Man City làm thế nào để mua Messi mà không phá vỡ luật công bằng tài chính?

(Tổ Quốc) - Man City sẵn sàng đón Lionel Messi nếu Barcelona cho phép siêu sao người Argentina ra đi. Nhưng họ sẽ làm cách nào, trong bối cảnh luật Công Bằng Tài Chính (FFP) của UEFA vẫn ngăn cấm những thương vụ khổng lồ như thế này xảy ra?

Lược dịch theo bài "How Manchester City could afford Messi without breaking FFP rules" của cây viết Sam Lee, The Athletic

Câu hỏi này rất đáng được lưu tâm, trong bối cảnh Man City hè vừa rồi đã chiêu mộ thành công 2 cầu thủ là Nathan Ake và Ferran Torres để bổ sung cho hàng phòng ngự. Vừa thoát khỏi hình phạt cấm thi đấu Champions League 2 năm, đội bóng chủ sân Etihad đương nhiên sẽ lại bị nhòm ngó. Lối đi duy nhất của họ là trả góp, theo chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire.

Trả góp là hình thức mua hàng mà ở đó người mua không cần phải trả toàn bộ số tiền trong một lần trả, mà có thể thanh toán nó theo kỳ hạn. Giả sử Barca hét giá Messi 150 triệu bảng và Man City đồng ý mua, toàn bộ số tiền sẽ được chia nhỏ thanh toán theo từng năm hợp đồng.

Nếu Messi khoác áo Man City trong vòng 5 năm, Barca sẽ nhận 30 triệu bảng/năm. Con số này rất lớn, nhưng theo Maguire, nó sẽ không gây khó khăn cho BLĐ Man City.

Man City làm thế nào để mua Messi mà không phá vỡ luật công bằng tài chính? - Ảnh 1.

Man City có cách để đưa Messi về mà không phạm luật.

“Tình hình tài chính của Man City hiện tại rất khỏe mạnh, theo góc nhìn của luật FFP”, ông Maguire chia sẻ. “Trong vòng 3 năm qua, Man City đã thu về khoảng 107 triệu bảng tiền lợi nhuận. Nếu trừ đi các khoản lỗ cho phép - khoảng 26,8 triệu bảng, Man City vẫn có thể chi tiêu thêm khá nhiều”.

Phải công nhận rằng kể từ khi bị UEFA đưa vào tầm ngắm, Man City đã lên kế hoạch chi tiêu rất thận trọng. Theo The Athletic, nửa xanh thành Manchester đã rút lui khỏi thương vụ Harry Maguire vì nhận ra rằng nếu chạy đua với MU, họ sẽ bị phạt. Chính vì quyết định khôn ngoan này mà Tòa án thể thao CAS tuyên Man City trắng án trong vụ kiện tụng hồi đầu hè 2020.

Cũng chính nhờ việc giành lại quyền tham dự Champions League mà Man City đã bỏ túi 200 triệu bảng. Số tiền này đến từ các nhà tài trợ, thu nhập trong ngày các trận đấu họ tham dự được phát sóng và tiền thưởng nếu lọt vào vòng trong.

Con số này sẽ cộng thẳng vào các khoản thu nhập, đồng nghĩa với việc hạn mức chi tiêu của Man City sẽ lại gia tăng. Tức là nếu cộng với khoản lãi 107 triệu bảng nhắc đến phía trên, Man City sẽ có trong tay 307 triệu bảng cho thương vụ Messi.

Nhưng ngay cả trong trường hợp Messi được phép ra đi tự do, mức lương của anh cũng là vấn đề Man City cần phải cân nhắc kỹ để tìm ra cách giải quyết. Theo ông Maguire, Messi nhận 100 triệu bảng/năm ở Barca. 60% trong số đó là lương thực, 40% còn lại là khoản tiền hoa hồng Messi nhận được khi Barca sử dụng hình ảnh của anh để kinh doanh.

Trong trường hợp Messi nhận mức lương tương đương ở Barca, Man City sẽ phải trả 90 triệu bảng/năm, trong vòng 5 năm (bao gồm 30 triệu bảng/năm giả định Barca đòi 150 triệu bảng cho thương vụ này cộng với lương). Nếu Barca đòi 300 triệu bảng, Man City trả 120 triệu bảng/năm, nếu 100 triệu bảng thì 80 triệu bảng/năm.

Đó là giả định, còn hiện thực Barca đòi tới 635 triệu bảng tiền chuyển nhượng. Số tiền thực thụ phải trả sẽ lên đến 187 triệu bảng/năm.

Làm cách nào để Man City xoay vòng vốn trong trường hợp này, khi mà ngoài Ake và Torres, Koulibaly cũng đang trên đường đến Etihad? Câu trả lời dựa hoàn toàn vào việc họ có muốn bán đi những ngôi sao hiện có để bù vào khoản tiêu hay không.

Sau khi chia tay David Silva, một trong những cầu thủ nhận lương cao nhất CLB, Man City đã đỡ được một khoản chi phí khổng lồ hàng năm. Họ cũng vừa bán Leroy Sane cho Bayern, nhận lại số tiền 55 triệu bảng.

Man City làm thế nào để mua Messi mà không phá vỡ luật công bằng tài chính? - Ảnh 2.

Man City có thể sẽ mất nhiều ngôi sao vì Messi.

Hiện vẫn còn rất nhiều cầu thủ không nằm trong kế hoạch của HLV Pep Guardiola cần được thanh lý, đơn cử như Nicolas Otamendi, John Stones và Eric Garcia. Nhưng dường như nếu bán tất cả các ngôi sao này, Man City vẫn khó có thể bù vào số tiền họ bỏ ra để mua Messi chứ chưa tính đến 3 cầu thủ còn lại.

Nhưng năm nay khác với các năm trước. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu và bóng đá không phải ngoại lệ, nên FFP cũng đã phải thay đổi sao cho hợp với thời cuộc. Theo ông Maguire, ngân sách của CLB giờ sẽ được tính theo 2 mùa giải chứ không phải một như trước, nghĩa là tổng thu/chi 2 mùa giải 2019-20 và 2020-21 sẽ được gộp vào nhau.

Điều này đồng nghĩa với việc Man City có thêm 12 tháng nữa để kiếm về các khoản lợi nhuận bù vào vụ Messi.

Thứ nhất, Man City sẽ lại bán thêm những ngôi sao lớn của mình. Đang có tin đồn cho rằng họ sẵn sàng để Bernardo Silva, Gabriel Jesus ra đi. 2 cầu thủ này tính sơ sơ cũng có thể giúp Man City thu về khoảng 100 triệu bảng.

Kể cả số tiền bán cầu thủ không đủ, Man City vẫn còn nhiều khoản thu cực lớn khác, đến từ chính Messi. Covid-19 ngăn cản các CLB thu tiền vé của CĐV đến sân dự khán trực tiếp trận đấu, nhưng họ vẫn có thể bán những sản phẩm của CLB.

Nếu Messi giúp Man City vô địch Premier League và Champions League, các khoản tiền thưởng sẽ lại đổ ập vào ngân sách đội bóng. Kể cả nếu không đem về các danh hiệu lớn, các trận đấu mà Man City ra sân cũng sẽ được quan tâm lớn hơn trước rất nhiều, đồng nghĩa với việc khoản lợi nhuận bản quyền hình ảnh, quyền phát sóng sẽ lại tăng.

“Các CLB ở Premier League nhận thêm 1 triệu bảng trong mỗi lần họ xuất hiện trên TV. Trong một mùa giải, một CLB sẽ nhận được 10 khoản như thế”, ông Maguire chia sẻ. “Với Messi, Man City sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu. Bản quyền giải đấu sẽ lại tăng giá mạnh. Các đài như Sky Sports, BT Sports đương nhiên muốn Messi lên sóng nhiều nhất có thể. Đó là cách họ thu được lợi nhuận”. Năm ngoái, 7 trận đấu của Man City ở Ngoại hạng Anh không được chiếu trực tiếp. Với Messi trong đội hình, chắc chắn mọi trận đấu của họ trong mùa giải năm sau sẽ được lên sóng.

Đừng quên rằng CLB bóng đá từ trước đến nay vẫn sống và phát triển nhờ doanh thu thương mại. Với Messi, giá trị của Man City được tăng lên gấp nhiều lần. Để dễ hiểu, hãy nhìn sang Juventus thời điểm sau khi họ chiêu mộ thành công Ronaldo.

3 khoản thu chính của Juve, bao gồm tiền bản quyền truyền hình, tiền từ nhà tài trợ và tiền bán các sản phẩm liên quan đến CLB đều tăng vọt trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2019, ước tính lên đến 52,4 triệu euro. Con số này nếu đem sang Premier League sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tất nhiên, để đưa ra những con số cụ thể vào thời điểm hiện tại là điều rất khó. Nhưng tất cả điều trên cho thấy Man City có thể sẽ mua được Messi mà không vi phạm luật FFP.

Điều quan trọng nhất vẫn là kết quả của cuộc kiện tụng giữa Messi và Barcelona trong khoảng thời gian sắp tới.

PHỤNG HIẾU

Tin mới