học sinh viết những tấm thiệp nhỏ để gửi lời cảm ơn cha mẹ thì em ấy trầm tư rất lâu, chỉ viết vỏn vẹn một dòng: "Con không chắc nhưng con vẫn cảm ơn ba mẹ. Cảm ơn mẹ đã nuôi con". Đọc những dòng thư ấy mình suy nghĩ rất nhiều và sáng hôm sau quyết định gọi cho phụ huynh để tìm hiểu. Hoá ra bố mẹ em ấy ly hôn từ khi em mới 10 tháng tuổi, ngày nhập trường mẹ bận công việc nên chỉ có anh chị họ dẫn đi. Phụ huynh đã chia sẻ với mình rất nhiều điều về gia đình, về học sinh, cả những lúc em ấy giận ba tới bật khóc… Sau cuộc nói chuyện đó giúp mình hiểu thêm về cậu học trò đặc biệt này. Kể từ đó về sau, lúc rảnh rỗi mình hay gọi em ra trò chuyện, tâm sự. Sau khoảng cách thầy trò thì mình coi em như một đứa em trong nhà và học sinh cũng coi mình như người thân thứ 2 sau mẹ cậu ấy" - thầy Hải nghẹn ngào tâm sự.

Quản nhiệm là công việc tuy vất vả, nhiều thử thách và khó khăn nhưng đổi lại, các thầy cô lại có được những tình cảm rất đặc biệt từ các "đứa con" của mình. Thầy Hải được học sinh bí mật tổ chức sinh nhật, được tặng bánh trung thu do chính tay học sinh làm, hay khóc nức nở khi nghe tin thầy Hải tạm dừng công việc… Với thầy Hải, những tình cảm chân thành đó là động lực để thầy cống hiến với nghề quản nhiệm.

photo-2

Thầy Hải và các thầy cô giáo quản nhiệm khác là những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh nội trú

Để trở thành một giáo viên quản nhiệm cần phải dung hòa được cả 3 mối quan hệ: học sinh - phụ huynh - giáo viên chủ nhiệm và đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Thầy cô quản nhiệm nghiêm khắc thì nhà trường, phụ huynh yên tâm nhưng học sinh sẽ cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Ngược lại, thầy cô quản nhiệm thoải mái quá thì học sinh dễ phá hỏng nề nếp cần có của một môi trường nội trú.

Mặc dù không trực tiếp đứng trên bục giảng để dạy chữ nhưng các giáo viên quản nhiệm như thầy Hải đóng vai trò quan trọng trên hành trình trưởng thành của học sinh. Hơn cả một người thầy, giáo viên quản nhiệm còn là người bố, người mẹ, người bạn cùng đồng hành với các em và phải yêu nghề lắm, yêu học sinh lắm thầy Hải mới gắn bó với nghề giáo viên quản nhiệm lâu như vậy.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM