Một loạt lý do khiến nước Đức có đến 92.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng tỷ lệ tử vong cực thấp, chỉ 1,4%

(Tổ Quốc) - Nước Đức có hơn 92.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp đáng kinh ngạc so với nhiều nước châu Âu láng giềng khác. Vậy lý do vì đâu?

Virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng sâu rộng đến châu Âu, trong đó Ý và Tây Ban Nha hiện là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, số ca nhiễm và tử vong tại Pháp và Anh cũng đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nước Đức dường như đang đi ngược xu hướng này. Tính đến ngày 4/4, quốc gia này có hơn 92.000 ca nhiễm nhưng với 1.295 ca tử vong, nước Đức đang có tỷ lệ tử vong ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức là khoảng 1,4% trong khi ở Ý là 12%, Tây Ban Nha, Anh và Pháp là 10% và tại Mỹ là 2,5% còn Trung Quốc là 4%. Nhiều ý kiến đánh giá Đức đang chống dịch đúng hướng so với những quốc gia khác. Vậy nhờ đâu mà Đức lại có tỷ lệ tử vong thấp đến như vậy? Sau đây là những lý do cơ bản được trang New York Times đưa ra thông qua những phân tích, thống kê của các chuyên gia tại nước này.

Độ tuổi trung bình của những người nhiễm bệnh ở Đức thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Khi dịch bệnh lây lan nhanh ở Đức, nhiều người cao tuổi đã bị nhiễm bệnh và tỷ lệ tỷ vong ở Đức cũng tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp so với các quốc gia khác. Và độ tuổi trung bình người mắc bệnh là 49, nhỏ hơn so với độ tuổi trung bình ở Pháp là 62,5 và ở Ý là 62.

f - Ảnh 1.

Nước Đức có độ tuổi trung bình người nhiễm bệnh thấp hơn so với các nước khác.

Một lý do quan trọng khác giúp tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức thấp là do nước này tiến hành xét nghiệm nhiều người hơn so với các nước châu Âu khác. Xét nghiệm càng nhiều càng phát hiện được nhiều ca nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng, giúp họ được điều trị sớm và giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Cho đến nay, nước Đức tiến hành xét nghiệm khoảng 350.000 người mỗi tuần, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Việc xét nghiệm sớm và trên diện rộng sẽ giúp các nhà chức trách làm giảm sự lây lan của virus bằng việc cách ly các trường hợp dương tính. Việc chẩn đoán sớm giúp cho người bệnh có cơ hội sống sót cao hơn.

Điểm mấu chốt để việc xét nghiệm được đảm bảo tiến hành trên diện rộng là người bệnh không phải chi trả điều này. Với một người trẻ tuổi không có bảo hiểm, khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường nếu họ không đi khám bác sĩ vì e ngại chi phí có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người hơn. Do vậy, việc xét nghiệm miễn phí sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội được chẩn đoán sớm hơn.

f - Ảnh 2.

Nước Đức tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.

Trong khi hầu hết các quốc gia chỉ tiến hành xét nghiệm với những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng nhưng ở Đức thì hoàn toàn ngược lại. Một người đàn ông Đức 22 tuổi đã được yêu cầu làm xét nghiệm sau khi anh này tham dự một sự kiện lễ hội, nơi có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 mặc dù anh này không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào.

Nam thanh niên 22 tuổi ở trên làm việc trong trường học và ngay sau đó, tất cả học sinh và nhân viên trong ngôi trường này đã được yêu cầu ở nhà, cách ly trong 2 tuần. Đồng thời có khoảng 235 người liên quan đến người này đã được xét nghiệm. Có thể nói, Đức đã rút ra được một bài học kinh nghiệm sâu sắc từ các nước đi trước đó là cần kiểm soát những nguồn có khả năng nhiễm bệnh càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, Đức có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vô cùng mạnh mẽ. Trên khắp nước Đức, các bệnh viện đã trang bị và nâng cấp các thiết bị y tế, cơ sở vật chất để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Vào tháng 1, Đức có khoảng 28.000 giường chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở. Cho đến nay, đã có 40.000 giường chăm sóc đặc biệt có sẵn ở Đức. Một số chuyên gia nhận định, các biện pháp cách ly xã hội từ sớm sẽ giúp đảm bảo tránh tình trạng quá tải các thiết bị y tế thiết yếu như máy thở.

f - Ảnh 3.

Đức có số giường bệnh chăm sóc tích cực nhiều hơn các quốc gia châu Âu khác.

Ngoài tiến hành xét nghiệm hàng loạt và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống chăm sóc sức khỏe, việc tin tưởng vào chính phủ cũng là lý do khiến tỷ lệ tử vong ở nước này được giữ ở mức thấp nhất. Thủ tướng Angela Merkel đã được người dân tin tưởng và đánh giá cao về các biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng, kịp thời và đầy quyết liệt của bà. Thủ tướng Đức đã thực hiện các biện pháp dãn cách xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của dịch.

Đức đã bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 24/3 nhằm kiềm chế dịch Covid-19. Quy định này cấm tụ tập trên 2 người, trừ khi là người thân trong gia đình bị cô lập cùng nhau. Mức phạt khi vi phạm có thể lên đến 25.000 Euro (gần 604 triệu đồng). Hiện tại, mức độ tín nhiệm của Thủ tướng Đức đã tăng vọt trong thời gian gần đây.

Nguồn: Nytimes

Cách một cây cầu nhưng cách chống Covid-19 của Thụy Điển và Đan Mạch trái ngược: Bên thì đóng kín, bên còn lại ồn ào tấp nập - Ảnh 6.

Diệp Lục

Tin mới