Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam

Minh Nhân | 13-01-2021 - 23:50 PM

(Tổ Quốc) - Kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, những thành tựu khoa học công nghệ đầy tự hào, "kỷ lục" về điều phối, ghép đa tạng xuyên Việt và đặc biệt ca mổ "lịch sử" tách rời Song Nhi,... là những dấu ấn đặc biệt của ngành Y tế Việt Nam trong năm 2020 đầy rẫy khó khăn và thử thách.

Kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 dù chặng đường phía trước "còn nhiều cam go"

Covid-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tại Việt Nam, đến nay có hơn 1500 ca bệnh, điều trị khỏi 1353 người, 35 ca tử vong. 

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 22/1/2020 đến ngày 22/7/2020, gồm 3 đợt.

Đợt 1 ghi nhận 16 trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên, các bệnh nhân đều có tiền sử đi lại Vũ Hán hoặc tiếp xúc với người từ Vũ Hán trở về Việt Nam. Thời gian này ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đợt 2 từ ngày 6/3/2020 đến ngày 22/4/2020, các trường hợp mắc hầu hết đều nhập cảnh từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu (bệnh nhân 17) và Mỹ, đồng thời cũng ghi nhận các ổ dịch tại cộng đồng như ổ dịch tại quán Bar Buddha (TP.HCM), Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 

Đợt 3 từ ngày 23/4/2020 đến ngày 22/7/2020, duy trì chuỗi 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trường hợp nhiễm đều là công dân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được cách ly ngay. Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang, từng bước xây dựng và thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 1.

Giai đoạn 2, từ ngày 23/7/2020 đến nay, bao gồm 2 đợt.

Đợt 4 từ ngày 23/7/2020 đến ngày 29/11/2020, tính từ trường hợp mắc số 416 phát hiện tại Đà Nẵng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan rộng, có tử vong tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng như khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo và lây lan ra cộng đồng. 

Khi đợt dịch này bùng phát, tất cả nhân viên y tế, những y bác sĩ nơi tuyến đầu bỏng rát ấy đã mất hơn một tháng không ngủ để tranh giành từng giây từng phút với tử thần, kéo các bệnh nhân nặng đang ở đà lao xuống dốc dừng lại, không xuống nữa và phục hồi dần lên. Đến khi không còn bệnh nhân tử vong nữa lúc đấy tinh thần của mọi người mới phấn chấn dần lên.

Đợt 5 từ ngày 30/11/2020 đến nay, ghi nhận 5 trường hợp trong cộng đồng và hơn 100 trường hợp nhập cảnh, tính từ trường hợp bệnh nhân số 1342 có tiền sử tiếp xúc với tiếp viên hàng không và lây cho 2 người khác tại TP.HCM. Nhờ kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng khống chế, ổ dịch tại TP.HCM đã được dập tắt ngày 1/12/2020. 

Ngày 26/12/2020, Việt Nam phát hiện bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép tại Vĩnh Long, liên tiếp sau đó ghi nhận thêm các bệnh nhân 1451, 1452, 1453 cùng nhập cảnh chui với bệnh nhân 1440. Ngày 30/12/2020, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác định mục tiêu cấp bách và trường kì trong năm 2021, ngành Y tế cố gắng đưa cuộc sống bình thường trở lại, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi Việt Nam phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam điều trị thành công 2 ca bệnh Covid-19 nặng, ranh giới sự sống - cái chết vô cùng mong manh

Các bác sĩ tuyến đầu chống dịch sẽ không thể quên được 2 bệnh nhân đặc biệt mà họ đã phải cố gắng từng giây từng phút, để "cướp" bệnh nhân khỏi tay tử thần. Đó là bác gái bệnh nhân 17 và nam phi công người Anh.

Bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, tạm trú Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội - bác gái của bệnh nhân 17, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm 6/3 khi Hà Nội ghi nhận ca bệnh dương tính Covid-19 đầu tiên.

Nhập viện, sức khoẻ bà ổn định, ăn uống bình thường, cơ thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. 10 ngày sau, trong lúc đang xem chương trình vô tuyến, bà rơi vào trạng thái hôn mê.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Lê Tuyết H.- bác gái bệnh nhân 17 đã "chiến thắng" Covid-19 để đoàn tụ với gia đình và người thân

Bệnh diễn biến nặng do có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, bệnh nhân phải thở máy. Cuối giờ chiều 15/3, bà có triệu chứng khó thở tăng lên. Đến 22h cùng ngày, biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) chuyển bà tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị. Khi tỉnh dậy, bà thấy xung quanh mình chỉ toàn máy móc và thiết bị.

1h sáng 8/4, bà H. xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim. 45 lần bóp tim, các bác sĩ bắt đầu cảm thấy bất lực, nhưng vẫn cố gắng tìm lại sự sống cho bệnh nhân. Đến lần thứ 47, nhịp tim của bà đập trở lại.

Sau 80 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, được công bố khỏi bệnh sáng 27/5. Trong buổi lễ, bà xúc động, bày tỏ niềm hạnh phúc khi được các bác sỹ cứu sống một cách ngoạn mục. "Tôi đã bình phục 70-80%, nhờ ơn các bác sỹ, y tá, điều dưỡng và tất cả mọi người đã tận tình giúp đỡ. Tôi đã được cứu sống lần thứ 2".

Nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 chính thức được công bố khỏi Covid-19 vào ngày 6/7/2020 sau hành trình 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Khi mới nhập viện, nam phi công hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường. Tuy nhiên, vài ngày sau, diễn biến bệnh trở nặng, suy hô hấp tăng dần, cần được hỗ trợ thở oxy qua mũi, mặt nạ và thở máy xâm lấn, rồi can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Bệnh nhân 91 trải qua nhiều giai đoạn nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Đỉnh điểm là khi hai phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động, các bác sĩ đã tính đến phương án ghép phổi từ người cho chết não. Gần 50 người Việt Nam đủ lứa tuổi, ngành nghề, đã gọi điện tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với mong muốn được hiến tạng, cứu sống nam phi công.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 4.

Nam phi công người Anh bắt tay tạm biệt các bác sĩ trước khi hồi hương trên máy bay anh từng cầm lái

Phân lập thành công chủng virus corona, chế tạo bộ kit chẩn đoán và thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19

Trong năm 2020, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ, là một trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gen virus; là một trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể; chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở. Đặc biệt, Việt Nam là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người.

Ngày 7/2/2020 Bộ y tế cho biết, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona trong phòng thí nghiệm. Quá trình nghiên cứu, phân lập chủng virus này được các nhà khoa học Việt Nam thực hiện trong 72 giờ. Dưới kính hiển vi, con virus này có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện hoặc giống như vành nhật hoa đã được mô tả trong y văn.

Bộ Y tế nhận định việc nuôi cấy thành công virus corona đã tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. 

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 5.

Cán bộ nghiên cứu virus SARS-CoV-2 tại Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Ngày 5/3/2020, Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, do Học viện Quân y chủ trì phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện. Vào thời điểm đó, Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Về vaccine phòng Covid-19, hiện nay Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất gồm: Công ty VABIOTECH; Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).

Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện); hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.

Nhà sản xuất thứ 2 chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), dự kiến cuối tháng 1/2021, ngày 21-22.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 6.

Ứng viên vaccine phòng Covid-19 thứ 2 của Việt Nam là Covivac chuẩn bị được tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người

Kỷ lục điều phối, ghép tạng xuyên Việt 

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trong năm 2020 đã phối hợp với các bệnh viện lớn trên khắp cả nước lần lượt cứu sống những bệnh nhân nặng ngày đêm chờ được ghép tạng.

Đặc biệt, có nhiều "kỷ lục" đáng nhớ, trong đó có ca ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam. Liên tiếp trong 2 ngày 27- 28/10/2020, Học viện Quân y đã thành công 2 ca ghép ruột, đánh dấu Việt Nam đã chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu tiên trong 13 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng, gồm 3 tim, 4 gan, 16 thận, trong đó 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Đặc biệt, có 2 ca ghép tim được thực hiện trong 2 ngày liên tiếp là 11 và 12/9. 

Ngày 2/12, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã thực hiện ca điều phối, vận chuyển đa tạng xuyên Việt, từ TP. Vũng Tàu đi TP.HCM, Huế và Hà Nội. Người hiến là anh N.H.Q., 30 tuổi, sống tại TP. Vũng Tàu. Anh là công nhân cầu đường, không may bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng. Anh được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 7.

Các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 mặc niệm nạn nhân chết não hiến tạng cứu 6 bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối 2 thận tới Bệnh viện Chợ Rẫy, tim và gan của người hiến tới 2 bệnh nhân nặng đang chờ ghép tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đây là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vận chuyển tạng tới cả 3 miền đất nước. Việc vận chuyển tạng được tiến hành gấp rút và cần nhiều phương tiện hỗ trợ, đặc biệt là việc vận chuyển tới Huế và Hà Nội. 

Các ca ghép đã được thực hiện ngay trong đêm 2/12 và đến sáng 3/12, các bệnh nhân đều đã hồi tỉnh, rút nội khí quản và có thể tự thở.

Ngày 16/9/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ) đã thực hiện ca lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu sống 6 bệnh nhân khác nhau. Sau 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và trong suốt hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật, Ban Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 đã huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của BV cùng với sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Bệnh viện Phổi TW, chuẩn bị 12 bàn mổ hoạt động đồng thời.

Các bệnh nhân này đều được ghép tạng tại Bệnh viện TWQĐ 108, sau ghép đa tạng, sức khoẻ họ đều thuận lợi. 

Ca mổ tách "lịch sử" Trúc Nhi - Diệu Nhi kéo dài 12 tiếng, 100 y bác sĩ

Ngày 7/6/2019, tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), Trúc Nhi - Diệu Nhi sinh ra với hình hài dính chặt nhau vùng bụng chậu. Mọi sinh hoạt đơn giản nhất như tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống... của hai bé cũng rất khó khăn.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiến hành theo dõi, chăm sóc 2 bé theo một chế độ đặc biệt.

Những hình ảnh dễ thương của Trúc Nhi - Diệu Nhi sau ca mổ "lịch sử"

Sau hơn một năm chung sống trong cùng một cơ thể với muôn vàn những điều bất tiện không diễn tả bằng lời, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã cùng 100 y bác sĩ "chiến đấu" đầy dũng cảm suốt 12 tiếng trong phòng mổ vào hôm 15/7/2020 - cuộc đại phẫu quan trọng của đời mình.

Tất cả đều vỡ òa cảm xúc khi ca mổ thành công tốt đẹp, hai đứa trẻ được các bác sĩ đẩy trên hai chiếc giường riêng biệt về phòng hồi sức ngoại điều trị.

Đây là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế TP.HCM thực hiện sau ca mổ Việt - Đức 32 năm trước. Với thành tựu đó, ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi được xác nhận kỷ lục với tên: "Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh". 

Bệnh viện TW Huế phối hợp cùng Generali triển khai chuyến xe "Sát Cánh Bên Miền Trung" thăm khám chữa bệnh miễn phí cho bà con sau lũ lụt 

Khi “khúc ruột” miền Trung phải oằn mình gánh chịu thiên tai, tinh thần Đỏ đồng cảm sẻ chia của người Việt - cũng chính là tinh thần mà Generali hướng tới, đã gắn kết triệu trái tim Đỏ trên dải đất hình chữ S, thăng hoa thành nghĩa cử nhân văn giúp miền Trung vững bước qua cơn hoạn nạn. 

Generali đã phối hợp với Bệnh viện TW Huế triển khai chuyến xe "Sát Cánh Bên Miền Trung" khởi hành từ 25/11/2020 với những hoạt động tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân trong vùng lũ bị ảnh hưởng ở 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế.

Vì Generali hiểu rằng khi dòng nước lũ đi qua, miền Trung vẫn chưa thể "thở phào nhẹ nhõm" vì nguy cơ "dịch chồng dịch" vẫn còn tiềm ẩn, đời sống còn vất vả, thiếu thốn trăm bề, con đường đến trường còn dở dang, và đồng bào miền Trung rất cần những hoạt động cứu trợ để nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sau những đổ nát và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 9.
Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 10.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty Cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu kỳ Việt Nam.

Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện, nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại WeChoice Awards 2020. Thời gian bình chọn từ ngày 13/01/2021 đến 23h59 ngày 21/01/2021.

Truy cập wechoice.vn để lan tỏa niềm cảm hứng ngay hôm nay.

Nhìn lại một năm đậm dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam - Ảnh 12.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Thương hiệu Diabetna và hành trình 17 năm bền bỉ cùng chung tay giáo dục sức khỏe cho người tiểu đường

(Tổ Quốc) - Với sứ mệnh "Vì sức khỏe người tiểu đường", thương hiệu Diabetna không những được hàng triệu người tin dùng bởi chất lượng sản phẩm mà còn bởi hàng loạt những chương trình ý nghĩa kết hợp với các đơn vị trên cả nước giúp nâng cao kiến thức, thắp sáng niềm tin cho người tiểu đường.