Phát hiện 3 'thủ phạm' trong bữa ăn khiến tiểu đường gia tăng trên toàn cầu

Trà My | 24-04-2023 - 10:46 AM

Nghiên cứu mới cho thấy việc ăn/uống quá nhiều 3 thứ này đã góp phần khiến tiểu đường loại 2 gia tăng trên toàn cầu.

Nghiên cứu được công bố ngày 17/4 trên tạp chí Y học Tự nhiên, thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ, CNN đưa tin.

Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Tufts và giáo sư y khoa tại Trường Y Tufts ở Boston, Mỹ.

Tiến sĩ Mozaffarian và nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình nghiên cứu về chế độ ăn từ năm 1990 đến 2018 và áp dụng mô hình này cho 184 quốc gia.

Nghiên cứu cho thấy vào năm 2018, số ca tiểu đường loại 2 do chế độ ăn uống kém lành mạnh tăng 8,6 triệu trường hợp so với năm 1990.

Ước tính trong năm 2018, cứ 10 người mắc tiểu đường loại 2 trên toàn thế giới thì 7 người có liên quan đến việc ăn uống các thực phẩm kém lành mạnh.

Phát hiện 3 'thủ phạm' trong bữa ăn khiến tiểu đường gia tăng toàn cầu - Ảnh 1.

Ăn thực phẩm kém lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiểu đường loại 2, theo nghiên cứu mới. (Ảnh minh họa)

Theo đó, hơn 60% số ca tiểu đường do chế độ ăn trên toàn cầu vào năm 2018 là do các thói quen ăn uống sau:

- Ăn quá nhiều gạo, lúa mì và khoai tây tinh chế;

- Ăn quá nhiều thịt đỏ đã chế biến và chưa chế biến, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích…;

- Uống quá nhiều đồ uống có đường và nước trái cây.

Ngoài ra, việc ăn không đủ năm nhóm thực phẩm lành mạnh - trái cây, rau không chứa tinh bột, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và sữa chua - chỉ chịu trách nhiệm cho hơn 39% trường hợp mắc mới tiểu đường.

Người dân ở Ba Lan và Nga, nơi chế độ ăn có xu hướng tập trung vào khoai tây, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, và các quốc gia khác ở Đông Âu, Trung Âu, Trung Á, có tỷ lệ mắc mới tiểu đường loại 2 liên quan đến chế độ ăn cao nhất.

Colombia, Mexico và các quốc gia khác ở Mỹ Latinh và Caribe cũng có số lượng ca mắc mới cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là các quốc gia này tiêu thụ nhiều đồ uống có đường và thịt chế biến sẵn, cũng như ăn ít ngũ cốc nguyên hạt.

Tiến sĩ Mozaffarian cho biết thêm: "Những phát hiện mới này cho thấy các chính sách ở cấp quốc gia và toàn cầu cần tập trung vào cải thiện dinh dưỡng và giảm gánh nặng tàn phá của bệnh tiểu đường".

Phát hiện 3 'thủ phạm' trong bữa ăn khiến tiểu đường gia tăng toàn cầu - Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp phòng ngừa tiểu đường loại 2.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Thật may mắn, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng có thể giúp phòng ngừa tiểu đường loại 2, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh tiểu đường bạn có thể tham khảo.

1. Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường (đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng chẩn đoán tiểu đường) nên giảm ít nhất 7% – 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.

2. Tăng cường vận động thể lực

Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc phòng bệnh tiểu đường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể:

- Hoạt động thể chất giúp giảm cân nặng, đây là yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

- Vận động nhiều còn giúp giảm lượng đường trong máu.

- Tăng độ nhạy cảm với insulin, giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.

3. Ăn chất béo lành mạnh

Để giảm và kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa, còn được gọi là "chất béo tốt".

Chất béo không bão hòa (bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa) giúp giảm cholesterol xấu trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nguồn chất béo tốt bao gồm: dầu ô liu, hướng dương, dầu hạt cải…; các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô; cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ…

Chất béo bão hòa (chất béo xấu) được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa và thịt chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn uống. Thay bằng các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gà và thịt heo nạc.

4. Nói không với thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Do đó, nên bỏ hút thuốc/không hút để phòng ngừa đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.

5. Uống rượu với liều lượng vừa phải

Uống rượu quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Lượng rượu vừa phải ở nữ giới và nam giới trên 65 tuổi khoảng 1 đơn vị/ngày (tương đương 330ml bia hơi hoặc 100ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh); nam giới dưới 65 tuổi tối đa 2 đơn vị mỗi ngày.

Việc sử dụng rượu quá nhiều có thể gây viêm tụy mãn tính, giảm khả năng tiết insulin vốn có nhiệm vụ kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến đái tháo đường.

6. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Ăn nhiều chất xơ rất có lợi cho sức khỏe đường ruột, làm chậm hấp thu tinh bột từ đường tiêu hóa vào máu và giúp kiểm soát cân nặng hợp lý. Nghiên cứu ở những người béo phì, người cao tuổi và tiền tiểu đường đã chỉ ra rằng ăn nhiều chất xơ giúp giữ lượng đường trong máu ở mức thấp.