Những ký ức hào hùng và bi tráng của cựu binh viết "huyết thư" xin ra trận

Hạnh Linh | 11-03-2023 - 12:14 PM

(Tổ Quốc) - Sau ba lần xin được ra chiến trường không thành công, ông Trần Quang Nghiêm (SN 1938, tỉnh Thanh Hóa) đã lấy dao lam cắt tay viết "huyết thư" xin ra trận

Dù ở đã ở tuổi 85, nhưng ông Nghiêm vẫn nhớ như in ngày mình viết huyết thư và những gì xảy ra ở ngục tù Phú Quốc. Mỗi lần nhắc đến cổ họng ông ứa nghẹn, nước mắt ông cứ thế tuôn trào,…

Tâm thư bằng máu xin ra trận

Những năm tháng chiến tranh, ông Nghiêm hằng ngày đọc báo, nghe đài biết được bọn địch hung hãn, đàn áp Nhân dân, khiến 1 cán bộ văn phòng ở Ty Giao thông Thanh Hóa như ông Nghiêm rất căm phẫn.

Sau ba lần xin được ra chiến trường không thành công vì công việc ở Ty không có ai thay thế. Vào một đêm không ngủ, ông Nghiêm đã lấy dao lam cắt đầu ngón tay của mình, viết tâm thư xin được cầm súng chiến đấu…

Xúc động, thấu hiểu trước lá thư và tinh thần yêu nước của ông Nghiêm lúc bấy giờ giám đốc Ty đã đồng ý cho ông được vào chiến trường. Ngày 20-2-1965, ông Nghiêm lên đường nhập ngũ thuộc đơn vị C3, D10, E68, F351 vào Vùng 1 chiến thuật (Quảng nam - Đà Nẵng) được đào tạo sử dụng pháo binh Kachiusa (Liên Xô).

Tại chiến trường này, ông cùng đồng đội có nhiệm vụ hoàn thành tiêu diệt 4 cứ điểm ở Điện Quang, Điện Bàn, Điện Chính, Hội An.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ ông Nghiêm đi báo cáo toàn miền sau đó trở về đơn vị cũ thì phát hiện bị nhiễm chất độc hóa học (người thâm tím, mắt bị mờ, giãn lòng tử) ông Nghiêm được các đồng đội trèo đèo, lội suối, sau 3 tiếng đồng hồ cũng đưa đến bệnh viện dã chiến trong rừng để điều trị.

Khi đang nằm trong viện điều trị bất ngờ bị địch dùng máy bay bắn sập hầm. Ông Nghiêm lăn xuống hầm, bị thương, lúc đấy máu và nước đã ngập cả người. Nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, ông nghĩ rằng nếu không may bị địch bắt, chúng sẽ tra tấn, ép cung,… lúc này mình phải vững vàng ý chí, kiên định lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản, người Đảng viên.

"Một lát sau, địch phát hiện tôi ở dưới hầm, chúng lôi lên, xích tay tôi, bịt mắt, ném lên trực thăng đưa về Trại giam Đà Nẵng đấy là ngày 5-11-1968"- ông Nghiêm hồi tưởng.

Tại trại giam Đà Nẵng, ông gặp các chiến sỹ cách mạng yêu nước và được giao nhiệm vụ là Bí thư chi Đoàn trong khu biệt giam. Từ đó, ông tiếp tục sôi nổi, kiên cường hoạt động cách mạng trong tù với cái tên Trần Văn Nhiên, số tù 4551.Cũng tại đây, địch đã dùng nhiều "nhục hình" với ông Nghiêm cũng như chiến sỹ của ta.

Ông Nghiêm nhớ: Mỗi ngày địch hỏi cung từ 30 đến 50 lần, không chỉ vậy, chúng còn sử dụng nhiều biện pháp ép cung như dùng kim cắm vào mười đầu ngón tay, quấn bông vào đầu kim, tẩm xăng đốt. Người ông nóng ran, đau đớn, nghiến răng chịu đựng. Chúng còn nhổ răng, chỉ để cho 2 cái răng cửa, rồi có lần chúng dìm mặt ông vào thùng nước lạnh cho đến khi bất tỉnh...

Ký ức hào hùng ở ngục tù Phú Quốc

Sau thời gian, dùng đủ mọi cách ép cung, chúng không khai thác được gì, địch đưa ông Nghiêm cùng các chiến sỹ yêu nước khác ra tù giam Phú Quốc - nơi đây được ví như "địa ngục trần gian".

Ở mảnh đất ấy không chỉ là nơi lưu dấu tội ác man rợ của thực dân, đế quốc trong các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta mà đó còn là nơi của tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí kiên cường của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Ông Nghiêm không nhớ nổi trong 4 năm ở tù, địch đã bao nhiêu lần dùng dùi cui, roi điện, roi da đánh ông tới thừa sống thiếu chết, nằm lả xuống sàn. Giở đủ các "ngón đòn" tra tấn, chúng chuyển sang giọng điệu phỉnh nịnh, dụ dỗ, mua chuộc cốt để dò la tin tức về "quân giải phóng". Nhưng dù là hình thức gì, ông Nghiêm cùng các chiến sỹ của chúng ta vẫn 1 lòng kiên định với Đảng, với cách mạng.

Ông Nghiêm nói, 4 năm hoạt động cách mạng tại Trại giam Phú Quốc là quãng thời gian không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Thời điểm đó, ông được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ là cấp ủy, Bí thư chi bộ, trong ban lãnh đạo cuộc đấu tranh. Ông cùng các anh em trong trại giam thực hiện 2 nhiệm vụ chính là đòi quyền dân chủ và dân sinh.

Có thời gian, các chiến sỹ của chúng ta tổ chức tuyệt thực, đòi được nấu ăn, đào giếng,… Sau thời gian địch chấp nhận cho chúng ta tự nấu ăn và đào giếng. Đêm đến các anh em lại thay nhau đào hầm. Và cứ như thế, đã có hơn 40 chiến sỹ trốn khỏi khu biệt giam bằng đường hầm…

Nhắc đến đây, ông Nghiêm bật khóc, giọt nước mắt lăn xuống gò má mang theo bao nỗi niềm. "Thương nhất là các anh em đã xung phong, hy sinh thực hiện hành động mạnh để đòi quyền lợi. "Đồng chí Lê Bá Giao, tên trong tù là Phạm Văn Bình (quê ở huyện Hoằng Hóa) và Trần Nguyên Mạnh, tên trong tù là Trần Văn Nanh (quê ở huyện Hậu Lộc). Hai đồng chí sinh hoạt tại Phòng số 6, do tôi làm trưởng phòng đã tự mổ bụng, cắt dương vật ném vào mặt quân giặc, châm ngòi nổ cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi" - ông nghẹn giọng.

Ngày 12-2-1973, theo tinh thần của Hiệp định Pari, sau gần 4 năm, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Trại giam Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn. Cùng với các chiến sĩ tại Phân khu D- Trại giam Phú Quốc, ông Nghiêm được trao trả ngay từ đợt 1.

Được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đưa về an dưỡng, chăm sóc, điều trị tại thị trấn Móng Cái (nay là TP Móng Cái), Quảng Ninh, một năm sau đó, ông Nghiêm mới được đoàn tụ cùng gia đình trên mảnh đất quê hương.

Giờ đây, những di chứng để lại sau cuộc chiến tranh vẫn luôn hiện hữu khi 2/3 người con của ông bị chất độc màu da cam, song ông Nghiêm luôn biết ơn khi mình còn sống, trở về. Nhìn lên những tấm huân, huy chương, ông tự hào khi được kể về một thời đã dùng máu xương của mình để góp phần đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.