Tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2030, là đô thị vệ tinh cạnh Hà Nội đang có tình hình kinh tế ra sao?

(Tổ Quốc) - Theo Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 22/8/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, một trong những quan điểm, định hướng trọng tâm Thủ tướng giao cho Bắc Ninh đó là tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2030 là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh.

Thực tế, mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được đề cập trong quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, có hiệu lực từ ngày 24/2/2021. Cụ thể, trong giai đoạn này, dự kiến sẽ có 3 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa.

Kinh tế Bắc Ninh hiện tại đang phát triển ra sao?

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Với lợi thế gần Hà Nội, Bắc Ninh là một trong các cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, là Khu vực động lực của Vùng ĐBSH và có sức hút về các mặt kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử văn hoá... đồng thời là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ và tiếp thị thuận lợi đối với mọi miền đất nước.

Quy mô GRDP (theo giá so sánh) của tỉnh tính đến năm 2020 đạt khoảng 124.988 tỷ đồng, gấp 2,49 lần năm 2011, vươn lên vị trí thứ 4 trong vùng và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 147,4 triệu đồng/người, tương đương 6.322 USD/người (gấp 3,4 lần so với năm 2010), gấp 2,3 lần mức trung bình chung của cả nước (GDP bình quân đầu người năm 2020 của cả nước là 2.750 USD).

Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đạt 12,44%/năm, cao hơn mức 6%/năm bình quân cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,06%/năm trong giai đoạn 2016-2020, GRDP của tỉnh có xu hướng tăng trưởng thấp hơn (so với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 16,99%/năm. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3,32%, trong đó lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là ngành ngành dịch vụ (tốc độ tăng trưởng đạt 1,0%, năm 2019 là 5,46%).

Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GRDP của tỉnh thời gian qua chủ yếu từ ngành công nghiệp – xây dựng. Trong đó, giai đoạn 2011-2020, GRDP (giá so sánh 2010) ngành công nghiệp – xây dựng bình quân đạt 66.257 tỷ đồng; ngành dịch vụ bình quân đạt 17.276 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là từ năm 2013, ngành công nghiệp - xây dựng đã và đang có xu hướng đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Sang đến năm 2022, GRDP của Bắc Ninh ước tính tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2019-2022. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế xếp thứ 9/63 địa phương cả nước; GRDP bình quân đầu người xếp thứ 3/63 địa phương; giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước (gần 1,35 triệu tỷ); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xếp thứ 2/63 địa phương (xuất siêu 6,5 tỷ USD); tổng vốn đầu tư FDI xếp thứ 6/63 địa phương (đạt 24,2 tỷ USD). Nhiều chỉ số thuộc nhóm dẫn đầu cả nước: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh xếp thứ 3/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh; chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 địa phương cả nước.

Tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2030, là đô thị vệ tinh cạnh Hà Nội đang có tình hình kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Bắc Ninh, trong 7 tháng đầu năm 2023, mặc dù rất khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 7 có tốc độ tăng cao nhất, tăng 23,84% so với tháng 6); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 21%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 2.637 (lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1.425); trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 32,7%, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng 6,2%. Vốn FDI đăng ký mới đạt 768,8 triệu USD, tăng gần 4,6 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế giảm sâu (6 tháng đầu năm 2023, GRDP giảm 12,59%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2023 giảm 16,62%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều bức xúc. Văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành.

Bắc Ninh dự kiến sẽ được quy hoạch ra sao trong thời gian tới?

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn tới, tỉnh ưu tiên tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đạt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, không thể bỏ qua an sinh xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế và đồng thời bảo vệ, cải thiện môi trường sống, đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và đa dạng hóa nền kinh tế, đồng thời cải thiện môi trường chính là các ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn sắp tới.

Về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 8,7%/năm giai đoạn 2021 - 2025; sau đó tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 7,5%/năm. Tính chung giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt bình quân 8,0%/năm.

Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 74,4%; dịch vụ 19,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 2,1%; Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 72,1%; dịch vụ 22,1%; nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 1,5%.

Về GRDP bình quân đầu người, đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 221,4 triệu đồng/người, tương đương khoảng 9.091 USD/người và đến năm 2030 đạt hơn hơn 347,88 triệu đồng/người, tương đương hơn 13.001 USD/người.


Hoàng Nguyễn

Tin mới