Một dự án hợp tác liên quốc tế đã giúp 10.000 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% thu nhập

10.000 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% thu nhập thông qua các hỗ trợ của dự án hợp tác công tư giữa Olam Agri Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K.

10.000 hộ sản xuất quy mô nhỏ đã ghi nhận những cải tiến vượt trội trong chất lượng lúa gạo cũng như trong hoạt động canh tác. Đây chính là một phần của Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC).

Bắt đầu triển khai năm 2018, MSVC là một sáng kiến của Olam Agri Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT). Thông qua dự án này, có đến 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam tới các thị trường lớn trên thế giới như châu Âu và Mỹ.

Các nông hộ nhỏ tham gia dự án đã ghi nhận điểm đánh giá tăng hơn 50% theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), tiêu chuẩn bền vững tự nguyện đầu tiên trên thế giới cho sản xuất lúa gạo.

Bà Nguyễn Thị Nhĩ, một nông dân sinh ra trong gia đình có nhiều thế gắn bó với đồng ruộng bày tỏ: "Khi phun xịt có kiểm soát, mình tiết kiệm được chi phí sản xuất cho gia đình là cái thứ nhất. Từ hồi theo dự án đến giờ, tôi tiết kiệm được thêm chi phí sản xuất thứ về giống, lượng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Cái thứ hai là mình bảo vệ được môi trường và sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả gia đình tôi. Lúa mình sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng lúa cũng tốt. 

Nhiều người nông dân thay đổi được tư duy và sản xuất lúa theo hướng bền vững và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng cao năng suất, tăng giá trị của hạt gạo".

Cụ thể: một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.

Một dự án hợp tác liên quốc tế đã giúp 10.000 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% thu nhập - Ảnh 1.

Ông Mohit Agarwal - Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam bên cạnh những sản phẩm gạo trong dự án MSVC.

"Dự án MSVC có được những thành công nói trên nhờ việc thực hành canh tác bền vững của người nông dân và sự hỗ trợ chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn và các cơ quan ban ngành địa phương tại bốn tỉnh dự án.

Olam Agri Việt Nam đặt cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi vô cùng tự hào vì đã góp phần cải thiện chất lượng và tính an toàn của hạt gạo được sản xuất tại Việt Nam, từ đó giúp mở ra thị trường quốc tế mới cho Việt Nam tại châu Âu và Mỹ", ông Mohit Agarwal, Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam cho hay.

Ông Paul Nicholson, Phó Chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu và sản xuất lúa gạo bền vững thuộc Olam Agri, một trong những công ty thu mua lúa gạo lớn nhất thế giới và đồng thời là thành viên đồng sáng lập Bộ tiêu chuẩn SRP, cho biết thêm: "Phát triển lúa gạo bền vững sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các hộ nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng, đồng thời cung cấp lương thực cho 97 triệu người Việt Nam.

Với mục đích chuyển đổi nền nông nghiệp vì một tương lai bền vững, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác trong và ngoài khu vực để nâng cao chất lượng lúa gạo sản xuất tại Việt Nam, đồng thời cải thiện sinh kế cho người nông dân Việt bằng cách giúp họ kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu với nhu cầu cao về gạo chất lượng tốt, an toàn và được sản xuất có trách nhiệm."

Olam Agri là công ty với bề dày hơn 33 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chất xơ nông nghiệp với quy mô toàn cầu. Olam Agri là công ty con thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Olam. Trong dự án MSVC Việt Nam, Olam Agri Việt Nam cung cấp các biện pháp hỗ trợ và kết nối hợp tác xã với nhà máy xay xát để thu mua trực tiếp lúa gạo từ nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với chuyên môn và kiến thức đã được minh chứng về khả năng canh tác lúa gạo bền vững, Olam Agri Việt Nam hiện đang bắt đầu sản xuất và đóng gói các sản phẩm lúa gạo sở hữu chứng nhận SRP từ các nông trạị đáp ứng tiêu chuẩn SRP ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Một dự án hợp tác liên quốc tế đã giúp 10.000 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% thu nhập - Ảnh 2.

Máy sạ cụm

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các bên đối tác trong việc xây dựng bộ giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, trong đó phát triển năng lực của nông dân, các tổ chức nông dân trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo, xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong cả nước", ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN & PTNT phát biểu.

Ông German Mueller, Quản lý dự án MSVC, GIZ, tiếp lời: "Trong dự án hợp tác công – tư này, Olam Agri Việt Nam và GIZ đã hợp tác với các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, hợp tác xã, nhà cung cấp, các chuyên gia đánh giá – chứng nhận và người nông dân để triển khai các hoạt động dự án.

Sự phối hợp này giúp dự án đảm bảo được sự thống nhất trong các hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Chúng tôi hi vọng rằng các nhân tố trong chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL sẽ tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng việc canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, hướng tới mục đích cung cấp gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng và tăng thêm giá trị cho việc sản xuất lúa gạo".

Với nỗ lực liên tục để thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững ở Việt Nam, Olam Agri Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc cùng Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo các hộ nông dân về kỹ thuật bảo vệ đất canh tác và khuyến khích, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ khi tham gia sản xuất nông nghiệp.

Quỳnh Như

Tin mới