Nỗi khổ tâm của thế hệ "lão phiêu" tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn

Linh Hân | 29-10-2020 - 13:08 PM

(Tổ Quốc) - Người cao tuổi tại Trung Quốc thường lặn lội lên thành phố trông cháu giúp con cái. Tuy nhiên, họ không nghĩ mình sẽ phải làm việc đó tới tận 2 lần.

Chiều chiều, bà Liu Xiumei lại ngồi một mình trong căn hộ nhà con gái xem TV. Bà tự hỏi cuộc đời mình sẽ ra sao nếu không nhận lời trông cháu ngoại.

“Có lẽ tôi đang đi du lịch khắp đất nước cùng chồng”, người phụ nữ 55 tuổi cho biết. “Có thể tôi đang điều hành công ty dịch vụ giúp việc của mình, kiếm vài trăm tệ mỗi ngày”.

Khi con gái mang thai lần đầu vào năm 2014, cũng như nhiều bà mẹ Trung Quốc khác, bà Liu sẵn sàng lặn lội từ quê lên giúp con. Bỏ lại cuộc sống ở Hồ Bắc không phải chuyện dễ dàng, nhưng bà Liu nghĩ mình chỉ phải ở Thượng Hải vài năm, đến khi con gái có thể tự mình nuôi con.

Tuy nhiên, chuyện lại không đơn giản như vậy.

Chỉ 1 năm sau, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con. Con gái bà Liu là một trong số hàng triệu bậc phụ huynh đã tận dụng thời cơ này để sinh con thứ hai. Trách nhiệm trông cháu của bà Liu đã bất ngờ tăng thêm.

***

Trông trẻ đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với các bậc phụ huynh ở thành thị Trung Quốc, bởi họ phải làm việc liên tục để cáng đáng chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Không thể tự mình chăm con, các cặp vợ chồng nhờ bố mẹ mình giúp đỡ. 

Trong vài năm gần đây, hàng triệu người cao tuổi đã trở thành “lão phiêu” - hay còn gọi là “những người già phiêu bạt”. Họ rời quê nhà để tới thành phố trông cháu cho con cái chuyên tâm làm việc.

Lớn lên trong thời kỳ Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách một con, những người cao tuổi này sẵn sàng hy sinh vì gia đình, đầu tư mọi nguồn lực cho đứa con duy nhất của mình. 

“Họ nghĩ rằng chăm con là bổn phận của cha mẹ”, Tang Xiaojing - giảng viên môn Xã hội học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải) - giải thích. “Khi đứa con duy nhất lập gia đình, cha mẹ sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ cha mẹ-con cái như trước”.

Thế nhưng, chính sách hai con đã tạo áp lực mới lên những mối quan hệ này. Có người thúc giục con cái sinh thêm vì muốn “con đàn cháu đống”; có người lại phản đối và ngại phải chăm cháu thêm nhiều năm nữa.

Mặc dù hầu hết ông bà đều coi việc trông cháu là “trách nhiệm”, họ lại nghĩ khác khi đứa trẻ thứ hai ra đời. Có người vỡ mộng sau khi đã trông đứa cháu thứ nhất; có người không muốn tiếp tục rời xa quê hương. Một số khác cảm thấy mình quá giả để chăm sóc tốt đứa trẻ.

“Người già không còn nhiều năng lượng như trước vì tuổi tác. Họ có thể phải chăm sóc bạn đời của mình lúc ốm đau”, Tang cho biết.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 1.

***

Khi con gái đề cập tới chuyện sinh thêm con, bà Liu không giấu nổi sự hoảng hốt. Đã ở Thượng Hải nhiều năm, bà nhớ chồng và cuộc sống tự do tự tại ở tỉnh Hồ Bắc. Hơn nữa, bà đã kiệt sức.

“Nuôi dạy một đứa trẻ rất áp lực”, bà Liu nhớ lại những lời đã nói với con gái. “Trông một đứa đã mệt; tôi không thể nào chăm sóc thêm một đứa nữa”.

Tuy nhiên, mẹ chồng của con gái bà lại rất háo hức có thêm cháu. Người phụ nữ này đã di chuyển hơn 2.000 km từ Vân Nam lên Thượng Hải để trông cháu nội, thay chỗ bà Liu.

Thế nhưng, chẳng lâu sau, mọi thứ bắt đầu trục trặc. Người mẹ chồng truyền thống liên tục tranh cãi với con dâu về mọi thứ, từ chuyện nhỏ nhặt cho đến các tín ngưỡng văn hóa.

“Bà ấy cho rằng phụ nữ nên ở nhà chăm con, để đàn ông ra ngoài làm việc”, chị Liu Chongyang - con gái bà Liu - cho biết. “Ở Thượng Hải, cả hai vợ chồng phải đi làm mới đủ nuôi 3 người, nói gì đến 4”.

Mẹ chồng của Liu Chongyang không biết lau sàn gỗ hiện đại hay dùng nồi cơm điện. Sau vài tuần, chị không thể chịu nổi nữa.

“Con gái gọi điện cho tôi mỗi ngày, cầu xin tôi giải cứu nó khỏi đống hỗn độn này”, bà Liu Xiumei nhớ lại.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 2.

Cháu gái mải mê chơi trong khi người ông ngủ gục ở ghế (Ảnh: Zhang Yan/People Visual)

Kể từ đó, bà Liu Xiumei sống cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại trong căn hộ 70m2 ở ngoại ô Thượng Hải. Đồ chơi trẻ con nằm rải rác trong phòng khách, chiếc paino lớn bị dẹp vào một góc.

Đối với bà Liu, mỗi ngày đều dài và lặp đi lặp lại. Bà dậy lúc 7h, khi đó con gái và con rể đã đưa cháu ngoại đi học mẫu giáo và đến cơ quan. Bà cho cháu trai ăn, dọn nhà, giặt giũ và nấu bữa trưa. Khi mọi thứ xong xuôi thì cũng hết buổi sáng.

Vào buổi chiều, khi cháu trai đang ngủ, bà Liu sẽ xem TV hoặc lướt mạng. Tầm 15h, bà đèo cháu trai bằng xe đạp điện, tới đón cháu gái từ nhà trẻ. Đôi khi, bà dành thời gian để chơi piano, sau đó là đến giờ ăn tối và tắm rửa. Bố mẹ của hai đứa trẻ chỉ trở về nhà khi trời đã tối muộn.

Bà Liu thường đi ngủ lúc 23h. “Ngày nào cũng giống ngày nào”, bà nói.

Vào cuối tuần, con gái và con rể thường đưa bọn trẻ đi chơi cả ngày nên bà Liu được nghỉ ngơi ở nhà. Khi họ đi du lịch, bà sẽ về thẳng Hồ Bắc để thăm chồng. “Đây là lúc tôi được nghỉ ngơi”, bà nói.

Bà Liu vẫn chưa quyết định khi nào thì về quê hẳn. Mặc dù nhớ cuộc sống cũ, bà vẫn duy trì mối quan hệ tốt với con dâu và con rể - những người trả mọi khoản chi phí và biết ơn sự giúp đỡ của bà.

“Hai vợ chồng chăm sóc bọn trẻ khi ở nhà”’, bà nói. “Nếu tôi về quê, chúng sẽ phải thuê người trông trẻ. Nhưng tôi không chắc mình có thể tin tưởng người trông trẻ… Tôi thà hy sinh bản thân còn hơn”.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 3.

Ông bà đưa cháu về nhà sau khi đi chơi ở công viên. (Ảnh: People Visual)

***

Tuy nhiên, những người cao tuổi khác lại không mặn mà lắm với nhiệm vụ chăm cháu. Nhiều người cho biết, họ lo lắng rằng mình không đủ khả năng để trông cháu, có thể khiến bọn trẻ gặp vấn đề về hành vi hay gặp tai nạn. Họ cũng lo ngại cháu chắt sẽ trở nên dựa dẫm vào mình.

“Tôi đã làm việc cả đời, nên giờ tôi chỉ muốn tận hưởng thời gian nghỉ hưu bên vợ mình”, ông Zhao Yaping - cựu giáo viên 64 tuổi - cho biết. “Cuộc sống của tôi không nên chỉ xoay quanh con cái”.

Khi vợ chồng con trai sinh thêm đứa thứ hai vào năm 2017, ông Zhao buộc phải nói ra sự thật. “Tôi bảo các con rằng, sau khi sinh thêm con, cuộc đời sẽ nhân đôi niềm vui, nhưng cũng nhân đôi cả cay đắng”, ông nói. “Một khi đứa trẻ được sinh ra, sẽ không có đường lui”.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng này vẫn quyết định sinh thêm con. Cuối cùng, ông Zhao phải giúp họ tìm bảo mẫu và hỗ trợ 5.000 tệ/tháng (~17 triệu đồng), nhưng từ chối trông cháu toàn thời gian. Thay vào đó, con dâu ông ở nhà để chăm con cho tới khi lũ trẻ đủ tuổi đi nhà trẻ.

“Tôi trông cháu nội vào chiều Chủ nhật hàng tuần, để con trai và con dâu có thời gian riêng cho bản thân”, ông Zhao nói.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 4.

Ông bà đưa cháu đi ngắm hoa cúc ở công viên Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc (Ảnh: Sui Zhen/People Visual)

Khác với ông Zhao, bà Wang Huiquan lại không nỡ từ chối khi con trai nhờ trông giúp đứa cháu nội thứ hai mới sinh năm ngoái. Người phụ nữ 66 tuổi này đồng ý nhưng trong lòng nặng trĩu.

Khi ấy, cháu nội đầu tiên của bà Wang vừa mới đi nhà trẻ. Bà nghĩ rằng cuối cùng mình đã được nghỉ ngơi thực sự. “Tóc tôi từng rất đen, nhưng giờ đã xám cả”, bà nói.

Đứa cháu nội thứ hai không chỉ làm bà mệt mỏi, mà còn khiến mối quan hệ giữa bà Wang và con dâu thêm căng thẳng. Họ thường bất đồng trong cách nuôi dạy con cái. 

Khi bà Wang cho các cháu vừa ăn vừa xem hoạt hình, con dâu phàn nàn bà đang quá nuông chiều bọn trẻ. Tuy nhiên, bà cho rằng mình chỉ đang cố gắng hết sức.

“Tôi cảm thấy chóng mặt mỗi khi bọn trẻ nghịch ngợm hoặc la hét đòi ăn”, bà nói. “Thế nhưng, con dâu tôi lại chẳng hiểu được, bởi có mấy khi nó tự mình cho bọn trẻ ăn đâu”. 

Trong vài tháng gần đây, bà Wang ngày càng cảm thấy khó khăn. Người mẹ già 90 tuổi của bà bị ốm; giờ bà cùng lúc phải chăm sóc cả hai thế hệ. Nỗi lo lắng đã khiến bà sụt mất 5 kg.

“Con trai bảo sẽ cho tôi nghỉ 1 tháng, nhưng tôi nghĩ mình cần nhiều hơn thế”, bà Wang cho biết.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 5.

(Ảnh: Photodisc/Getty Creative/People Visual)

***

Tang Dan - trợ lý giáo sư tại ĐH Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh - chuyên nghiên cứu về tâm lý người cao tuổi. Theo Tang, nhiều người thuộc thế hệ của bà Wang đang gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần do áp lực từ việc chăm sóc con cháu.

“Họ không chỉ trông cháu, mà còn phải lo cho cả con cái mình”, Tang nói. “Áp lực là rất lớn”.

Các bậc phụ huynh trẻ không ý thức được đầy đủ trách nhiệm làm cha mẹ của mình, khiến cho ông bà thêm vất vả và cảm thấy bị chính người thân của mình coi thường.

“Người già thường cảm thấy cô đơn, bởi họ cho đi rất nhiều tình cảm nhưng lại không nhận được sự báo đáp như mong đợi”, Tang giải thích. “Điều này có thể khiến họ rơi vào trầm cảm hoặc đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác”.

Nỗi khổ tâm của thế hệ lão phiêu tại Trung Quốc: Lặn lội từ quê lên thành phố để trông cháu thay con cái, cô đơn nơi đất khách thay vì tận hưởng tuổi già an nhàn - Ảnh 6.

Bà Chen Xiangling đang đếm ngược từng ngày cho tới khi hai đứa cháu ngoại đi nhà trẻ để được nghỉ hưu đúng nghĩa. “Tôi ước gì ngày đó đến sớm hơn”, bà nói.

Người phụ nữ 58 tuổi này đã sống ở Bắc Kinh vài năm, sau khi rời quê hương Hà Bắc để lên thành phố giúp vợ chồng con gái. Bà cảm thấy khá cô đơn khi sống ở đây.

“Hàng xóm không nghe được giọng tôi”, bà Chen nói. “Con gái và con rể thích dán mắt vào điện thoại hơn là trò chuyện với mẹ”.

Tuy nhiên, bà Chen vui mừng khi con gái quyết định sinh thêm đứa thứ hai. Trên thực tế, bà chính là người đã khuyến khích con, hứa rằng mình sẽ chăm sóc cháu ngoại mới sinh”. 

“Tôi luôn muốn sinh thêm con, nhưng chính sách khi đó không cho phép”, bà Chen nói. “Khi bạn già cả và cần người chăm sóc, hai đứa con có thể san sẻ trách nhiệm cùng nhau. Điều này tốt cho tất cả mọi người”.

(Theo Sixthtone)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM