Nắm tay nhau, đôi bạn trẻ tìm thấy tình yêu nơi xóm chạy thận

Nhật Vũ | 07-12-2022 - 17:15 PM

(Tổ Quốc) - Họ - hai người trẻ tuổi, cùng mắc một chứng bệnh nan y, suy thận, đang ngày ngày vật lộn để sống đã cùng nhau vượt qua những buồn đau, bất hạnh để đến với hạnh phúc đích thực.

Xóm chạy thận của những người trẻ tuổi

Nhiều năm nay, người dân xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì thường gọi mấy dãy nhà cấp 4, nằm khuất lấp trong một lối đi nhỏ đầu đội 7 là "xóm chạy thận". Không chỉ bao bọc gần hai chục con người từ lâu luôn coi bệnh viện là nhà, và quen mặt bác sĩ hơn cả người thân, xóm nghèo ấy còn ghi dấu câu chuyện tình yêu đầy cảm động của hai phận người giữa lòng Hà Nội.

Trong số gần hai chục phận người ấy, Nguyễn Thị Liên là "cư dân" trẻ tuổi nhất, trớ trêu thay cả em và mẹ của mình đều mắc chứng suy thận. 6 năm gắn bó với xóm nghèo, cô gái sinh năm 1999 trở thành nguồn động lực cho người mẹ của mình cùng vượt qua bạo bệnh.

Ánh mắt xa xăm, Liên kể: "Đêm trước khi thi học kỳ I của năm học lớp 10 thì em biết mình bị bệnh. Anh biết không, mẹ em đã chạy thận từ nhiều năm trước, khi đứa em trai của em còn chưa nói rõ... Từ dạo ấy kinh tế gia đình kiệt quệ lắm, bây giờ lại đến em..."

Những ngày đó, Liên buồn mà khóc suốt! Cứ đến tối, cô lại ngồi nhìn bóng tối chầm chậm bò vào nhà rồi thương mọi người và thương mình. Tới đầu năm lớp 11 bệnh trở nặng, Liên đành nghỉ học.

"Từ lâu rồi, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình và hai đứa em dưới em đang ăn học đều đổ dồn lên vai bố! Em thương bố lắm... Bố em ở nhà ai thuê gì làm nấy. Có dạo bố lên thăm hai mẹ con, lần giở trong túi áo một hồi lâu rồi bố đưa cho em 200 nghìn, không quên dặn em và mẹ yên tâm chữa bệnh! 200 nghìn đó chắc bố em cũng phải dè sẻn tiết kiệm nhiều lắm." 

Phải lọc máu 3 lần/tuần vào chiều các ngày thứ 2, 4, 6 khiến Liên tiều tụy đi hẳn, ít người có thể nhận ra Liên đang ở cái tuổi 23. Mỗi buổi chạy thận xong, Liên lại nằm mê mệt. Mỗi lần như thế Liên lại thấy mảnh đất Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức nơi mình sinh ra hiện lên rõ mồn một trong tâm trí, lâu lắm rồi gia đình chưa có một bữa cơm sum họp.

Mấy năm gần đây ngoài thời gian ở viện, Liên học được nghề may, rồi được một xưởng nhỏ ở dưới Thường Tín cách xóm chạy thận 15km nhận vào làm. Sau khi trừ tiền xăng xe, mức lương 100 nghìn/ ngày công chẳng còn lại được bao nhiêu nhưng cũng đủ để Liên mua thức ăn cho ngày hôm đó. Với những người đã mắc chứng suy thận, một ngàn cũng quý...       

Khi tình yêu chớm nở

Khi số phận buộc mình trở thành công dân của xóm chạy thận, Liên đã gặp Lê Văn Khương, chàng trai sinh năm 1988 nhà ở Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam: "Tính anh ấy hiền và cũng khéo lắm, thế rồi chúng em yêu nhau. Mới đó mà đã 6 năm rồi", Liên nhoẻn miệng cười.  

Nhìn nụ cười của người con gái đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chúng tôi chợt hiểu, có lẽ cuộc sống tối tăm, không phương hướng sẽ mãi bám lấy hai con người trẻ tuổi nhưng gặp nhiều bất hạnh nếu như không có cái ngày thần tình yêu đã mỉm cười với họ. Số phận đã đẩy đưa hai con người đang ngày ngày vật lộn với cuộc sống đến với nhau như một sự sắp đặt.

Chàng trai tên Khương có dáng người mảnh khảnh, khuân mặt đen sạm sau 12 năm chạy thận. Khương kể lại: "Căn bệnh suy thận cũng đã đánh cắp mất gần hết tuổi trẻ của em. Em tới ở xóm chạy thận trước Liên. Là người còn khỏe mạnh nhất xóm nên có việc gì giúp được là em giúp mọi người ngay. Có lẽ những nghị lực từ một cô gái có cùng cảnh ngộ đã khiến em kiên cường hơn... Rồi cứ như thế em dành tình cảm của mình cho Liên anh ạ".

Hằng ngày chàng trai Lê Văn Khương thường ra ngoài làm thêm những việc vụn vặt ở quanh viện, ai thuê gì làm nấy, rảnh rỗi hơn anh thường đi đánh giày và lăn sơn ở những con phố lân cận.

Công việc Khương yêu thích nhất là được đi giao những hộp rau mầm. Đây là thứ thực phẩm sạch được mọi người trong xóm cùng làm để bán lấy tiền, bớt đi nỗi lo về sinh hoạt phí.

"Anh hỏi em có ước mơ không à? Ngày trước em ước mình được mạnh khỏe như mọi người, rồi tới khi gặp Liên em ước mơ hai đứa sẽ có một đám cưới đơn giản, bình thường. Thế nhưng rồi em lại sợ, bởi căn bệnh chúng em mắc phải không biết trong tương lai sẽ như thế nào! Em sợ nhỡ đâu người đi, người ở..." Khương bỏ lửng câu nói khiến không gian xóm chạy thận trầm lắng hơn.

Trong giây phút ấy, Liên đan tay mình vào bàn tay Khương và động viên rằng: "Chúng mình cứ sống hạnh phúc là được".

"Mẹ Liên cũng quý em lắm, cũng ủng hộ hai đứa góp gạo thổi cơm chung", câu nói về khát khao một gia đình nhỏ của anh Khương làm chúng tôi nhớ mãi.

Hạnh phúc tình yêu nơi xóm chạy thận

Câu chuyện về tình yêu giản dị, mộc mạc của cặp đôi Liên Khương có lẽ cũng là câu chuyện vui nhất cả cả xóm chạy thận. Ông Nguyễn Thanh Hải, người cao niên nhất tại đây cho biết: "Chúng tôi coi nhau như người nhà. Thấy hai đứa trẻ hạnh phúc thì những ưu tư về bệnh tật cũng phần nào tan biến. Và ở đây dù nhìn đâu đâu cũng thấy nỗi lo về những lần chạy thận để cầm cự sự sống, khi mà mọi thứ tưởng như đã tuyệt vọng thì con người ta vẫn biết yêu thương nhau, vẫn mơ ước và hướng tới những điều bình dị".

Cô Trương Thị Lê mẹ của Liên tâm sự: "Ở đây ai cũng mang trong mình bạo bệnh, thế nên mỗi niềm vui nhỏ đều được mọi người nâng niu, trân trọng. Xóm chạy thận tuy nhỏ, tuy nghèo nhưng cũng bác Hải, bác Hồng, chị Thúy, bà Tho... và cả tôi ai ai cũng ủng hộ tình yêu của Liên và Khương. Cũng có dạo, Liên – Khương giận nhau, mọi người biết chuyện đều cười xuề xòa, có thương có giận thì mới giống như một gia đình đúng nghĩa vậy".

Hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Liên tâm sự đêm giao thừa năm ngoái em đón Tết trong bệnh viện. Nhìn mọi người khoa ảnh sum họp bên gia đình em cũng rất buồn. Năm nay, Liên mong sẽ được cùng Khương gói những chiếc bánh chưng đón xuân cùng cư dân của xóm, được bên Khương đón Giao thừa. Với Liên đó là những điều hạnh phúc nhất.