Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường

(Tổ Quốc) - Hàng triệu người tại 190 quốc gia trên thế giới đã tham gia vào chiến dịch này để nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường.
Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 1.

Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), mỗi năm có khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra các vùng nước. Dự kiến, trong 2 thập kỷ tới, con số đó sẽ tăng gấp 3 lần. Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, 175 quốc gia thành viên của Hội đồng Môi trường LHQ vào tháng 3 đã nhất trí xây dựng hiệp ước hạn chế sử dụng nhựa vào cuối năm 2024.

Phân tích năm 2021 của Tổ chức Phi lợi nhuận Minderoo cho thấy có 20 công ty sản xuất ra hơn 1 nửa tổng số nhựa dùng 1 lần trên thế giới. Tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil Corp là đơn vị gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới. Tuy các công ty là "thủ phạm" chính chứ không phải các cá nhân nhưng điều đó không ngăn được hàng triệu người như nữ tác giả Carolyn Armstrong (52 tuổi) cắt giảm sử dụng nhựa, dù chỉ trong 1 tháng.

Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Khi nhắc đến "nhựa", Armstrong nhận ra rằng nó có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của mình, từ chai nước, ống hút, đồ trang điểm cho đến các vật dụng trong nhà. Nữ tác giả lần đầu tiên nghĩ đến việc cắt bỏ nhựa ra khỏi cuộc sống khi đang nghiên cứu một cuốn sách dành cho trẻ em về ô nhiễm nhựa ở đại dương và tham gia vào nhóm hoạt động vì môi trường Go Green Winnetka.

Năm nay là lần đầu tiên cô thực hiện cam kết một cách quyết liệt hơn: không sử dụng đồ nhựa trong 1 tháng. Và có một thực tế là Armstrong không đơn độc. Trong hơn 1 thập kỷ qua, mọi người trên khắp thế giới chọn tháng 7 hàng năm (Plastic Free July) để thực hiện cam kết tương tự.

Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 3.

Rebecca Prince-Ruiz - người thành lập Plastic Free July, cho biết. "Tôi chưa từng có ý định thành lập phong trào toàn cầu cho đến khi đi thăm một cơ sở tái chế lần đầu tiên trong đời. Tôi thực sự choáng ngợp khi thấy những gì chúng ta đã thải ra".

Ngày hôm sau tại nơi làm việc, Prince-Ruiz nói với đồng nghiệp rằng cô sẽ dành ngừng sử dụng nhựa 1 lần trong 1 tháng và hỏi liệu có ai muốn tham gia không. Thật tình cờ, khi đó là gần hết tháng 6. Đó là hoàn cảnh ra đời của Plastic Free July. 

Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 4.

Ảnh: Internet.

11 năm trôi qua, hàng triệu người tại 190 quốc gia trên thế giới đã tham gia vào chiến dịch này để nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường.

Prince-Ruiz chia sẻ: "Để giảm việc sử dụng nhựa, trước tiên, bạn cần xác định các loại đồ nhựa ở xung quanh mình và chọn một vài trong số đó để cắt giảm. Đừng cố để cắt giảm tất cả mọi thứ vì điều đó tương đối quá sức".

Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 5.

Cốc và chai nước

Nếu bạn thường xuyên uống trà và cà phê trên đường đi làm, một cách đơn giản để cắt giảm cốc dùng 1 lần là mang theo chai hoặc cốc có thể tái sử dụng. Theo một thống kê năm 2005, khoảng 75 triệu cốc cà phê dùng 1 lần được sử dụng hàng ngày ở Mỹ. Con số đó đã tăng lên hơn 105 triệu cốc mỗi ngày vào năm 2015.

Tương tự, bạn có thể thay thế chai nước dùng 1 lần bằng  những chiếc chai hoặc bình dùng được nhiều lần. Theo Ocean Conservancy, năm 2020, hơn 600.000 chai đồ uống bằng nhựa đã được các cơ quan dọn vệ sinh biển quốc tế thu gom.

Túi nilon

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trong số 4,2 triệu tấn túi nilon, bao tải và bao bì nhựa được sản xuất trong năm 2018, chỉ 10% được tái chế. Trong khi đó, gần 275.000 túi nilon đựng hàng tạp hóa đã được tìm thấy dọc theo các bờ biển trên toàn cầu vào năm ngoái.

Nếu bạn muốn cắt giảm số lượng túi nilon mang về nhà từ cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay chợ, lần tới hãy mang theo loại túi có thể tái sử dụng.

Phong trào không dùng đồ nhựa trong 1 tháng để bảo vệ môi trường   - Ảnh 6.

Ảnh: Internet.

Các nhà hoạt động môi trường cho biết thông qua luật cấm dùng túi nilon, sẽ có nhiều người chuyển sang dùng túi có thể tái sử dụng hơn. Tại Mỹ hiện có 7 tiểu bang đã ban hành quy định này.

Túi, hộp đựng thực phẩm

Chọn rau quả rời thay vì sản phẩm đóng gói sẵn là một cách để loại bỏ nhựa. Ngoài ra, thay vì dùng chai nhựa một lần đựng thực phẩm dạng lỏng, bạn có thể dùng bình thủy tinh để có thể tái sử dụng nhiều lần. Với những loại thực phẩm như ngũ cốc, mì ống, bạn có thể chọn loại được bọc bằng bìa giấy.

Ống hút, hộp, thìa nhựa

Đối với những người hay gọi đồ ăn mang đi, yêu cầu cửa hàng không kèm theo các vật dụng trên là một cách dễ dàng để cắt giảm rác thải nhựa. Theo Ocean Conservancy, h225.000 ống hút và thìa nhựa đã được thu thập dọc theo các bờ biển vào năm 2020, cùng với đó là 223.000 hộp nhựa đựng đồ ăn mang đi.

Một số bang ở Mỹ đã ban hành luật bắt buộc khách hàng phải bỏ tiền mua những vật dụng trên khi gọi đồ mang đi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần chủ động hơn trong việc loại bỏ chúng.

Một nhà hoạt động môi trường cho biết năm ngoái, những người tham gia Plastic Free July đã cắt giảm được 2,1 triệu tấn rác thải tổng thể, bao gồm 300.000 tấn rác thải nhựa. Tất nhiên, giải quyết rác thải nhựa toàn cầu là việc đòi hỏi nhiều nỗ lực trên quy mô lớn hơn, đặc biệt là từ phía các chính phủ và doanh nghiệp.

Đối với Amrstrong, người vừa kết thúc cam kết Plastic Free July đầu tiên cách đây không lâu, đây mới chỉ là sự khởi đầu. "Tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong những năm tới. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng cố gắng hạn chế dùng nhựa sử dụng một lần nhiều nhất có thể".

Nguồn: Bloomberg, CNN

Mộc Tiên

Tin mới