Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam: Đã có định hướng, nhưng cần lộ trình để không gây cú sốc cho nền kinh tế

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhận định, định hướng của Chính phủ về ngành năng lượng rất rõ ràng: đảm bảo nhu cầu năng lượng của đất nước và làm cho ngành năng lượng sạch hơn. Trong tương lai, Chính phủ sẽ quyết định thời điểm, lộ trình để không gây ra cú sốc nào cho nền kinh tế đất nước.

Định hướng phát triển bền vững từ ngành năng lượng sạch

Tại phiên thảo luận của diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, định hướng của Chính phủ rất rõ ràng, đó là đảm bảo nhu cầu năng lượng của đất nước và làm cho ngành năng lượng sạch hơn. Đây cũng là tiêu chí để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách mang tính khuyến khích trực tiếp cho các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo thông qua các chính sách Feed-in Tariffs, các hợp đồng bán điện mẫu, các thỏa thuận đấu nối liên quan đến điện lưới. Tất cả những chính sách này đã tạo ra "cơn bùng nổ" về năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các nhà máy điện. Theo đó, điện mặt trời mái nhà được kỳ vọng sẽ là nguồn bổ sung đáng kể cho hệ thống điện.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các thí điểm để đấu thầu các dự án. "Điều quan trọng là cần chú ý đến tiến độ, làm thế nào để tạo ra một cơ chế đấu thầu nhanh, gọn. Bởi nếu mất quá nhiều thời gian vào việc đấu thầu, thì nhu cầu điện sẽ ngày càng cao".

Gỡ vướng cho doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo

Trong phiên thảo luận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chân Mây LNG, ông John Rockhold cũng đặt ra vấn đề, liệu cơ chế mới có cho phép các khu công nghiệp trở thành các nhà tự sản xuất điện, "tự cung tự cấp" mà không cần mua của Tập đoàn Điện lực (EVN) hay không?

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ, hiện nay Bộ Công thương đang làm và đã trình Chính phủ để tạo ra một cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Từ đó, các nhà sản xuất có thể bán lại điện cho khu công nghiệp mà cũng không cần phải trao đổi điện năng với EVN.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ được thông qua cơ chế này sớm để các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có cam kết của công ty mẹ về việc sử dụng giảm phát thải và năng lượng carbon có thể phát triển tiềm lực.

Qua đó, Thứ trưởng An cũng đặt ra câu hỏi, khi cho phép các nhà đầu tư tự chủ về năng lượng, thì thủ tục đấu nối về PPA có cần nữa không? Bởi nếu đủ năng lượng trong toàn thời gian, thì đấu nối với điện bên ngoài là không cần thiết. Song, năng lượng tái tạo vẫn có đặc điểm rằng nếu không có hệ thống lưu trữ năng lượng một cách bài bản thì sẽ có lúc không đáp ứng đủ nhu cầu.

Cụ thể, vào ban đêm, khi không có mặt trời thì sẽ không thể sản xuất được điện. Hoặc khi gió mạnh quá thì lại phải khóa tuabin, nếu gió thổi thấp quá thì tuabin lại không chạy được. Lúc ấy, các nhà sản xuất bắt buộc phải lấy năng lượng từ lưới. Do vậy, các doanh nghiệp cần xem xét và bàn bạc để đơn giản hóa quá trình này. Đồng thời, cần có các hợp đồng thương mại, hợp đồng đấu nối để những đơn vị bán điện từ bên ngoài hàng rào khu công nghiệp có kể hoạch chuẩn bị cho sản xuất.

Đối với cơ chế pháp lý, cụ thể là việc báo cáo với Cục Điều tiết Điện lực, Thứ trưởng An khẳng định, cơ chế sẽ được linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống vận hành, bởi đây là yếu tố rất quan trọng.

Phát triển năng lượng tái tạo bắt buộc phải kèm hệ thống lưu trữ năng lượng

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, một yếu tố quan trọng nữa đó là cần có những dự báo thời tiết chính sách. Bởi trong một trang trại mặt trời, chỉ cần một đám mây bay qua, có thể làm giảm đến 40% công suất phát điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có dự án về hệ thống lưu trữ năng lượng. Trong tương lai, khi năng lượng tái tạo nhiều hơn, thì hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống năng lượng.

Đối với giá năng lượng, Nghị quyết 55 của Chính phủ đã nêu rõ, phải xây dựng thị trường năng lượng liên thông, đảm bảo giá năng lượng minh bạch và do thị trường quyết định. Đối với giá điện, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng và giữa các vùng miền. Nhà nước điều tiết một cách hợp lý thông qua các công cụ của thị trường, thuế, phí, các quỹ an sinh xã hội.

Cuối cùng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An kết luận, về mặt dài hạn, trong khuôn khổ xây dựng nền kinh tế thị trường của Việt Nam, giá năng lượng (trong đó bao gồm giá điện) sẽ được thị trường hóa hoàn toàn.

"Bởi nếu bao cấp giữa loại hình năng lượng này sang loại hình năng lượng khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, giữa nhóm khách hàng này sang nhóm khách hàng khác thì sẽ không phải là 'con đường' chuẩn mực của nền kinh tế thị trường, cũng như làm méo mó hạch toán kinh tế, méo mó bức tranh kinh tế và gây ra những tín hiệu nhầm lẫn về đầu tư. Hiện nay, định hướng đã có hết, còn lại Chính phủ sẽ quyết định thời điểm, lộ trình để không gây ra cú sốc nào cho nền kinh tế".

Q.L

Tin mới