Người kể chuyện từ tâm bão...

(Tổ Quốc) - Tới thời điểm hiện tại, tâm dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã được khống chế. Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế chi viện từ TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên… đã lần lượt được rút về. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi dịch được khoanh vùng kiểm soát kịp thời. Nhịp sống dần trở lại bình thường.
Người kể chuyện từ tâm bão... - Ảnh 1.
Bài viết dưới đây là lời kể từ những nhà báo và phóng viên trực tiếp dấn thân vào Đà Nẵng trong những ngày địa phương này là tâm của cơn bão dịch Covid-19. Các anh kể lại những điều mắt thấy tai nghe từ nơi tâm dịch, từ đó cho thấy được không khí tất bật và cả sự khâm phục và tự hào đối với lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Bài viết được đăng tải lên MXH Lotus nhận nhiều chia sẻ từ cộng đồng.

Liên tục trong suốt 40 ngày (tính từ 25/7 – thời điểm ca nhiễm đầu tiên phá vỡ chuỗi 99 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng), người dân cả nước sát cánh cùng Đà Nẵng thông qua loạt tin bài nóng hổi, những bức ảnh thời sự cùng câu chuyện của những anh hùng áo trắng.

Nhận lệnh lên đường công tác trong thời khắc gay go nhất của dịch bệnh, họ - nhóm phóng viên "chiến trường" không có nhiều thời gian cân nhắc, chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo và đồ nghề tác nghiệp, họ lăn xả vào tâm bão để ghi lại một cách chân thực nhất những gì đang diễn ra ở đây.

Dù đã trải qua hơn 20 năm làm báo, nhưng trước cơn bão này, chúng tôi chỉ là “lính mới”

Nhà báo Ngô Anh Văn, Trưởng ban Xã hội - Bạn đọc, Báo Sức khỏe & Đời sống

Khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng, hàng nghìn người đã nhanh chóng rời khỏi thành phố để giữ an toàn. Ngoài đội ngũ thầy thuốc được chi viện từ mọi miền thì rất nhiều phóng viên đã lao vào tâm dịch để truyền tải thông tin đến bạn đọc. Không phải nhà báo nào cũng có cơ hội được chứng kiến những giây phút lịch sử này, là đội trưởng đội truyền thông gồm 4 thành viên: 1 phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, 2 phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, 1 chuyên viên của Vụ truyền thông & Thi đua khen thưởng, nhà báo Ngô Anh Văn - Trưởng ban Xã hội - Bạn đọc, Báo Sức khỏe & Đời sống, một cây viết y tế gạo cội chia sẻ:

Người kể chuyện từ tâm bão... - Ảnh 4.

Nhà báo Anh Văn (ngoài cùng bên phải) đang phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

"Chiều 29/7, tôi nhận được quyết định của Bộ Y tế về việc thực thi nhiệm vụ tại Đà Nẵng. Một chút bất ngờ, một chút lo lắng và nhiều háo hức khi nhận nhiệm vụ này. Là người làm báo theo mảng y tế lâu năm, tôi biết nhiệm vụ này có nhiều thử thách thế nào và cũng tuyệt vời cỡ nào.

COVID-19 đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới. Tôi sẽ lao vào tâm dịch Đà Nẵng, nơi các ca bệnh tăng lên mỗi ngày. Tôi đã nghĩ rằng gia đình mình sẽ phản đối chuyến đi này. Nhưng không, dù có chút lo cho chồng, nhưng vợ tôi bình tĩnh chuẩn bị ngay cho tôi những đồ dùng cần thiết trong sinh hoạt và tác nghiệp. Có lẽ là vợ nhà báo nên cô ấy biết sẽ có những chuyến đi đặc biệt như vậy. Ngay cả các con tôi cũng rất ủng hộ khi biết bố sẽ "lao" vào chiến tuyến, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trước ngày bố lên đường, mấy đứa con còn háo hức hơn nhiều, chúng liên tục căn dặn tôi giữ gìn sức khỏe, luôn đặt an toàn lên hàng đầu và đảm bảo phải chấp hành đúng quy định trong quá trình tác nghiệp.

Chiều 30/7, tôi cùng đoàn đặt chân xuống sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), cùng Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng. Ngay lập tức, chúng tôi tới thăm đội ngũ thầy thuốc cũng như các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Lúc này bỗng nhiên tôi thấy lo. Dù đã trải qua hơn 20 năm làm báo, từng đi công tác nhiều, nhưng chuyến đi này, nhiệm vụ này có phần khác. Chúng tôi chỉ là "lính mới" trước cơn bão này. Tôi và các đồng nghiệp của mình đều chưa có kinh nghiệm phòng dịch, phòng hộ cho bản thân… Tất cả đều phải học cẩn thận từng chút một, bởi sai một ly đi một dặm.

Trong suốt 21 ngày tác nghiệp tại TP Đà Nẵng, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp nhận ra rằng mình buộc phải bổ túc ngay kiến thức về bảo hộ nhằm giữ an toàn cho bản thân, không để bị nhiễm bệnh. Đó không chỉ là yêu cầu sống còn của từng phóng viên mà còn để phối hợp tốt, nhịp nhàng với các y bác sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, đảm bảo tác nghiệp an toàn, truyền tải nhanh, nhạy, chính xác và chân thực nhất những gì diễn ra nơi tâm dịch tới độc giả.

Trong 3 tuần công tác tại Đà Nẵng, tôi đã may mắn được theo sát Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong hầu hết các tác vụ của ông. Nơi tâm dịch, ông trở về với đúng vai trò quen thuộc của mình, là người thầy thuốc, sẵn sàng sắn tay áo lao vào công việc bất cứ lúc nào. Ở ông có sự điềm tĩnh kỳ lạ. Chính sự điềm tĩnh và tự tin của người chỉ huy đó đã tiếp thêm cho các y bác sĩ, những người bệnh và đội ngũ phóng viên chúng tôi niềm tin và động lực. Theo chân ông tôi mới thấy được những cảm xúc rất người, những nỗi buồn trong tim người thầy thuốc mỗi khi phải nhận hay công bố thông tin về các ca tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong những ngày trực chiến, sát cảnh cùng Đà Nẵng trong cuộc chiến chống COVID-19: "Nơi tâm dịch, ông trở về với đúng vai trò quen thuộc của mình, là người thầy thuốc, sẵn sàng sắn tay áo lao vào công việc bất cứ lúc nào"

Ông không nói nhưng nỗi buồn ánh lên qua ánh mắt thẫn thờ, từng cái nhìn xa xăm. Và tôi hiểu rằng, với ông hay bất cứ bác sĩ nào, giây phút bất lực nhất, đau xót nhất chính là lúc không cứu được bệnh nhân của mình.

Chúng tôi, những người làm báo, trong đại dịch lần này, may mắn được là nhân chứng, được ghi lại "sự kiện lịch sử", được nhìn thấy và hiểu thấu tấm lòng của các chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch. Tôi tin rằng không chỉ tôi, mà các phóng viên, các đồng nghiệp của tôi, đều luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Bởi, khi hàng nghìn chiến sĩ áo trắng sẵn sàng lao vào tâm dịch thì hà cớ gì phóng viên, nhà báo lại không sẵn sàng lên đường".

Cảm giác đầu tiên của tôi là sốc và run

Phóng viên Văn Nguyện, Tạp chí Điện tử Tri thức Trực tuyến

Phóng viên trẻ Văn Nguyện (sinh năm 1996) – hiện công tác tại Tạp chí Điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews.vn) thường trú tại TP.HCM cũng là một trong nhiều phóng viên được điều động vào tâm dịch Đà Nẵng lần này. Trong hơn 1 tháng tác nghiệp tại TP. Đà Nẵng, anh thường xuyên có mặt tại các bệnh viện, phòng điều trị bệnh nhân, âm thầm ghi lại câu chuyện của các thầy thuốc, của những người hộ lý, lao công và bệnh nhân.

Chia sẻ với chúng tôi, Văn Nguyện nói: "Nhận được thông báo từ lãnh đạo: "Có bạn nào từ VP TP.HCM xung phong ra Đà Nẵng tác nghiệp không?", tôi lập tức đăng ký ngay. Khi đó, bản thân tôi không nghĩ rằng mình sẽ ở lại Đà Nẵng lâu như vậy. Lúc lên đường, tôi chỉ ước chừng tác nghiệp khoảng 1 tuần rồi sẽ trở về. Vậy mà chuyến đi kéo dài cả tháng.

12h ngày 27/7, khi đang dựng tin bài ở tòa soạn, tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo thông báo phải lên đường ngay, chuyến bay sẽ khởi hành lúc 15h. Không thể chậm trễ hơn, bởi 0h ngày 28/7 Đà Nẵng sẽ thực hiện cách ly xã hội, đồng nghĩa với việc tôi sẽ không thể vào được thành phố nếu bỏ lỡ chuyến bay cuối cùng này. Tôi tức tốc chạy về phòng trọ, gom vội đồ đạc rồi bắt xe ra sân bay. Khi đã yên vị trên máy bay, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì mọi việc xảy ra quá nhanh. Lúc này tôi mới kịp nhìn lại ba lô mang theo mình, thật may là đủ rồi, quần áo chỉ cần vài ba bộ, quan trọng nhất là chiếc laptop và bộ đồ nghề chụp ảnh phục vụ tác nghiệp. Đủ cả rồi, giờ tôi đã sẵn sàng!

"Bạn có hình dung được cảnh phóng viên tay run cầm cập khi đưa chiếc máy ảnh quen thuộc lên bấm máy không? Tôi không run sợ mà run vì hồi hộp quá, tim đập nhanh quá. Run cũng bởi sợ mình bỏ lỡ những khoảnh khắc, không truyền tải được hết những áp lực, khó khăn mà cả bác sĩ và bệnh nhân ở đây đang phải đối mặt", PV Văn Nguyện

Là phóng viên Thời sự xã hội, là một người trẻ, lần đầu tiên được vào "vùng đỏ" nơi tâm dịch, ở một thành phố hoàn toàn mới, với tôi mọi thứ đều là số 0: từ nguồn tin, thông tin các bệnh viện, đường đi, chỗ ở… Thật may, tôi đã nhận được sự hỗ trợ hết mình từ các anh chị đồng nghiệp của các báo khác. Tôi đã có những trải nghiệm không thể quên được trong những năm đầu làm báo của mình.

Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên vào khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trước khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, lãnh đạo tòa soạn lo lắng gọi điện nói tôi cân nhắc thật kĩ, bởi thông tin ghi từ tâm dịch gửi về tòa soạn đúng là rất cần, nhưng vào đó đồng nghĩa với việc đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Đúng là tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong những tình huống nguy hiểm như vậy. Nhưng đã đến đây rồi, sao mình lại lùi lại? Đã có các bác sĩ ở bên cạnh chỉ dẫn từng li từng tí, có gì phải sợ hãi? Chỉ nghĩ như vậy, thế là tôi bước vào "vùng đỏ". (Khu vực điều trị những bệnh nhân nặng).

Mặc xong đồ bảo hộ, bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) dẫn tôi và một vài phóng viên khác vào khu vực điều trị cho bệnh nhân nặng. Cảm giác đầu tiên của tôi là sốc và run. Bạn có hình dung được cảnh phóng viên tay run cầm cập khi đưa chiếc máy ảnh quen thuộc lên bấm máy không? Tôi không run sợ mà run vì hồi hộp quá, tim đập nhanh quá. Run cũng bởi sợ mình bỏ lỡ những khoảnh khắc, không truyền tải được hết những áp lực, khó khăn mà cả bác sĩ và bệnh nhân ở đây đang phải đối mặt. Phải mất vài phút tôi mới trấn tĩnh và bắt đầu tác nghiệp thành thục được.

Vượt qua những hồi hộp đầu tiên, thật may tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sau Bệnh viện phổi Đà Nẵng, tôi có cơ hội vào khu điều trị ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện 199…. Những ngày tác nghiệp ở đây, đối với phóng viên trẻ như tôi, là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm báo của mình. Tôi học hỏi được nhiều điều, có nhiều trải nghiệm quý giá và yêu cái nghề mình đang làm hơn.

Dù ai cũng “lởn vởn” nỗi lo phơi nhiễm, nhưng cứ có điểm nóng thì chúng tôi lại lập tức lên đường

Phóng viên Lê Đình Dũng (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh – thường trú tại Đà Nẵng)

Dù đã quá quen thuộc với Đà Nẵng nhưng chứng kiến cả thành phố oằn mình trước sự tấn công của COVID-19, những ngày chạy xuôi chạy ngược giữa các bệnh viện cũng để lại cho PV Lê Đình Dũng những ấn tượng khó quên.

"Trong tâm dịch, sức mạnh của mỗi con người như được thôi thúc nhân lên. Cả nước hướng về tâm dịch đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi bội phần. Bên cạnh những thiên thần áo trắng, những người lính, những chiến sĩ công an… ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, nhóm phóng viên chúng tôi cũng căng mình theo sát nơi tuyến đầu.

Trong sự nghiệp làm báo của mình, tôi chưa khi nào cảm thấy áp lực và lo lắng đến vậy. Mỗi bản tin viết ra là mỗi lần trái tim run rẩy vì lo cho Đà Nẵng, lo cho Quảng Nam

Những ngày đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi ngày công bố thêm hàng chục ca nhiễm, trong sự nghiệp làm báo của mình, tôi chưa khi nào cảm thấy áp lực và lo lắng đến vậy. Mỗi bản tin viết ra là mỗi lần trái tim run rẩy vì lo cho Đà Nẵng, lo cho Quảng Nam. Tôi không thể quên những buổi sáng chạy qua 3 bệnh viện lớn ghi nhận tình hình cách ly, chứng kiến những bệnh nhân chạy thận nhân tạo được giải phóng giảm tải ra các bệnh viện khác, hay những đêm ngồi chờ lệnh phong tỏa, rồi sáng sớm ghi nhận người dân hối hả ra viện trở về nhà…

Hầu như điểm nóng nào ở thành phố, chúng tôi cũng đều có mặt từ rất sớm để nắm bắt tình hình. Số ca nhiễm ngày càng tăng, có ngày mấy chục ca. Ở tòa soạn, trong những cuộc trao đổi nội dung, lãnh đạo báo vẫn căn dặn tác nghiệp phải an toàn, tuân thủ quy trình chống dịch, hạn chế thấp nhất rủi ro. Hay ở quê nhà, mẹ tôi sau mỗi lần xem tivi lại nóng ruột gọi điện hỏi han tình hình sức khỏe của tôi… Thương mẹ lo lắng, tôi không dám kể cụ thể công việc mình đi làm, chỉ nói mình vẫn hạn chế ra chỗ đông người để mẹ yên tâm. Nhưng tôi biết anh em phóng viên nào cũng "lởn vởn" trong đầu nỗi lo phơi nhiễm. Biết là lo vậy, nhưng cứ có điểm nóng nào xuất hiện thì chúng tôi lại lập tức lên đường. Đến tận hôm Sở Thông tin & Truyền thông thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho đội ngũ phóng viên, mọi người đều có kết quả âm tính thì chúng tôi mới nhẹ lòng được phần nào.

Chúng tôi liên tục vào “vùng đỏ” đến 7-8 lần

Anh Phạm Tuấn Dũng, chuyên viên Vụ Truyền thông & Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế)

"Ngày 30/7 tôi nhận được quyết định được cử đi Đà Nẵng tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19. Không phải tất cả các báo đều cử phóng viên vào tâm dịch nên nhiệm vụ của chúng tôi là trở thành cầu truyền tin, kết nối với các bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để hỗ trợ đội ngũ phóng viên. Dù không phải là nhà báo, song chúng tôi cũng phải tác nghiệp y như phóng viên, cùng xắn tay lao vào làm tin, chụp ảnh, quay phim, dựng video để gửi ra.

Người kể chuyện từ tâm bão... - Ảnh 11.

"Chúng tôi vào "vùng đỏ" không chỉ một lần mà đến 7,8 lần. Mặc dù luôn đảm bảo đầy đủ quần áo phòng hộ nhưng nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn nếu chúng tôi sơ sẩy làm sai một bước nào đó", anh Phạm Tuấn Dũng

Để có được những hình ảnh truyền thông chân thực nhất nơi tâm dịch, chúng tôi phải vào những khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chúng tôi vào "vùng đỏ" không chỉ một lần mà đến 7,8 lần. Mặc dù luôn đảm bảo đầy đủ quần áo phòng hộ nhưng nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn nếu chúng tôi sơ sẩy làm sai một bước nào đó. Rất khó để nói hết sự cảm kích của cá nhân tôi đối với các nhà báo, phóng viên – những người đã không quản ngại nguy hiểm, dốc sức để đảm bảo việc truyền tin được nhanh chóng và chính xác nhất.

Những ngày bão lửa đã qua, dịch bệnh về cơ bản đã được khống chế. Thấy tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi ngày đều tốt lên, anh em chúng tôi ai cũng mừng.

Đại dịch lần này là thử thách rất lớn của chúng ta, nhưng vượt qua tất cả, bằng sự quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Y tế, sự quyết tâm của bác sĩ tuyến đầu chống dịch, tinh thần chiến đấu với bệnh tật của người bệnh rồi sự đồng lòng góp sức của toàn thể người Việt, tôi có một niềm tin vững chắc rằng sớm thôi chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng đại dich. Việt Nam chiến thắng!

Lotus

Tin mới