Thủ tướng: Tăng số nước được miễn thị thực, mở rộng visa điện tử thu hút khách quốc tế

PV | 15-03-2023 - 15:26 PM

(Tổ Quốc) - Để hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, ngày 15/3, Thủ trướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp cấp bách trong thời gian tới.

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển". 

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không...

Tổng thu từ khách du lịch đạt 85,6 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tổng quan về hoạt động, tăng trưởng của ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời điểm chúng ta tổ chức hội nghị hôm nay đúng tròn 1 năm Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại thị trường du lịch quốc tế, cùng với việc đẩy nhanh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới và với sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đã được được những kết quả, biểu hiện trên một số lĩnh vực sau:

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Thủ tướng: Tăng số nước được miễn thị thực, mở rộng visa điện tử thu hút khách quốc tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm tại Hội nghị.

Lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức, với 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa những cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các công ty lữ hành với bạn bè quốc tế để cam kết và đưa khách quốc tế vào Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến…làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.

Chính nhờ các giải pháp nêu trên, toàn ngành du lịch dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khép lại năm 2022 đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.

Về các hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

Một số nguyên nhân chính gồm: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.

Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Về kiến nghị, đề xuất: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, Nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Cải cách mạnh mẽ về chính sách visa

Trong Hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu, chỉ ra các thế mạnh và giải pháp, đề xuất để ngành du lịch phát triển trong trong thời gian tới. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng: Báo cáo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thể hiện rất chính xác, phân tích rất rõ, các giải pháp cũng rất đầy đủ. Để cơ cấu thị trường cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công và tư, và các doanh nghiệp trong ngành...

Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông Trường cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Thủ tướng: Tăng số nước được miễn thị thực, mở rộng visa điện tử thu hút khách quốc tế - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phá về chính sách visa - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Trường cũng nhìn nhận, "vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa".

Để phục hồi và thu hút khách du lịch quốc tế, ông Trường đề xuất các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. "Chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể  các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần".

Giải pháp thứ 2 được vị này đưa ra là ghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Tại Hội nghị, mở đầu bài phát biểu, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nhấn mạnh, đồng tính với báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng như các ý kiến đại biểu đưa ra liên quan đến các thực trạng, giải pháp và các vấn đề liên quan đến chinh sách visa. Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh Luật cần thiết để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực để cạnh tranh hơn.

Thứ hai, sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thuế VAT, điện, tiếp cận nguồn vốn Quỹ xúc tiến du lịch, đặc biệt cần sửa luật để mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, xem xét, tính toán lại mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023. Ông đề  nghị đặt mục tiêu cao hơn để phấn  đấu.

Sửa đổi chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi-tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Đánh giá cao về sự phục hồi du lịch trong nước, tuy nhiên Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần.

Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để giản tiện cho khách du lịch còn hạn chế. Mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm; khách du lịch chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú). Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế... còn bất cập.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, muốn phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Thủ tướng: Tăng số nước được miễn thị thực, mở rộng visa điện tử thu hút khách quốc tế - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị: Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Để thời gian tới ngành du lịch cất cánh và phát triển xứng tầm, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới  tham gia đào tạo nhân lực du lịch.

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.